Bệnh mạch vành

Suy tim toàn bộ – Thông tin triệu chứng, nguyên nhân và cách trị

Ngày đăng: 12 Tháng Bảy, 2021
5/5 - (1 bình chọn)

Suy tim toàn bộ là hệ quả cuối cùng của suy tim trái và suy tim phải. Trong giai đoạn này, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định của bác sĩ để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.

Suy tim toàn bộ là gì?

Suy tim toàn bộ là tình trạng phần bên phải và bên trái của tim đều trở nên suy yếu, không còn khả năng bơm máu đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu của cơ thể và hút máu nghèo oxy trở về, kết quả là dịch sẽ bị ứ tại các cơ quan như phổi, chân, bụng… Tình trạng này kéo dài và không được điều trị đúng cách sẽ làm gián đoạn hoạt động của mọi cơ quan trong cơ thể, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Suy tim toàn bộ là tình trạng giảm chức năng của cả tim bên phải và tim bên trái

Suy tim toàn bộ là tình trạng giảm chức năng của cả tim bên phải và tim bên trái

Triệu chứng suy tim toàn bộ

Suy tim toàn bộ có thể diễn biến cấp tính (các triệu chứng xuất hiện đột ngột, rầm rộ và giảm đi nhanh chóng) hoặc mạn tính (tiến triển âm thầm trong thời gian dài) với các biểu hiện như sau:

– Mệt mỏi cùng cực, dù chỉ vận động nhẹ hoặc nghỉ ngơi cũng cảm thấy mệt.

– Ho dai dẳng, có thể ho khan hoặc ho có đờm trắng, bọt hồng (do lẫn máu), thường xuất hiện nhất khi nằm hoặc vận động gắng sức do ứ dịch tại phổi.

– Khó thở, mức độ khó thở thường tăng lên khi nằm khiến người bệnh thường mất ngủ về đêm. Nhiều người bệnh phải ngồi dậy mới thở được.

– Tim đập nhanh do cấu trúc tim bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến khả năng dẫn truyền điện trong tim.

– Sưng phù mắt cá chân, bàn chân, bụng, tăng cân đột ngột, tiểu đêm nhiều lần do ứ dịch trong cơ thể.

Nguyên nhân gây suy tim toàn bộ

Suy tim toàn bộ thường là hệ quả của nhiều bệnh lý khác trong thời gian dài. Các nguyên nhân thường gặp là:

– Bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim: là nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim toàn bộ.

– Bệnh van tim: hẹp hở van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ, van động mạch phổi.

– Huyết áp cao.

– Rối loạn nhịp tim.

– Bệnh tim bẩm sinh.

– Người bệnh ung thư phải điều trị bằng hóa trị liệu.

– Người nghiện rượu bia, thuốc lá…

– Mắc bệnh mạn tính khác: bệnh phổi, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, nhiễm HIV/AIDS…

– Thiếu máu nặng.

Biến chứng của suy tim toàn bộ

Suy tim nếu không được điều trị sớm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như:

– Nhồi máu cơ tim: Biến chứng này có thể xảy ra bất kì lúc nào. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ tử vong.

– Đột quỵ não: do cục máu đông xuất hiện di chuyển lên não gây tắc nghẽn động mạch não.

– Tổn thương gan: do máu bị ứ tại gan, làm giảm khả năng trao đổi và chuyển hóa chất tại gan, có thể gây xơ gan.

– Suy thận: do lưu lượng máu đến thận giảm nên ảnh hưởng đến chức năng lọc máu của thận. Người bị suy thận nặng có thể cần phải chạy thận nhân tạo.

– Rối loạn nhịp tim: tim đập không đều do cơ tim yếu, buồng tim bị thay đổi cấu trúc nên đáp ứng kém với các xung động trong tim.

