Bệnh mạch vành

Can thiệp mạch vành – Hãy nắm vững những điều này trước khi tiến hành

Ngày đăng: 30 Tháng Mười Một, 2020
5/5 - (1 bình chọn)

Tại Việt Nam, can thiệp mạch vành là một thủ thuật được áp dụng khá rộng rãi tại các khoa Tim mạch bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương. Sự ra đời của phương pháp này đã mở ra một hướng đi mới, điều trị thành công nhiều ca bệnh tắc hẹp mạch vành nghiêm trọng.

Trước khi tiến hành thủ thuật, bạn hãy tìm hiểu và nắm vững những thông tin quan trọng này để đảm bảo can thiệp thành công.  

Can thiệp mạch vành là gì?  

Can thiệp mạch vành là thủ thuật được áp dụng để mở rộng lòng mạch bị tắc hẹp nặng bằng một ống thông có bóng nong ở đầu, sau đó stent sẽ được đặt lại tại vị trí vừa nong mạch nhằm tái lưu thông máu đến nuôi dưỡng cơ tim để cải thiện các triệu chứng đau thắt ngực, mệt mỏi, giảm thiểu vùng tổn thương tim khi nhồi máu cơ tim xảy ra.

Can thiệp mạch vành bao gồm nong mạch và đặt stent mạch vành

Các bước tiến hành can thiệp mạch vành  

Trước khi quyết định tiến hành can thiệp mạch vành, bác sĩ sẽ giải thích cho bạn về các bước thực hiện, những biến chứng có thể gặp phải trong và sau can thiệp. Sau đó bạn hoặc người nhà sẽ phải kí vào cam kết thực hiện thủ thuật. Bạn sẽ được yêu cầu ngừng sử dụng các thuốc chống đông máu và kiểm tra lại chức năng gan thận, dị ứng thuốc cản quang, chỉ số đông máu… và nhịn ăn, uống ít nhất 6 – 8 tiếng vào đêm trước khi can thiệp mạch vành. Một ca nong mạch, đặt stent thường mất khoảng từ ​​30 phút đến 2 giờ. Thủ thuật được tiến hành như sau:

– Sát khuẩn tại vị trí luồn ống thông (thường ở bẹn hoặc cổ tay).

– Đặt ống thông và luồn đến vị trí động mạch vành bị tắc hẹp.

– Bơm căng bóng ở đầu ống thông để nén mảng xơ vữa lại.

– Bóng được làm xẹp và đưa ra ngoài.

– Khung stent được đặt tại vị trí vừa nong bóng để giữ cho mạch vành được mở rộng cố định.

– Chụp lại động mạch vành để đảm bảo dòng máu được lưu thông bình thường, đảm bảo không xảy ra biến chứng bóc tách thành mạch, cục máu đông…

Các biến chứng của can thiệp mạch vành

Mặc dù tỷ lệ rủi ro thấp nhưng can thiệp mạch vành cũng có thể gây ra một số biến chứng như:

Biến chứng thường gặp

– Cục máu đông: có thể xuất hiện ngay sau đặt stent gây ra nhồi máu cơ tim đe dọa tính mạng người bệnh. 1 – 2% trường hợp có cục máu đông xuất hiện sau can thiệp vài tháng.

– Tái tắc hẹp mạch vành: Sự phát triển quá mức của lớp nội mô động mạch ngay tại vị trí đặt stent là nguyên nhân khiến cho lòng mạch bị thu hẹp trở lại. Nếu sử dụng stent kim loại trần thì nguy cơ tái hẹp là 30%, còn stent phủ thuốc chống tái hẹp thì nguy cơ này giảm xuống dưới 10%.

– Xuất huyết: Vết thương tại vị trí đặt ống thông có thể bị chảy máu quá mức, cần phải xử trí bằng cách truyền máu bổ sung.

Biến chứng hiếm gặp

– Tổn thương mạch máu do ống thông khi luồn sai kĩ thuật có thể làm rách thành động mạch.

– Tổn thương thận do tác dụng phụ của thuốc nhuộm cản quang.

– Dị ứng thuốc gây tê.

– Rối loạn nhịp tim.

– Nhiễm trùng.  

