Tin tức

Thiếu hụt hai loại vitamin này sẽ gây suy giảm thị lực

Ngày đăng: 17 Tháng Tám, 2022
Rate this post

Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng không thể thiếu của cơ thể. Ngoài việc giúp cơ thể luôn khỏe mạnh, hạn chế bệnh tật, vitamin còn giữ vai trò quan trọng trong việc tăng cường sức mạnh của cơ xương khớp, tăng cường chức năng não, cân bằng nội tiết tố, chống nhiễm trùng…

Mỗi một loại vitamin lại có những chức năng khác nhau đối với cơ thể. Chẳng hạn, triệu chứng mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt thường liên quan đến việc thiếu hụt vitamin B12; Giảm mật độ xương, hay gặp chấn thương … là những dấu hiệu của sự thiêu hụt vitamin D. Công bố mới đây của Dịch vụ Y tế Vương quốc Anh cho biết, sự thiếu hụt của hai loại vitamin B12 và vitamin A là nguyên nhân có thể dẫn đến suy giảm thị lực, và nếu không được bổ sung kịp thời, có thể dẫn đến mất thị lực hoàn toàn.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO): “Thiếu vitamin A góp phần dẫn đến mù lòa do làm gia tăng tình trạng khô mắt, từ đó làm ảnh hưởng đến chức năng của võng mạc và giác mạc”. Bên cạnh đó, với vai trò là một chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của não và tế bào thần kinh, thiếu vitamin B12 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dây thần kinh thị giác.

Thiếu vitamin A dẫn đến khô mắt, quáng gà

Vitamin A là tên của một nhóm các hợp chất hòa tan trong chất béo, bao gồm retinol, retinal và retinyl ester. Có hai dạng vitamin A được tìm thấy trong thực phẩm.

Vitamin A đã chuyển hóa – retinol và retinyl ester – chỉ xuất hiện trong các sản phẩm động vật, như sữa, gan và cá. Trong khi đó, dạng thứ hai là tiền chất vitamin A- các carotenoids có nhiều trong thực phẩm thực vật như trái cây, rau và dầu . Để sử dụng chúng, cơ thể phải chuyển đổi cả hai dạng vitamin A thành retinal và acid retinoic, các dạng hoạt động của vitamin.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của vitamin A là vai trò của nó đối với thị lực và sức khỏe của đôi mắt. Retinal, dạng hoạt động của vitamin A, kết hợp với protein opsin để tạo thành rhodopsin, một phân tử cần thiết cho thị lực màu và tầm nhìn ánh sáng yếu.

Vitamin A cũng giúp bảo vệ và duy trì giác mạc – lớp ngoài cùng của mắt – và kết mạc – một màng mỏng bao phủ bề mặt của mắt và bên trong mí mắt. Theo phân loại của WHO , ảnh hưởng của thiếu hụt vitamin A với mắt gồm các giai đoạn tổn thương sau:

– Quáng gà: Là dấu hiệu sớm nhất của thiếu vitamin A tại mắt. Do giảm cung cấp vitamin A đến những tế bào hình que của võng mạc làm giảm khả năng thích nghi với bóng tối của võng mạc.

– Khô kết mạc: Màng tiếp hợp (tròng trắng) khô, kết mạc dày lên có nếp nhăn đổi màu xám nhạt, vàng nhạt hoặc nâu sẫm.

– Vệt Bitot: Là những vệt trắng, bóng trên màng tiếp hợp có hình tam giác do biểu mô bị dày lên và bong vẩy ở cả 2 phía của mắt nhưng thường ở phía thái dương.

– Khô giác mạc: Giác mạc bị khô, mờ đục như màn sương phủ

Bốn giai đoạn trên nếu điều trị kịp thời sẽ khỏi hoàn toàn không để lại di chứng:

– Loét giác mạcdưới 1/3 diện tích giác mạc: Do giác mạc bị khô nên dễ nhiễm khuẩn và loét nếu điều trị không kịp thời loét nhanh và gây thủng giác mạc.

– Loét giác mạctrên 1/3 diện tích giác mạc: Giác mạc bị loét, có thể bị thủng, phòi mống mắt ra ngoài và teo nhãn cầu gây mù vĩnh viễn.

– Sẹo giác mạc: Là di chứng của loét giác mạc, tuỳ theo vị trí sẹo to hay sẹo nhỏ mà có ảnh hưởng đến thị lực của trẻ.

– Khô đáy mắt: Biểu hiện tình trạng thiếu vitamin A mạn tính hay gặp ở học sinh. Soi đáy mắt sẽ có những vùng trắng sáng nằm rải rác dọc theo các mạch máu võng mạc có màu nâu đỏ.

Để giảm thiểu nguy cơ trên, chúng ta nên ặn nhiều các thực phẩm chứa vitamin A như trứng, cá, sữa, sữa chua và các chế phẩm từ gan động vật. Ngoài ra, có thể bổ sung các thực phẩm chứ bate- carotene như xoài, đu đủ, cà rốt, khoa lang… để chuyển hóa beta – carotene thành retinol (dẫn xuất vitamin A).

Thiếu hụt vitamin A và vitamin B12 có thể gây suy giảm thị lực

Thiếu hụt vitamin A và vitamin B12 có thể gây suy giảm thị lực

Thiếu hụt vitamin B12 gây giảm thị lực như thế nào?

Vitamin B12 (còn được gọi là cobalamin) là một vitamin tan trong nước, đóng vai trò thiết yếu cho chức năng và sự phát triển của não và tế bào thần kinh. Sự thiếu hụt của vitamin B12 có thể làm tổn thương dây thần kinh thị giác (viêm dây thần kinh thị giác).

Ngoài ra, thoái hóa điểm vàng (AMD) là bệnh lý về đáy mắt ngày càng gia tăng. Căn bệnh này là kết quả của sự tích tụ các chất lắng đọng ở đáy mắt hoặc sự phát triển bất thường của các mạch máu. Trong cả hai trường hợp, bệnh nhân bị mất một phần đáng kể của thị lực trung tâm. Mặc dù không có cách chữa khỏi AMD, nhưng chúng ta có thể làm chậm tiến trình phát triển của bệnh thông qua việc bổ sung các thực phẩm giàu vitamin B12 như bông cải xanh, trứng, các loại cá chứa nhiều dầu như cá ngừ, cá hồi, cá tuyết

Làm thế nào để biết mức vitamin thấp trong cơ thể

Cách tốt nhất để biết bạn có bị thiếu hụt vitamin hay không là xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm nước bọt. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng hoặc dấu hiệu thiếu hụt vitamin nào, hãy đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra. Trao đổi với bác sỹ về chế độ ăn uống để họ cho ý kiến liệu bạn có cần phải dùng chất bổ sung hay không.

Xem thêm:

Cải thiện thị lực ở người bệnh tắc tĩnh mạch võng mạc trung tâm

Có thể ngừa bệnh tăng nhãn áp bằng thức ăn chứa nhiều Nitrat

Phạm Hương

Viết bình luận