Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Viêm kết mạc dị ứng – Tác nhân hàng đầu khiến mắt sưng đỏ

Ngày đăng: 18 Tháng Mười Một, 2020
5/5 - (1 bình chọn)

Theo thống kê, tỷ lệ người mắc viêm kết mạc dị ứng, đặc biệt là trẻ em đang tăng rất nhanh trong vài năm qua. Căn bệnh này thường gây sưng đỏ mắt rất khó chịu và dễ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho thị lực. Bởi vậy, việc hiểu rõ tất cả thông tin về viêm kết mạc dị ứng, từ đó có hướng phòng ngừa, điều trị sớm là rất cần thiết để gìn giữ đôi mắt luôn sáng khỏe.

Viêm kết mạc dị ứng là gì?

Kết mạc là lớp màng mỏng, phủ ngoài tròng trắng (củng mạc) và mặt trong của mi mắt. Viêm kết mạc dị ứng là tình trạng viêm tại kết mạc, xảy ra khi mắt của người bệnh tiếp xúc với các chất gây dị ứng (dị nguyên) như bụi, phấn hoa, lông thú vật…

Triệu chứng đặc trưng của viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng thường xảy ra ở cả 2 bên mắt với những triệu chứng khó chịu sau:

– Mắt đỏ hoặc hồng

– Đau nhức mắt dữ dội

– Ngứa mắt

– Cộm rát mắt như có cát trong mắt

– Mí mắt sưng phù, đỏ

– Chảy nước mắt

– Chói sáng, tăng nhạy cảm với ánh sáng

– Nhiều gỉ mắt, nặng trĩu mắt

 

Các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng rất rầm rộ và khó chịu

Nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng

Hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể phản ứng quá mức khi gặp các dị nguyên, khiến tế bào Mast giải phóng histamin, heparin, leukotriene, cytokine… – các hoạt chất làm giãn mạch máu, kích thích các dây thần kinh nhận cảm, gây đỏ sưng, đau, ngứa mắt, tăng tiết nước mắt… Đây chính là nguyên nhân gây viêm kết mạc dị ứng. Các dị nguyên thường gặp nhất là phấn hoa, lông thú vật, nấm mốc, phấn trang điểm, mạt bụi, phẩm màu, hóa chất, hương liệu…

Các loại viêm kết mạc dị ứng

Hiện viêm kết mạc dị ứng được phân thành 4 loại với một số điểm khác biệt như sau:

– Viêm kết mạc dị ứng theo mùa: Phổ biến vào mùa xuân và mùa hè do dị ứng với phấn hoa. Ngoài các triệu chứng chung của viêm kết mạc, người bệnh còn có thể bị hắt hơi, ngứa và chảy nước mũi.

– Viêm kết mạc do tiếp xúc (viêm kết mạc cơ địa): Tác nhân gây dị ứng thường là mỹ phẩm, hóa chất. Dạng bệnh này chỉ xảy ra ở một số người có cơ địa nhạy cảm với một số chất cụ thể. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc với dị nguyên từ 2 đến 4 ngày.

– Viêm kết mạc có nhú khổng lồ: Dạng bệnh này làm xuất hiện nhú to ở vùng mi mắt, thường gặp ở người hay đeo kính áp tròng. Việc vệ sinh kém hoặc các hóa chất rửa kính, bảo quản kính chính là tác nhân gây phản ứng dị ứng tại kết mạc.

– Viêm kết mạc lâu năm: Dạng bệnh này thường kéo dài cả năm, chủ yếu do dị ứng với mạt bụi – loài côn trùng cực nhỏ, ăn các tế bào da chết từ con người, sống chủ yếu trong giường, ghế sopha, đệm, thảm… Ngoài gây sưng đỏ, cộm rát, ngứa mắt, dị ứng mạt bụi còn có thể khiến người bệnh bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, co thắt đường thở…

Biến chứng nghiêm trọng của viêm kết mạc dị ứng

Viêm kết mạc dị ứng gây ra các biểu hiện khó chịu rầm rộ và ảnh hưởng lớn đến công việc và cuộc sống hàng ngày. Nếu để lâu, căn bệnh này có thể gây ra biến chứng khô mắt, viêm loét giác mạc tạo sẹo, làm giảm thị lực vĩnh viễn.

