Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Mổ đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?

Ngày đăng: 19 Tháng Mười Hai, 2016
5/5 - (6 bình chọn)

Mổ mắt đục thủy tinh thể có nguy hiểm không? Những rủi ro của phẫu thuật này là gì? Đây hẳn là những câu hỏi mà rất nhiều người mắc đục thủy tinh thể đang tìm lời giải khi cân nhắc có nên tiến hành phẫu thuật. Hãy cùng tìm hiểu nội dung này trong bài viết dưới đây!

Có những rủi ro gì liên quan đến mổ mắt đục thủy tinh thể?

Trong tất cả các phẫu thuật liên quan đến mắt, mổ mắt đục thủy tinh thể là phổ biến nhất, “được lòng” người bệnh vì có hiệu quả cao trong việc cải thiện tầm nhìn. Tuy nhiên, một số trường hợp phẫu thuật không đạt kết quả như mong đợi do biến chứng xảy ra, ngay cả khi đã được tiến hành bởi một bác sỹ giàu kinh nghiệm. Dưới đây là những biến chứng thường gặp khi mổ mắt đục thủy tinh thể:

Viêm nội nhãn (Endophthalmitis)

Trước khi mổ mắt đục thủy tinh thể, người bệnh sẽ được chuẩn bị khá kỹ lưỡng để giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng mắt, còn được gọi là viêm nội nhãn. Người bệnh thường được nhỏ thuốc kháng sinh, các vùng da quanh mắt được khử trùng với chất sát khuẩn. Mặt được che bởi một lớp màn vô trùng. Tất cả những dụng cụ đều được xử lí vô trùng tương tự như với tất cả những ca phẫu thuật hiện đại. Sau khi phẫu thuật, bác sỹ sẽ nhỏ thuốc kháng sinh tại chỗ. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có những biện pháp phòng ngừa, nhiễm trùng nội nhãn vẫn có thể xảy ra với xác suất 1/3000 ca phẫu thuật đục thủy tinh thể 

Dấu hiệu viêm nội nhãn sau mổ mắt đục thủy tinh thể: Mắt đỏ, đau, giảm tầm nhìn

Dấu hiệu viêm nội nhãn sau mổ mắt đục thủy tinh thể: Mắt đỏ, đau, giảm tầm nhìn

Trong một số trường hợp, viêm nội nhãn có thể xuất hiện vài ngày sau phẫu thuật với những cơn đau trầm trọng hơn, tầm nhìn và độ nhạy sáng giảm. Khi đó, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc kháng sinh tiêm trực tiếp vào mắt để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng lan rộng.

Phù hoàng điểm (Cystoid Macular Edema)

Võng mạc là tập hợp của các mô thần kinh và mạch máu giúp chuyển hình ảnh thành tín hiệu qua dây thần kinh thị giác để lên não phân tích. Trung tâm của võng mạc được gọi là điểm vàng (hoàng điểm), chịu trách nhiệm đối với thị lực trung tâm. Tình trạng viêm sau mổ mắt đục thủy tinh thể có thể khiến những mạch máu trong võng mạc bị rò rỉ, làm tích tụ chất lỏng trong điểm vàng, gây giảm thị lực trung tâm, được gọi là phù hoàng điểm.

Khi tầm nhìn bị ảnh hưởng bởi phù hoàng điểm, bạn có thể phải tiến hành kiểm tra chuyên sâu, được gọi là chụp mạch huỳnh quang để xác định mức độ sưng của điểm vàng. Bác sỹ nhãn khoa sẽ tiến hành điều trị phù hoàng điểm bằng thuốc nhỏ mắt chứa steroid, chống viêm trong vài tuần hoặc vài tháng nhằm làm giảm tình trạng sưng, viêm. Đôi khi, tiêm steroid vào phần sau mắt hoặc thậm chí phẫu thuật Vitrectomy (loại bỏ thủy dịch trong mắt) cũng được coi là rất hữu ích trong việc cải thiện tầm nhìn.

Bong võng mạc

Võng mạc bám chặt vào mặt trong phía sau nhãn cầu, còn được gọi là đáy mắt. Hiện tượng bong võng mạc xảy ra khi màng võng mạc bị tách khỏi nhãn cầu, đi vào dịch kính. Khi bị bong võng mạc, người bệnh sẽ cảm thấy có một bức màn che phủ một phần hoặc toàn bộ tầm nhìn của mắt.

Tỷ lệ bong võng mạc ở người bệnh mổ mắt đục thủy tinh thể là khoảng 1,5%. Hãy liên lạc với bác sỹ ngay nếu cảm thấy một màn chắn trước tầm nhìn, nhấp nháy như vệt sáng hoặc giống như những “con ruồi” đang bay trước mắt, bởi vì đó có thể báo hiệu tình trạng bong võng mạc.

Lệch thủy tinh thể nhân tạo (Posteriorly Dislocated Lens Material)

Trong một số trường hợp, thủy tinh thể nhân tạo có thể rơi vào khoang sau (khoang thủy tinh thể) của mắt. Thường thì những mảnh nhỏ của thủy tinh thể nhân tạo trật ra bên ngoài có thể được cải thiện tốt bằng mắt mà không có vấn đề gì xảy ra. Tuy nhiên, khi phần lớn thủy tinh thể nhân tạo bị trật ra ngoài, người bệnh có thể cần phẫu thuật lần thứ 2 để đặt lại thủy tinh thể nhân tạo.

Xuất huyết màng mạch

Xuất huyết màng mạch xảy ra không thường xuyên và không thể dự đoán trước trong khi mổ đục thủy tinh thể. Xuất huyết cấp tính có thể xảy ra trong màng mạch – lớp mỏng các mạch máu bên dưới võng mạc và cung cấp dinh dưỡng cho võng mạc. Trong một số trường hợp, chảy máu màng mạch là khu trú và người bệnh vẫn có thể hoạt động tốt. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, thị lực có thể bị giảm đáng kể.

Phòng ngừa biến chứng sau mổ mắt đục thủy tinh thể

Là một phẫu thuật về mắt khá an toàn, phương pháp này đang ngày càng được áp dụng phổ biến trong thời đại hiện nay. Nhưng cũng như những phẫu thuật khác, những biến chứng của phẫu thuật vẫn có thể xảy ra mà không thể lường trước được. Vì vây, việc tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ về theo dõi, điều trị sau mổ mắt đục thủy tinh thể rất quan trọng trong việc hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro có thể gặp phải sau phẫu thuật.

Nếu thị lực khi bị đục thủy tinh thể còn trên 3/10, người bệnh cần cân nhắc thật cẩn thận về thời điểm phẫu thuật. Bởi việc trì hoãn thời gian phẫu thuật không đồng nghĩa là làm bệnh tình xấu đi, mà ngược lại, điều đó sẽ giúp giữ lại thủy tinh thể tự nhiên lâu hơn và hạn chế nguy cơ gặp phải biến chứng khi phẫu thuật.

Để làm chậm tiến triển của bệnh đục thủy tinh thể, vẫn có rất nhiều giải pháp được các chuyên gia Nhãn khoa khuyến cáo, chẳng hạn bổ sung chất chống oxy hóa thông qua chế độ ăn; bảo vệ mắt khỏi tác nhân có hại là ánh sáng mặt trời, khói bụi…; và dùng thêm các viên uống bổ mắt hàng ngày để tăng cường dưỡng chất cho đôi mắt.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo: http://www.djo.harvard.edu/site.php?url=/patients/pi/408

Viết bình luận