Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Đục thủy tinh thể bẩm sinh – Những thông tin cha mẹ cần nắm rõ

Ngày đăng: 26 Tháng Mười Hai, 2018
4.3/5 - (6 bình chọn)

Theo thống kê, cứ 10.000 trẻ cất tiếng khóc chào đời thì có 3 – 4 trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Đáng tiếc thay những trường hợp này thường được phát hiện muộn, khiến trẻ phải sống trong cảnh thị lực kém, thậm chí mù lòa cả đời. Vậy nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì? Làm thế nào để phát hiện và ngăn chặn kịp thời? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh là gì?

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suốt nằm sau đồng tử mắt, có nhiệm vụ hội tụ ánh sáng, giúp chúng ta nhìn thấy sự vật quanh mình. Khi thấu kính này bị đục ngay từ lúc mới ra đời, trẻ sẽ được kết luận mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh.

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể bẩm sinh

Đục thủy tinh thể bẩm sinh hình thành do 3 nguyên nhân chính, bao gồm:

– Di truyền: Đột biến gen quy định cấu trúc thủy tinh thể có khả năng di truyền sang thế hệ sau. Vì vậy, khi người thân trong gia đình, nhất là bố hoặc mẹ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh thì con cái của họ cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này.

– Người mẹ bị cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, giang mai, lậu… trong quá trình mang thai.

– Người mẹ sử dụng thuốc kháng sinh, kháng virut, thuốc an thần, chống viêm… trước và trong khi mang thai.

Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút có thể gây đục thủy tinh thể bẩm sinh cho trẻ

Phụ nữ mang thai bị nhiễm vi rút có thể gây đục thủy tinh thể bẩm sinh cho trẻ

Đục thủy tinh thể bẩm sinh nguy hiểm như thế nào?

Nếu thủy tinh thể chỉ bị đục nhẹ, thị lực sẽ ít bị ảnh hưởng và thường không cần điều trị. Tuy nhiên với trường hợp bệnh nặng, tiến triển nhanh nhưng không điều trị kịp thời, đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ tác động xấu đến sự phát triển thị giác của trẻ, dẫn đến nhược thị, lác, thậm chí mù lòa không thể hồi phục.

Cách phát hiện đục thủy tinh thể bẩm sinh

Đục thủy tinh thể ở người lớn có thể được phát hiện sớm nhờ những triệu chứng đặc hiệu như: nhìn mờ, chói sáng, thấy chấm đen, nhìn đôi… tuy nhiên đục thủy tinh thể bẩm sinh thì khác, trẻ không có khả năng tự nhận biết và nói với chúng ta về những bất thường này. Do vậy, bệnh thường được phát hiện muộn, làm tăng nguy cơ mù lòa ở trẻ. Để khắc phục điều này, trẻ cần được khám và kiểm tra mắt ngay trong khoảng 1 – 2 ngày sau sinh.

Đối với những trẻ lớn hơn, bố mẹ cần quan sát mắt trẻ và đưa trẻ đi khám sớm nếu phát hiện những dấu hiệu dưới đây:

– Thấy chấm trắng, xám mờ ở vùng con ngươi của mắt trẻ.

– Trẻ không có phản xạ nhìn theo khi tay hoặc đồ vật di chuyển dù đã được 2 – 3 tháng tuổi.

– Trẻ hay nheo mắt.

Phương pháp điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh

Phẫu thuật là cách điều trị đục thủy tinh thể bẩm sinh hàng đầu hiện nay. Để đạt hiệu quả cao, trẻ nên được phẫu thuật sớm, tốt nhất là trong khoảng 6 tuần đến 3 tháng tuổi. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ tiến hành gây mê toàn thân, chia nhỏ và hút thủy tinh thể đục ra ngoài. Sau phẫu thuật, trẻ được dùng kính áp tròng, kính gọng để ổn định thị lực. Việc cấy ghép thấu kính nhân tạo sẽ được thực hiện khi hệ thống thị giác của trẻ đã phát triển toàn diện, thường là 2 năm sau đó.

Mổ đục thủy tinh thể bẩm sinh tuy được đánh giá là khá an toàn, tuy nhiên cũng tồn tại một số rủi ro như: tăng nhãn áp, bong rách võng mạc, khô mắt, nhiễm trùng mắt,…. Để ngăn những rủi ro này, cha mẹ cần đưa con đi khám và điều trị tại các bệnh viện uy tín, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và có chế độ chăm sóc mắt tốt cho bé.

Sau phẫu thuật trị đục thủy tinh thể bẩm sinh, trẻ cần đeo kính để chỉnh thị lực

Sau phẫu thuật trị đục thủy tinh thể bẩm sinh, trẻ cần đeo kính để chỉnh thị lực

Xem thêm: Các bệnh viện điều trị đục thủy tinh thể uy tín trên toàn quốc

Giải pháp phòng ngừa đục thủy tinh thể bẩm sinh

Để giảm nguy cơ mắc đục thủy tinh thể bẩm sinh, ngăn chặn nguyên nhân gây bệnh là điều quan trọng. Cụ thể, nếu cha mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc đục thủy tinh thể bẩm sinh thì ngay khi trẻ ra đời cần kiểm tra kỹ thị lực, sau đó cần theo dõi và cho bé đi khám mắt thường xuyên để phát hiện kịp thời nếu trẻ bị di truyền bệnh. Ngoài ra, phụ nữ trước và trong khi mang thai cần chú ý những vấn đề sau:

– Tiêm phòng đầy đủ.

– Tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều vi khuẩn, vi rut độc hại để tránh mắc cúm, sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, giang mai, lậu…

– Tránh lạm dụng thuốc tây trong quá trình mang thai và cho con bú.

– Ăn uống đầy đủ các nhóm chất, nghỉ ngơi đầy đủ, tránh căng thẳng tinh thần.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh đúng là mối đe dọa cho thị lực, tuy nhiên nếu phát hiện và trị sớm, trẻ hoàn toàn có thể gìn giữ được đôi mắt sáng khỏe và có cuộc sống như những trẻ bình thường khác. Hy vọng qua nội dung trên, các bậc cha mẹ sẽ chú ý hơn và biết cách bảo vệ con mình khỏi căn bệnh này.

Xem thêm:

Đục thủy tinh thể nên ăn gì? Kiêng ăn gì?

Tổng hợp các cách trị đục thủy tinh thể hiệu quả hàng đầu hiện nay

Ds. Diệp Chi

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.allaboutvision.com/conditions/congenital-cataracts.htm

http://eyewiki.aao.org/Cataracts_in_Children,_Congenital_and_Acquired

Viết bình luận