Bệnh mạch vành

Nhồi máu cơ tim: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Ngày đăng: 13 Tháng Mười Hai, 2016
5/5 - (14 bình chọn)

Trái tim là cơ quan làm việc chăm chỉ nhất của con người. Trong suốt cuộc đời, nó hoạt động không ngừng nghỉ để bơm máu và oxy vào hệ tuần hoàn nuôi dưỡng tất cả các cơ quan khác của cơ thể. Để thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả, trái tim cũng cần được cung cấp bởi một lượng máu và oxy dồi dào thông qua các động mạch vành – động mạch duy nhất nuôi tim. Nhồi máu cơ tim xảy ra là khi dòng máu đến các cơ tim đột ngột bị bít tắc bởi các mảng xơ vữa và cục máu đông gây tổn thương nghiêm trọng cho các tế bào cơ tim và trong rất nhiều trường hợp có thể khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.

Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim

Nhồi máu cơ tim chủ yếu xảy ra là do hệ quả của tình trạng xơ vữa (xơ cứng) động mạch trong bệnh mạch vành. Trong bệnh lý này, mạch máu của tim sẽ xuất hiện nhiều các mảng bám gây cản trở dòng máu cung cấp cho các tế bào cơ tim. Cùng với thời gian, mảng xơ vữa lớn dần lên, dưới tác động của các phản ứng viêm mạn tính trong lòng mạch, chúng có thể bị nứt vỡ, gây xuất huyết và hình thành cục máu đông (huyết khối). Nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra nếu cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn mạch máu nuôi tim.

Quá trình dẫn tới nhồi máu cơ tim sẽ được đẩy nhanh bởi các yếu tố:

– Nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi

– Hút thuốc lá và tiếp xúc nhiều với khói thuốc

– Người mắc bệnh rối loạn lipid máu, tiểu đường, cao huyết áp, béo phì

– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm

– Ít vận động thể lực

– Căng thẳng (stress)

Hình ảnh trái tim bị tổn thương do nhồi máu cơ tim

Triệu chứng của nhồi máu cơ tim

Triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim có thể khác nhau ở mỗi người, nó có thể đến đột ngột, dữ dội hoặc tiến triển từ từ với những cơn đau ngực nhẹ. Tuy nhiên các triệu chứng điển hình và thường gặp nhất là:

– Đau ngực: Đây là dấu hiệu thường gặp nhất khi cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện. Người bệnh có thể thấy ngực có cảm giác đau dữ dội, đè nặng, bóp chặt ở giữa ngực.

– Khó chịu, đau ở các phần khác của cơ thể: Những người có cơn nhồi máu cơ tim có thể cảm thấy đau, khó chịu ở cánh tay, cổ, lưng, hàm hay vùng thượng vị của dạ dày, có thể kèm theo đau ngực hoặc không.

– Buồn nôn, nôn, toát mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh, mệt mỏi, tái nhợt, đầu óc quay cuồng hoặc có thể ngất xỉu…

– Cảm thấy đau ngực khi thở, ho, ợ nóng, buồn đi cầu mà không đi được

Người bệnh nhồi máu cơ tim hiếm khi gặp phải đầy đủ tất cả các triệu chứng ở trên, đồng thời các triệu chứng sẽ kéo dài và có xu hướng nặng dần lên theo thời gian.

Hậu quả nguy hiểm khi nhồi máu cơ tim xảy ra

Nhồi máu cơ tim có thể khiến người bệnh tử vong rất nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời, những người may mắn sống sót cũng rất dễ gặp phải các di chứng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống như suy tim, rối loạn nhịp tim…

Nhồi máu cơ tim có thể dẫn tới tử vong đột ngột

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim bằng cách nào?

Người bệnh thường được chẩn đoán nhồi máu cơ tim khi đến cấp cứu tại bệnh viện. Lúc này, ngoài các triệu chứng do người bệnh hay gia đình mô tả thì các bác sĩ có thể kết hợp thêm một số xét nghiệm để chẩn đoán chính xác như điện tâm đồ (ECG), xét nghiệm máu, siêu âm tim, chụp cắt lớp…

Nhồi máu cơ tim thường được chẩn đoán trong những tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, nếu bạn lo ngại về sức khỏe của bản thân, hãy gặp bác sĩ để kiểm tra về các yếu tố nguy cơ, đồng thời có thể giúp phát hiện bệnh mạch vành ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị kịp thời.

