Nếu bạn thường xuyên bị chuột rút bắp chân, bàn chân đau nhức, khó khăn khi đi lại,… thì rất có thể đó là biểu hiện của xơ vữa động mạch chi dưới. Hãy cùng tìm hiểu ngay nguyên nhân và cách trị căn bệnh này để bảo vệ đôi chân của bạn.
Mục lục
Xơ vữa động mạch chi dưới là tình trạng các mạch máu ở chân bị tắc nghẽn do sự xuất hiện của mảng xơ vữa, gây cản trở lưu thông tuần hoàn máu. Cơ bắp ở chân không nhận được đủ máu nuôi dưỡng sẽ đau nhức, giảm khả năng vận động. Cơn đau thường cải thiện khi nghỉ ngơi. Nếu mảng xơ vữa phát triển quá lớn, cục máu đông có thể phát triển làm tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, gây tổn thương chi dưới. Hậu quả nghiêm trọng nhất là người bệnh sẽ phải cắt cụt chi.
Hình ảnh mảng xơ vữa động mạch chi dưới
Xơ vữa động mạch chi dưới bắt nguồn từ những tổn thương tại lớp lót trong thành mạch máu ở chân. Tại vị trí đó, các thành phần của máu như cholesterol, canxi, chất thải trong máu, bạch cầu tập trung lại tạo thành 1 ổ viêm và hình thành nên mảng xơ vữa bám sâu vào thành mạch. Chúng phát triển lớn dần theo thời gian và gây cản trở lưu lượng máu đến nuôi dưỡng chi dưới.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ tác động khiến cho mảng xơ vữa hình thành và phát triển nhanh chóng, chẳng hạn như:
– Hút thuốc lá.
– Huyết áp cao
– Bệnh tiểu đường
– Cholesterol máu cao
– Thừa cân, béo phì.
– Tuổi cao (trên 50 tuổi).
– Lười vận động.
– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch, mỡ máu cao.
– Người có bệnh thận, đột quỵ, tai biến mạch máu não…
– Ăn uống thiếu khoa học: nhiều chất béo, tinh bột, ít chất xơ, uống nhiều bia rượu…
Những dấu hiệu đầu tiên của xơ vữa động mạch chi dưới thường xuất hiện từ từ và không thường xuyên. Bạn có thể chỉ cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, chuột rút ở chân. Nếu xơ vữa nặng, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức chân, vị trí đau tùy thuộc vào vị trí mạch bị tắc hẹp. Phổ biến nhất là đau ở bắp chân; ít gặp hơn là đau ở hông, đùi. Cơn đau tăng lên khi đi lại khiến cho người bệnh chỉ có thể đi được 1 quãng đường ngắn, mức độ đau thuyên giảm dần khi nghỉ ngơi nhưng nếu đi tiếp thì cơn đau lại xuất hiện. Triệu chứng điển hình này của xơ vữa động mạch chi dưới còn được gọi là “khập khiễng cách hồi”.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp phải các triệu chứng khác như:
– Da mỏng, nhợt nhạt hoặc xanh tái.
– Rụng lông chân.
– Mạch đập yếu.
– Xuất hiện vết thương, vết loét lâu lành.
– Cơ bắp ở chân tê cứng, đi lại nặng nề.
– Móng chân dày, đục.
– Chuột rút thường xuyên.
– Ngón chân màu xanh lam, có cảm giác châm chích, bỏng rát.
Nếu đột nhiên bạn cảm thấy phần chi dưới có những biểu hiện bất thường kể trên và đã được loại trừ nguyên nhân chấn thương thì hãy đi khám sớm để được điều trị kịp thời.
Bệnh xơ vữa động mạch chi dưới nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm có thể đe dọa tính mạng. Các biến chứng mà người bệnh có thể gặp phải là:
– Hoại tử chi: Các mô thiếu máu nuôi dưỡng lâu ngày sẽ bị hoại tử không hồi phục, người bệnh chỉ còn cách phải cắt cụt chi, dẫn tới tàn phế vĩnh viễn.
– Nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Những người bị xơ vữa động mạch chi dưới sẽ có xu hướng phát triển xơ vữa ở những vị trí khác như mạch vành tim, mạch não gây ra nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não.
– Nhiễm trùng nặng: Các vết thương ở chi lâu lành là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn xâm nhập vào máu; gây ra nhiễm trùng xương, nhiễm trùng máu đe dọa tính mạng.
– Rối loạn cương dương ở nam giới.
Chẩn đoán sớm xơ vữa động mạch chi dưới là bước đầu tiên để điều trị thành công và ngăn ngừa các biến chứng đe dọa tính mạng. Bác sĩ sẽ hỏi tiền sử bệnh và tiến hành kiểm tra mạch ở chân, bàn chân. Ngoài ra, bạn cần thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán chính xác vị trí, mức độ xơ vữa động mạch:
– Siêu âm Doppler: giúp kiểm tra lưu lượng máu trong các động mạch ở chân.
