Bệnh mạch vành

Máu nhiễm mỡ khi mang thai – mối nguy tiềm ẩn cho mẹ bầu

Ngày đăng: 26 Tháng Mười, 2020
5/5 - (3 bình chọn)

Máu nhiễm mỡ khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. Do đó việc thăm khám và sàng lọc bệnh máu nhiễm mỡ ở phụ nữ mang thai là điều cần thiết để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh.

Vai trò của cholesterol và định nghĩa về máu nhiễm mỡ khi mang thai

Theo chuyên gia dinh dưỡng Carolyn Gundell của Hiệp hội Y học Sinh sản tại Connecticut, lượng cholesterol trong máu có thể tăng lên 25 – 50% trong 3 tháng đầu của thai kì. Cholesterol rất cần thiết cho việc sản sự phát triển bình thường của thai nhi. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành màng tế bào, duy trì tính toàn vẹn của màng; đồng thời cũng là tiền thân của nhiều loại hormon quan trọng, chẳng hạn như steroid, vitamin D và axit mật.

Tuy nhiên ở một số thai phụ, các loại “mỡ xấu”  như LDL – cholesterol và triglycerid lại tăng cao quá ngưỡng cho phép trong suốt thai kì; trong khi đó mỡ tốt như HDL – cholesterol lại giảm thấp. Điều này có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Tình trạng này được gọi là máu nhiễm mỡ khi mang thai.

Máu nhiễm mỡ khi mang thai là mối nguy tiềm ẩn cho mẹ bầu và thai nhi

Nguyên nhân gây ra bệnh máu nhiễm mỡ khi mang thai   

Máu nhiễm mỡ khi mang thai có thể do gen di truyền qua các thế hệ trong gia đình. Ngoài ra, khi bước vào thai kì, một số yếu tố dưới đây cũng góp phần làm phát triển bệnh máu nhiễm mỡ:

– Lười vận động: Phụ nữ mang thai thường phải cẩn thận trong việc đi lại, hạn chế vận động mạnh. Tuy nhiên, nhiều mẹ bầu lo lắng thái quá nên kiêng vận động tuyệt đối. Điều này có thể gây dư thừa năng lượng và gây tích trữ mỡ trong cơ thể.

– Chế độ ăn không hợp lý: Với tâm lý ăn uống nhiều hơn để bồi bổ cho thai nhi, nhiều bà mẹ được chăm sóc và tẩm bổ với những đồ ăn chứa nhiều chất béo, tinh bột, kết hợp với lười vận động sẽ làm tăng lượng mỡ lưu hành trong máu.

– Căng thẳng, mệt mỏi: Đa số phụ nữ đều cảm thấy mệt mỏi, stress trong thai kì; điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc chuyển hóa chất béo trong cơ thể, gây ra bệnh máu nhiễm mỡ.

Máu nhiễm mỡ khi mang thai có nguy hiểm không?

Máu nhiễm mỡ có mối liên hệ sâu sắc với các bệnh lý khác trong thời kì mang thai, điển hình nhất là tăng huyết áp và đái tháo đường thai kỳ. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Obstetrics & Gynecol, những phụ nữ bị máu nhiễm mỡ khi mang thai có nguy cơ mắc tiền sản giật cao gấp 2 lần so với bình thường. Nếu không được điều trị sớm, có thể dẫn đến sản giật và gây tử vong trong bối cảnh suy tim, phù phổi, nhồi máu não… Ngoài ra, những thai phụ có triglycerid máu tăng cao còn có thể gặp phải biến chứng viêm tụy với biểu hiện đau bụng dữ dội, nôn mửa, rối loạn ý thức, tụt huyết áp… 

Nhiều bằng chứng cũng cho thấy tác động của máu nhiễm mỡ đến sự hình thành xơ vữa động mạch sau này của cả mẹ và con. Ngoài ra, thai phụ còn có nguy cơ cao gặp phải những biến chứng khác như suy gan, suy thận, sỏi mật… Vì vậy, mẹ bầu cần có kế hoạch theo dõi và điều trị chặt chẽ tình trạng máu nhiễm mỡ trong suốt thai kì.   

Giải pháp giảm mỡ máu an toàn không dùng thuốc     

Thuốc hạ mỡ máu hiếm khi được chỉ định cho phụ nữ có thai vì có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Việc điều trị chủ yếu hướng đến điều chỉnh chế độ ăn uống, luyện tập và quản lý cân nặng.

– Tăng hoạt động thể chất: Mẹ bầu nên thường xuyên đi lại, vận động nhẹ nhàng hoặc thực hiện các bài tập thể dục, chương trình tập yoga được thiết kế riêng dành cho phụ nữ có thai. Điều này không chỉ cải thiện chỉ số mỡ máu, mà còn giúp quá trình sinh nở sau này được thuận lợi.   

– Điều chỉnh chế độ ăn: Mẹ bầu nên ăn nhiều chất xơ có trong các loại rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám (gạo lứt, yến mạch…) để giảm hấp thu lượng chất béo có trong thức ăn. Đồng thời, tăng cường bổ sung chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ quả hạch, hạt khô, cá biển… Hạn chế đồ ăn chiên rán, thức ăn có nhiều chất béo bão hòa và đường.

– Giảm căng thẳng: Mẹ bầu nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, trò chuyện và chia sẻ với người thân để giải tỏa lo âu, áp lực trong thời kì mang thai.  

Ăn uống khoa học để phòng tránh máu nhiễm mỡ khi mang thai

Nếu bạn bị máu nhiễm mỡ và có ý định mang thai, hãy nói chuyện với bác sĩ của mình. Mỡ máu cần được ổn định trước khi mang thai vì khi có thai, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn ngưng sử dụng thuốc hạ mỡ máu. Bạn có thể sử dụng thuốc kết hợp cùng một số thảo dược như Hoàng bá, Bồ hoàng, Sơn tra… để sớm đạt được chỉ số mỡ máu mục tiêu trước khi bước vào thai kì.

Để ngăn chặn những ảnh hưởng xấu của máu nhiễm mỡ khi mang thai đến sức khỏe của cả mẹ và bé, bạn cần có biện pháp dự phòng trước và trong quá trình mang thai để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.  

Xem thêm:

Người bị máu nhiễm mỡ nên ăn gì và kiêng ăn gì để hạ mỡ máu?

6 Bài thuốc đông y chữa máu nhiễm mỡ – Hãy thử nghiệm ngay!

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.heartuk.org.uk/cholesterol/pregnancy-and-blood-fatssv

https://www.healthline.com/health/pregnancy/manage-cholesterol-levels-during-pregnancy#when-to-worrysv

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK498654/vs

Viết bình luận