Phương pháp điều trị và thuốc trong nhồi máu cơ tim.

Nhồi máu cơ tim là một trường hợp khẩn cấp cần được điều trị tại bệnh viện, mỗi phút trôi qua thì khả năng cơ tim hủy hoại nhiều hơn, mức độ nguy hiểm tính mạng của người bệnh cũng lớn hơn. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu là phục hồi nhanh chóng lượng máu, oxy thiếu hụt tại các cơ tim để ngăn chặn sự tổn thương. Các bước điều trị cụ thể như sau:

– Cải thiện tình trạng thiếu oxy cơ tim được ưu tiên đầu tiên, thường được thực hiện bằng cách dẫn oxy qua một đường ống đi thẳng vào mũi.

– Giảm cảm giác đau và khó chịu bằng cách sử dụng nitroglycerin hoặc morphine

– Kiểm soát tình trạng loạn nhịp tim.

– Ngăn chặn huyết khối tăng thêm và khơi thông vị trí tắc hẹp càng sớm càng tốt bằng cách sử dụng thuốc tan cục máu đông như aspirin, clopidogrel (Plavix)… và thuốc giãn mạch. Nếu không đáp ứng sẽ cần đến các phương pháp can thiệp ngoại khoa nong mạch đặt stent hay phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

– Sử dụng các thuốc chẹn beta giao cảm, chẹn kênh canxi, ức chế men chuyển angiotensin để giúp cơ tim và động mạch vành làm việc tốt hơn.

Sau cơn nhồi máu cơ tim thì bệnh nhân cần thực hiện các bài tập phục hồi chức năng. Thường thì bệnh nhân sẽ bắt đầu thực hiện bài tập đi bộ vào ngày thứ hai hoặc thứ 3 sau cơn đau tim và các bài tập khác vào những ngày tiếp theo.

Các biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim

Việc phòng ngừa là rất quan trọng, đặc biệt với người đang mắc bệnh mạch vành và không bao giờ là quá muộn ngay cả khi bạn đã xuất hiện một cơn đau tim. Dưới đây là những lời khuyên từ chuyên gia để giúp người bệnh có thể làm được điều đó:

– Sử dụng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ đề điều trị các bệnh lý mắc kèm (nếu có) như bệnh mạch vành, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, tiểu đường…

– Thực hiện một chế độ ăn khoa học: Hạn chế thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thực phẩm chứa nhiều chất phụ gia, bảo quản hay đồ ăn nhanh, ăn nhiều trái cây, hoa quả ngũ cốc, các loại thịt có màu trắng và cá.

– Tập thể dục và thực hiện các hoạt động thể chất khác ít nhất 30-60 phút trên ngày.

– Dành thời gian để thư giãn và hạn chế căng thẳng.

Một lối sống lành mạch giúp phòng ngừa nguy cơ các bệnh tim mạch

– Duy trì cân nặng hợp nhờ chế độ ăn uống và các hoạt động thể chất.

– Bỏ thuốc lá đồng thời tránh tiếp xúc với khói thuốc.

– Sử dụng thảo dược giúp phòng ngừa nhồi máu cơ tim. Qua một số nghiên cứu khoa học gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng, Bồ hoàng là một loại thảo dược có tác dụng chống viêm tại mạch vành rất tốt, không chỉ vậy, nó còn có tác dụng ngăn ngừa rối loạn chức năng nội mô của mạch máu. Những tác dụng này rất hữu ích trong việc bảo vệ, chống tắc hẹp mạch vành, phòng nguy cơ hình thành cục máu đông, từ đó giúp ngăn chặn cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện.

Nhồi máu cơ tim, cũng như các bệnh tim mạch khác thực sự rất nguy hiểm nhưng nếu bạn hiểu về bệnh, các triệu chứng, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác thì bạn có thể giảm đáng kể khả năng cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện đối với bản thân.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

http://www.nytimes.com/health/guides/disease/heart-attack/background.html

http://www.drugs.com/mcd/heart-attack

 

Viết bình luận