– Chỉ số mắt cá chân – cánh tay: Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm và đo huyết áp quanh mắt cá chân và cánh tay để so sánh chỉ số huyết áp tại 2 vị trí này. Nếu huyết áp ở chân thấp hơn 1 – 1.3mmHg thì khả năng cao là bạn đã bị xơ vữa động mạch chi dưới.
– Chụp mạch: Bằng phương pháp này, bác sĩ có thể chẩn đoán vị trí, mức độ xơ vữa động mạch.
– Chụp mạch cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính (CTA): cho hình ảnh mạch máu ở chân để chẩn đoán vị trí, mức độ tắc nghẽn với độ chính xác cao hơn chụp mạch.
Mục tiêu chính của điều trị xơ vữa động mạch chi dưới là ngăn chặn bệnh tiến triển và kiểm soát triệu chứng để duy trì khả năng vận động bình thường, đồng thời giảm thiểu biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.
Thay đổi thói quen sống là bước đầu tiên trong kế hoạch điều trị xơ vữa động mạch chi dưới. Bác sĩ sẽ đề xuất cho bạn một số lưu ý để điều chỉnh lối sống như sau:
– Bỏ hút thuốc lá (nếu có hút).
– Đặt mục tiêu tập thể dục ít nhất 30 phút/ngày, duy trì 5 lần/ tuần; nên bắt đầu với những bài tập nhẹ nhàng và tăng dần cường độ mỗi ngày.
– Ăn uống lành mạnh: ăn ít chất béo bão hòa, muối, đường, tinh bột và tăng cường bổ sung chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám…
– Giữ cân nặng của bạn ở mức hợp lý, giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì.
– Khi nằm nên kê cao gối, để chân ở vị trí thấp hơn so với tim hoặc buông thõng chân xuống giường sẽ cảm thấy bớt đau hơn.
– Chăm sóc đôi chân: rửa chân hằng ngày, cắt ngắn móng chân và thoa kem dưỡng ẩm vào mùa hanh khô. Kiểm tra bàn chân thường xuyên, nếu có vết thương cần điều trị ngay để tránh nhiễm trùng lan rộng.
Người bệnh xơ vữa động mạch chi dưới cần chăm sóc đôi bàn chân để phòng ngừa nhiễm khuẩn
Một số vị thảo dược Đông y có vai trò hỗ trợ rất tốt trong điều trị xơ vữa động mạch như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Đan sâm, Hoàng bá… Những thảo dược này không chỉ ngăn chặn xơ vữa động mạch tiến triển mà còn giúp giãn mạch, tăng cường lưu thông tuần hoàn máu và ngăn ngừa cục máu đông phát triển. Do đó, người bị xơ vữa động mạch chi dưới có thể sử dụng thảo dược để cải thiện nhanh các triệu chứng đau nhức, khó chịu và phòng ngừa biến chứng cục máu đông hiệu quả.
Nếu chỉ thay đổi lối sống là không đủ, bạn sẽ cần phải dùng đến thuốc điều trị. Các nhóm thuốc thường dùng là:
– Cilostazol, pentoxifylline là thuốc giúp làm tăng lưu lượng máu đến chân và giảm các triệu chứng do tắc nghẽn mạch gây ra.
– Clopidogrel hoặc aspirin giúp làm giảm nguy cơ xuất hiện cục máu đông.
– Thuốc statin như atorvastatin, simvastatin để giảm mỡ máu cao.
– Thuốc ức chế men chuyển (ACE) giúp hạ huyết áp, giảm áp lực trong động mạch.
– Nếu bạn bị tiểu đường, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc hạ đường huyết để kiểm soát lượng đường trong máu.
Trong trường hợp động mạch chân bị tắc nghẽn nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải phẫu thuật nong mạch, đặt stent hoặc bắc cầu động mạch.
– Nong mạch: là thủ thuật trong đó bác sĩ sẽ luồn một ống thông dài mảnh bằng kim loại vào động mạch đến vị trí bị tắc nghẽn, quả bóng trên đầu ống thông sẽ được bơm phồng lên để ép mảng xơ vữa và stent (khung kim loại) được để lại, giúp động mạch luôn được mở thông.
– Bắc cầu động mạch: Nếu mạch máu bị tắc nghẽn ở nhiều đoạn, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật tạo cầu nối cho phép máu đi qua khu vực tắc hẹp thông qua ghép tĩnh mạch.
Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, nhiều người bệnh xơ vữa động mạch chi dưới sẽ đáp ứng với các phương pháp điều trị không dùng thuốc. Sự cải thiện bệnh được đo lường bằng khoảng cách bạn có thể đi được bao xa mà không bị đau. Khi điều trị hiệu quả, bạn có thể tăng dần khoảng cách đi bộ mà không còn cảm thấy đau đớn như trước nữa.
Xem thêm:
Xơ vữa động mạch là gì? – Từ nguồn gốc đến những hệ quả nghiêm trọng
8 thực phẩm tốt nhất dành cho người xơ vữa động mạch
Dược sĩ Mạnh Hùng
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/peripheral-vascular-diseasevd
https://www.nhlbi.nih.gov/health-topics/peripheral-artery-disease
Tin liên quan
Viết bình luận