– Phù phổi cấp: do máu bị ứ tại phổi nghiêm trọng gây suy hô hấp cấp với các triệu chứng khó thở đột ngột, dữ dội; trào bọt khí, dịch ra mũi miệng…

Hướng dẫn điều trị suy tim toàn bộ

Điều chỉnh lối sống

– Ăn giảm muối để hạn chế giữ nước trong cơ thể, tránh làm tăng thêm gánh nặng cho tim. Hạn chế ăn các thực phẩm giàu chất béo, đường…

– Tăng cường bổ sung chất xơ, vitamin, chất béo lành mạnh cho tim từ rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, cá biển, dầu thực vật…

– Không hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều bia rượu, cà phê, nước trà đặc…

– Tránh vận động gắng sức nhưng phải thường xuyên luyện tập thể dục vừa sức ít nhất 30 phút mỗi ngày.

– Khám sức khỏe tim mạch 1 – 2 lần/năm.

Người bệnh suy tim toàn bộ cần đi khám sức khỏe định kì ít nhất mỗi năm 1 lần

Người bệnh suy tim toàn bộ cần đi khám sức khỏe định kì ít nhất mỗi năm 1 lần

Sử dụng thuốc

Để giảm triệu chứng và ngăn ngừa suy tim tiến triển xấu đi, các bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc tùy thuộc vào triệu chứng mà người bệnh mắc phải và các bệnh lý đi kèm. Những loại thuốc thường dùng là:

– Thuốc trợ tim: thường dùng nhất là digoxin có tác dụng tăng cường khả năng bơm máu của tim.

– Thuốc chống đông: dùng để dự phòng cục máu đông hình thành gây ra các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

– Thuốc lợi tiểu: giúp loại bỏ dịch dư thừa; giảm triệu chứng ho, phù, khó thở… và hạ huyết áp hiệu quả hơn.

– Thuốc hạ mỡ máu: dùng cho người bệnh suy tim có mỡ máu cao, giúp làm giảm nồng độ mỡ xấu trong máu.

– Thuốc chẹn beta, chẹn kênh canxi: để giảm triệu chứng tim đập nhanh, giảm khối lượng công việc cho tim.

Trong trường hợp các triệu chứng được cải thiện cũng không được tự ý ngưng thuốc suy tim hay giảm liều mà chưa có chỉ định từ bác sĩ. Nếu các triệu chứng chậm cải thiện, người bệnh nên sử dụng kết hợp cùng những thảo dược có tác dụng giãn mạch, hoạt huyết, tăng khả năng co bóp của tim và chống đông máu như Bồ hoàng, Sơn tra, Hoàng bá, Mạch môn… để giảm nhanh triệu chứng, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của suy tim toàn bộ.

Phẫu thuật

Trong trường hợp dùng thuốc không có hiệu quả, nếu nguyên nhân gây suy tim toàn bộ là do tắc hẹp mạch vành, người bệnh có thể cần phải can thiệp nong mạch, đặt stent mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Trong trường hợp suy tim là do bệnh van tim nặng, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để sửa hoặc thay van tim. Ghép tim là phương pháp cuối cùng được xem xét tiến hành khi tim bị suy yếu nghiêm trọng và tìm được nguồn tim hiến tặng phù hợp.

Phẫu thuật được tiến hành để điều trị nguyên nhân gây suy tim toàn bộ

Phẫu thuật được tiến hành để điều trị nguyên nhân gây suy tim toàn bộ

Suy tim toàn bộ có thể gây tử vong trong thời gian ngắn nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiểu rõ được mối nguy hiểm của hội chứng này, người bệnh cần tuân thủ y lệnh và tích cực điều chỉnh lối sống để nâng cao sức khỏe và kéo dài tuổi thọ.

Xem thêm:

Suy tim giai đoạn cuối sống được bao lâu? – Cách để kéo dài tuổi thọ

Chăm sóc bệnh nhân suy tim – Những kinh nghiệm hay để kéo dài sự sống

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.webmd.com/heart-disease/guide-heart-failure

Viết bình luận