Cách chữa trị viêm kết mạc dị ứng

Dùng thuốc tây là phương pháp điều trị đặc hiệu cho viêm kết mạc dị ứng. Tùy từng tác nhân gây bệnh và triệu chứng cụ thể, người bệnh sẽ được chỉ định một số loại thuốc sau:

– Thuốc kháng histamine: Giúp ngăn chặn tác động của histamine, làm giảm nhanh các triệu chứng đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt. Một số loại thường dùng là cetirizine, loratadine và fexofenadine dưới dạng nhỏ mắt hoặc uống 2 – 3 lần/ngày. Thuốc kháng histamine có tác dụng phụ là gây buồn ngủ nên người bệnh cần hạn chế lái xe hay vận hành máy móc khi sử dụng.

– Thuốc ổn định tế bào Mast: Có tác dụng giảm khó chịu tương tự như thuốc kháng histamine, tuy nhiên thuốc ổn định tế bào Mast thường tác dụng chậm và kéo dài hơn. Hai loại được dùng phổ biến nhất là nedocromil và lodoxamide dạng nhỏ mắt.

– Thuốc chống viêm Corticoid: Tiêu biểu là prednisolon. Loại thuốc này có tác dụng ức chế phản ứng miễn dịch của cơ thể, chỉ được dùng khi các triệu chứng viêm kết mạc dị ứng đặc biệt nghiêm trọng vì có thể có tác dụng phụ gây tăng nguy cơ mắc tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng… – những bệnh về mắt gây giảm thị lực và mù lòa hàng đầu hiện nay.

– Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS): Thường gặp là ketorolac, diclofenac có thể dùng kết hợp với thuốc kháng histamine để tăng hiệu quả giảm đau, giảm sưng đỏ cho người bệnh trong trường hợp nặng.

 

Viêm kết mạc dị ứng có thể chữa được bằng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc uống

Cách phòng tránh viêm kết mạc dị ứng

Cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm kết mạc dị ứng là hiểu rõ về tác nhân gây bệnh và tránh xa chúng, cụ thể:

Viêm kết mạc dị ứng do lông thú vật gây ra, bạn nên:

– Hạn chế nuôi hay tiếp xúc với thú vật

– Không để thú nuôi vào phòng ngủ

– Chải lông thú nuôi thường xuyên và tắm cho chúng 2 tuần 1 lần

– Vệ sinh chuồng, ổ của thú nuôi thường xuyên

– Khi bắt buộc phải đến nơi có thú vật, uống thuốc kháng histamine dự phòng trước khoảng 1 giờ

Viêm kết mạc dị ứng do phấn hoa, bạn nên:

– Ở trong nhà và đóng kín cửa ra vào, cửa sổ khi lượng phấn hoa quanh nhà cao

– Tránh đến những khu vực có nhiều cỏ cây, hoa lá

– Đeo kính bảo hộ để hạn chế sự tiếp xúc của mắt và phấn hoa có trong môi trường

– Vệ sinh mắt, tắm rửa và thay quần áo ngay sau khi ra ngoài về

– Hạn chế ra ngoài vào giữa buổi sáng và đầu giờ tối vì đây là 2 thời điểm mà lượng phấn hoa cao nhất trong không khí

Viêm kết mạc dị ứng do mạt bụi, bạn nên:

– Sử dụng máy hút bụi có bộ lọc tốt và hút bụi thường xuyên

– Chọn chăn ga, gối đệm, sopha loại dễ vệ sinh và giặt thường xuyên

Đã có nhiều trường hợp vì không điều trị viêm kết mạc dị ứng kịp thời mà mắt đã bị tổn thương nặng, không thể phục hồi. Bởi vậy, ngay khi nhận thấy dù chỉ một dấu hiệu bệnh, bạn cần đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Nếu cần hỗ trợ thêm, bạn hãy gọi điện đến tổng đài: 0972 032 029 hoặc (024) 3775 9051 để được tư vấn chi tiết.

Xem thêm

5 loại thức ăn bổ mắt tốt nhất cần bổ sung ngay

12 bài tập giúp mắt luôn sáng khỏe

Dược sĩ Diệp Chi

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Viết bình luận