Bệnh mạch vành

Mỡ máu cao và những mối nguy hại cho sức khỏe tim mạch

Ngày đăng: 11 Tháng Chín, 2020
5/5 - (2 bình chọn)

Mỡ máu cao được coi là yếu tố nguy cơ hàng đầu của nhiều biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Đáng chú ý là mỡ máu cao không chỉ gặp ở người già mà những người trẻ ở độ tuổi ngoài 30 với lối sống thiếu khoa học cũng có thể mắc phải căn bệnh này.   

Vậy làm thế nào để phòng ngừa và trị bệnh mỡ máu cao hiệu quả? Hãy cùng tìm hiểu ngay sau đây! 

Mỡ máu cao là bệnh gì?

Mỡ máu cao còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như máu nhiễm mỡ, rối loạn lipid máu, chỉ tình trạng nồng độ các thành phần mỡ xấu trong máu tăng cao, trong khi đó nồng độ mỡ tốt trong máu giảm thấp.    

Thành phần mỡ xấu trong máu chính là LDL – cholesterol (LDL – C), triglycerid (chất béo trung tính) vì chúng tham gia hình thành nên mảng xơ vữa động mạch. Ngược lại HDL – cholesterol (HDL – C) lại được coi là mỡ tốt vì nó vận chuyển cholesterol dư thừa ra ngoài cơ thể, giảm thiểu nguy cơ xơ vữa động mạch.   

Tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh mỡ máu cao

Xét nghiệm đo chỉ số mỡ máu là phương pháp tin cậy và phổ biến nhất để chẩn đoán mỡ máu cao. Một người được coi là mỡ máu cao nếu có ít nhất 1 chỉ số vượt ngưỡng sau:  

Các chỉ số

Chỉ số bình thường

Chỉ số chẩn đoán mỡ máu cao

Cholesterol máu toàn phần

Dưới 200 mg/dl

(< 5,2 mmol/l)

Trên 240 mg/dl

(> 6,2mmol/l)

LDL – Cholesterol

Dưới 130 mg/dl

(< 3,3 mmol/l)

Trên 160 mg/dl

(> 4,12mmol/l)

Triglycerid

Dưới 160 mg/dl

(< 2,2 mmol/l)

Trên 200 mg/dl

(> 2,3mmol/l)

HDL – Cholesterol

Trên 50 mg/dl

(> 1,3 mmol/l)

Dưới 40 mg/dl

(< 1 mmol/l)

Bảng chỉ số chẩn đoán mỡ máu cao

Nguyên nhân gây ra bệnh mỡ máu cao  

Mỡ máu cao có thể do nguyên nhân nguyên phát (di truyền) hoặc là hệ quả của chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học cùng nhiều bệnh lý khác gây ra:

– Do di truyền: Các nhà khoa học đã tìm ra đột biến gen làm tăng sản xuất mỡ xấu LDL – C, triglycerid hoặc không thể đào thải chúng ra khỏi máu. Một số đột biến gen lại làm giảm sản xuất HDL – C và tăng đào thải loại mỡ tốt này ra ngoài cơ thể. Các đột biến gen này có thể di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác gây ra bệnh mỡ máu cao.

– Bệnh lý khác: Một số bệnh làm giảm HDL – C là rối loạn chức năng thận, hội chứng suy giảm miễn dịch HIV… Bệnh xơ gan, tiểu đường, bệnh tuyến giáp… lại làm tăng nồng độ cholesterol toàn phần, triglycerid.   

– Tác dụng phụ của thuốc: Mỡ máu cao có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc tránh thai đường uống, estrogen, corticoid, thuốc lợi tiểu nhóm thiazid, thuốc điều trị HIV, thuốc chẹn beta giao cảm…

– Lối sống thiếu khoa học: Thói quen lười vận động và chế độ ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia… là yếu tố góp phần gây ra bệnh mỡ máu cao.

Mỡ máu cao gây ra triệu chứng gì?

Mỡ máu cao thường không gây ra triệu chứng, trừ những trường hợp mỡ máu tăng cao quá mức có thể gây ra hiện tượng lắng đọng mỡ dưới da và gân, tạo ra các nốt sần được gọi là xanthomas. Ngoài ra, mỡ cũng có thể lắng đọng tại rìa giác mạc, tạo thành những quầng có màu trắng đục. Nếu xuất hiện các triệu chứng ngứa da, khó thở, nóng rát, đau ngực… thì rất có thể bạn đã gặp phải biến chứng của mỡ máu cao.   

Mỡ máu cao nguy hiểm như thế nào?

Mỡ máu cao nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh như:

– Biến chứng mạch máu: Mỡ xấu lắng đọng tại thành mạch sẽ hình thành nên mảng xơ vữa làm tắc nghẽn dòng máu lưu thông. Nếu tình trạng tắc nghẽn xảy ra ở những động mạch quan trọng như mạch não, mạch vành tim… sẽ dẫn tới nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.

– Bệnh gan: Mỡ máu cao có thể tích tụ tại gan gây suy gan, xơ gan.