Lời khuyên để phòng tránh rủi ro từ can thiệp mạch vành

Người bệnh thường phải ở lại bệnh viện để theo dõi ít nhất 24 giờ sau can thiệp mạch vành. Để nhanh hồi phục sức khỏe và phòng tránh biến chứng xảy ra sau can thiệp, người bệnh cần lưu ý:

Chăm sóc hồi phục ngay sau can thiệp mạch vành

– Tăng cường uống nhiều nước để đào thải nhanh chất cản quang ra khỏi cơ thể.

– Kê cao tay, giữ tay ổn định nếu đặt ống thông ở vị trí cổ tay và nằm bất động trong vòng 6 – 8 giờ nếu đặt ống thông tại bẹn để đảm bảo vết thương đã được cầm máu.

– Khi thấy vết thương có biểu hiện sưng, nóng, đỏ, đau, chảy máu liên tục… hoặc đau ngực tái phát, sốt cao, mệt mỏi nhiều thì cần báo ngay cho bác sĩ để được xử trí kịp thời.

– Tránh vận động mạnh, khuân vác vật nặng trong ít nhất 1 tuần đầu sau can thiệp.

Lưu ý để phòng ngừa tái tắc hẹp về lâu dài   

– Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, hạn chế uống nhiều bia rượu.

– Dùng thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý ngừng thuốc hay đổi thuốc.

– Ăn uống khoa học: ăn nhạt, cắt giảm lượng chất béo, đường, đồ ăn chiên xào chứa nhiều dầu mỡ. Tăng cường bổ sung rau xanh, cá béo, ngũ cốc nguyên cám…

– Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày với các bài tập vừa sức như yoga, thiền tịnh, đạp xe, đi bộ…

– Sử dụng sản phẩm hỗ trợ từ thảo dược: Để giảm thiểu nguy cơ tái tắc hẹp sau can thiệp mạch vành, người bệnh nên sử dụng thuốc kết hợp cùng những thảo dược có hoạt tính giãn mạch, ức chế sự tăng sinh của lớp cơ trơn nội mạc và ngăn ngừa cục máu đông phát triển như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Natto… Giải pháp bổ trợ này sẽ giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện sức khỏe và phòng ngừa biến chứng sau đặt stent mạch vành.

Sau can thiệp mạch vành, người bệnh cần luyện tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức

Nên can thiệp mạch vành ở đâu?

Can thiệp mạch vành qua da là một kỹ thuật khó, phải được tiến hành bởi các bác sỹ giàu kinh nghiệm, tại những bệnh viện được trang bị cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại. Dưới đây là một số bệnh viện uy tín mà bạn có thể tham khảo để tiến hành can thiệp mạch vành:

Tại Miền Bắc

– Bệnh viện Tim Hà Nội: Số 92 Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hotline: 024 3942 2430.

– Viện Tim mạch – BV Bạch Mai: Số 78, đường Giải Phòng, quận Đống Đa, Hà Nội. Hotline: 024 3869 3731.

– Bệnh viện Việt Đức: Số 14 Phủ Doãn, Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hotline: 024 3928 6457.

Tại Miền Nam

– Bệnh viện Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, Quận 5, TP Hồ Chí Minh. Hotline: 028 3855 4137.

– Bệnh viện Tim Tâm Đức: Số 4 Nguyễn Lương Bằng, Khu ĐT Phú Mỹ Hưng, Tân Phú, Quận 7, TP Hồ Chí Minh. Hotline: 028 5411 0025.

– Bệnh viện Nhân dân 115: Số 527 Sư Vạn Hạnh (nối dài), Phường 12, Quận 10, TP Hồ Chí Minh. Hotline: 028 3865 4249.

Để đảm bảo ca can thiệp mạch vành được thực hiện thành công và giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất, bạn hãy lựa chọn bệnh viện uy tín để tiến hành thủ thuật. Đồng thời tuân thủ y lệnh và những lời khuyên về chế độ ăn uống, sinh hoạt sau can thiệp để mau chóng hồi phục sức khỏe.

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.nhs.uk/conditions/coronary-angioplasty/dv

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/coronary-angioplasty/about/pac-20384761vd

Viết bình luận