Bản tin Y khoa

Nháy mắt – điềm báo may mắn hay là dấu hiệu của bệnh về mắt?

Ngày đăng: 17 Tháng Tư, 2020
5/5 - (4 bình chọn)

Nhiều nền văn hóa cho rằng, nháy mắt là điềm báo cho may rủi sắp tới nhưng thực sự có phải như vậy hay đây chính là dấu hiệu bạn đang gặp bệnh lý nào đó?

Nháy mắt và quan niệm của người phương Đông

Văn hóa cổ đại tin rằng sự tương hỗ giữa âm và dương đã tạo nên vũ trụ và vạn vật. Chính vì vậy, người phương Đông cũng áp dụng cả thuyết âm dương để lí giải khi thấy mắt bị nháy. Theo quan niệm của người Trung Quốc, nháy mắt là điềm báo cho thấy người đàn ông sẽ gặp chuyện không may nhưng nếu điều này xuất hiện ở phụ nữ, thì lại là dấu hiệu cho một cơ hội mới sắp tới với họ. Tuy nhiên điều này còn có những ý nghĩa khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

Nháy mắt có thể là điềm báo may rủi

Đối với văn hóa Ấn Độ, giải thích việc nháy mắt phải cũng tương tự như của người Trung Quốc. Niềm tin của Ấn Độ cũng phân biệt giữa nam và nữ. Tuy nhiên, không giống như văn hóa của Trung Quốc, người Ấn Độ tin rằng nháy mắt sẽ mang lại may mắn cho một người đàn ông và ngược lại sẽ không đem lại may mắn cho một người phụ nữ.

Nháy mắt dưới góc nhìn khoa học

Nháy mắt là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Nháy mắt có tác dụng bôi trơn và vệ sinh mắt bằng việc kích thích mắt tiết nước mắt nhiều hơn. Đây cũng là tín hiệu giúp mắt “đóng” lại nhờ đó mắt sẽ được bảo vệ tốt hơn để tránh khói bụi, chất kích thích, ánh sáng chói…

Ngoài ra, nháy mắt cũng là triệu chứng của một số bệnh lý:

– Mắt bị kích ứng: Mắt sẽ nháy nhiều hơn nếu gặp một số chất kích thích như khói bụi, hóa chất, dị vật, khi gặp ánh sáng mạnh. Một số bệnh lý về mắt như khô mắt, lông quặm, viêm kết mạc, viêm bờ mi … cũng làm cho mắt nhạy cảm hơn

– Mắt làm việc quá sức: Xem  ti vi hoặc làm việc trên máy tính nhiều giờ dẫn đến mắt nhức mỏi cũng có thể kích hoạt các cơn giật mi mắt.

– Bệnh lý về thần kinh: Một số bệnh lý thần kinh có thể gây ra hiện tượng nháy mắt, chẳng hạn như bệnh Wilson, bệnh đa xơ cứng hay hội chứng Tourette

Nháy mắt có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau

Xử trí nháy mắt như thế nào?

Ngoài việc điều trị các bệnh lý nền như bệnh lý về thần kinh hay một số bệnh lý về mắt, nếu có nguyên nhân do mỏi mắt hoặc do mắt làm việc quá sức, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau:

– Chườm ấm mắt: Chườm ấm làm cho cơ mắt phục hồi và hoạt động tốt hơn để giảm dần triệu chứng nháy mắt. Bạn có thể lấy khăn bông mềm nhúng vào nước ấm. Sau khi vắt, bạn chườm vào mắt cho đến khi khăn hết ấm, nên lặp lại 5-6 lần/ngày.

– Ăn chuối: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây co giật mắt là sự thiếu hụt kali. Tiêu thụ chuối thường xuyên vì chúng chứa một lượng kali lớn giúp loại bỏ nháy mắt. Khuyến cáo ăn 3 trái chuối/ngày.

– Bổ sung canxi, magie: Canxi là một thành phần quan trọng để giữ cho dây thần kinh và hệ thần kinh khỏe mạnh. Để ngăn chặn mắt co giật, bạn nên ăn các thực phẩm giàu canxi và magie như sữa, sữa chua, phô mai, các loại đậu…

– Xông hơi nước nóng: Hơi nước nóng là cách tốt nhất để cải thiện tình trạng nháy mắt. Hơi nước nóng làm dịu hoạt động thần kinh và loại bỏ tất cả các chất bẩn khỏi mắt.

Đắp mặt nạ dưa chuột cho mắt để hạn chế bị nháy mắt

– Đắp mặt nạ dưa chuột cho mắt: Một trong những biện pháp làm dịu cơ mắt và giảm bớt hoạt động dây thần kinh là đắp dưa chuột lên mắt do dưa chuột có tính chống viêm và thư giãn cơ mắt.

– Massage mắt: Massage vùng xung quanh mắt bằng ngón trỏ sẽ làm tăng lưu thông máu và tăng cường hoạt động cơ mắt. Bạn nên lặp lại 5 – 6 lần/ngày, 1 lần trong ít nhất 30 giây.

– Ngủ đủ giấc: Ngủ đủ 8 giờ mỗi ngày. Nếu làm việc trên máy tính cả ngày, nên dành 5-10 nhắm mắt lại để mắt thư giãn sau mỗi 1-2 tiếng làm việc

Nháy mắt mặc dù không quá nguy hiểm nhưng đừng chủ quan! Nếu biểu hiện này diễn ra liên tục và thường xuyên, bạn nên đi khám tại các cơ sở y tế để tìm ra nguyên nhân và có hướng điều trị thích hợp.

Xem thêm:

Hội chứng Tourette ở trẻ – Tưởng đơn giản nhưng vô cùng nguy hại!

Mỏi mắt khô mắt là bệnh gì? Tư vấn giải pháp loại bỏ nhanh chóng

 

 Phạm Hương

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/eye-health/eye-blinking

 

Viết bình luận