– Viêm tụy: xảy ra khi nồng độ triglycerid tăng cao trên 1000 mg/dL. Các biểu hiện của viêm tụy là đau bụng dữ dội, sốt cao, nôn, rối loạn nhịp tim… Viêm tụy còn có thể để lại hậu quả là bệnh tiểu đường do đề kháng với insulin (hormon chuyển hóa đường huyết do tuyến tụy bài tiết).

Cách phòng ngừa và điều trị mỡ máu cao

Điều chỉnh lối sống khoa học

Lối sống khoa học không chỉ giúp phòng ngừa mỡ máu cao cho người chưa từng mắc bệnh mà còn giúp kiểm soát mỡ máu hiệu quả hơn ở những người đã mắc bệnh. Do đó, bạn cần:

– Về vận động: Tăng cường vận động, dành thời gian luyện tập thể dục thể thao để đốt cháy năng lượng dư thừa, giảm cân hiệu quả nếu bạn bị thừa cân, béo phì (BMI > 30). Bạn chỉ cần dành ít nhất 150 phút/tuần cho các hoạt động thể lực cường độ nhẹ hoặc 75 phút/tuần cho các hoạt động thể lực cường độ cao; tránh lao động hoặc luyện tập gắng sức.

– Về ăn uống:

+ Không hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các đồ uống có cồn như bia, rượu…

+ Cắt giảm thực phẩm giàu năng lượng như tinh bột hấp thu nhanh, đường, mỡ động vật, các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesterol như thịt lợn, thịt bò, thịt dê… và đồ ăn nhanh được chế biến qua dầu mỡ tái sử dụng nhiều lần.

+ Tăng cường ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là chất xơ từ các loại rau có độ nhớt cao như đậu bắp, mồng tơi… để giảm sự hấp thu cholesterol tại ruột.

+ Bổ sung thực phẩm chứa chất béo không bão hòa omega như cá biển, hạt hướng dương, hạt lanh, đậu nành, mè… vì loại chất béo này giúp làm giảm LDL – C và triglycerid trong máu.

Sử dụng thuốc hạ mỡ máu

Thuốc hạ mỡ máu được chỉ định trong những trường hợp bị mỡ máu cao nhưng không thể hạ mỡ máu bằng chế độ ăn kiêng hay luyện tập hợp lý. Có rất nhiều nhóm thuốc được dùng để điều trị mỡ máu cao, mỗi nhóm lại hoạt động theo những cơ chế khác nhau:

– Nhóm statin: như simvastatin, rosuvastatin, atorvastatin… giúp làm giảm nồng độ triglycerid; LDL – cholesterol và làm tăng chỉ số HDL – cholesterol. Các thuốc statin được chứng minh là có khả năng làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành.

– Nhóm fibrat: như fenofibrate, gemfibrozil giúp làm giảm nồng độ triglycerid, tăng HDL – cholesterol.   

– Nhựa hấp thụ acid mật: như cholestyramine và colestipol giúp làm giảm hấp thu cholesterol tại ruột; chủ yếu dùng để hỗ trợ statin trong điều trị LDL – C máu cao.

– Niacin: thường được dùng kết hợp cùng nhóm statin trong trường hợp sử dụng statin đơn độc không hiệu quả.  

– Thuốc ức chế PCSK9: là thuốc hạ mỡ máu dạng tiêm dưới da, giúp làm giảm LDL – cholesterol.

Sử dụng thảo dược giúp hạ mỡ máu  

Rất nhiều vị thảo dược Đông y được nghiên cứu chứng minh là có tác dụng giảm mỡ máu an toàn, hiệu quả; chẳng hạn như Bồ hoàng, Hoàng bá… Nghiên cứu của Đại học Western Onitario cho thấy, thảo dược Bồ hoàng chứa hoạt chất naringenin không chỉ có tác dụng làm giảm chỉ số LDL – Cholesterol và triglycerid mà còn làm tăng nồng độ HDL – C trong máu. Một nghiên cứu khác về Hoàng bá cũng cho thấy hoạt chất berberin trong thảo dược này có khả năng làm giảm mỡ máu cả khi dùng đơn độc và dùng kết hợp cùng thuốc tây y.

Lọc máu

Phương pháp này được tiến hành ở những bệnh viện tuyến Trung ương với trang thiết bị hiện đại. Thiết bị lọc máu sẽ loại bỏ thành phần mỡ xấu trong máu và truyền trả lại máu cho chính người bệnh. Lọc máu thường chỉ được áp dụng cho những người bệnh mỡ máu cao nhưng dùng thuốc hay điều chỉnh lối sống không còn hiệu quả.

Mỡ máu cao là yếu tố góp phần gây ra nhiều vấn đề tim mạch khác nên cần được quản lý chặt chẽ. Bệnh khó được phát hiện qua những triệu chứng lâm sàng bên ngoài nên để phát hiện sớm, bạn cần xét nghiệm máu ít nhất mỗi năm một lần nhằm tầm soát bệnh và kịp thời điều trị trước khi biến chứng xảy ra.

Xem thêm:

Hoàng bá – thảo dược vàng cho người bệnh mỡ máu cao  

Thuốc hạ mỡ máu Simvastatin và những lưu ý trong điều trị

Ds. Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.msdmanuals.com/home/hormonal-and-metabolic-disorders/cholesterol-disorders/overview-of-cholesterol-and-lipid-disorders

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/symptoms-causes/syc-20350800

Viết bình luận