Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Chớ coi thường bệnh đục thủy tinh thể ở trẻ

Ngày đăng: 15 Tháng Mười Một, 2016
5/5 - (14 bình chọn)

Đục thủy tinh thể tuy thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng một số trẻ khi vừa mới được sinh ra hoặc trong thời kỳ thơ ấu cũng có thể phát triển căn bệnh này, được gọi là đục thủy tinh thể bẩm sinh, hay đục thủy tinh thể ở trẻ em. Bệnh mặc dù hiếm gặp nhưng đục thủy tinh thể bẩm sinh lại ảnh hưởng không nhỏ tới tuổi thơ cũng như quá trình phát triển về trí lực của trẻ.

Đục thủy tinh thể ở trẻ phát triển như thế nào?

Đục thủy tinh thể là sự hình thành các điểm mờ đục, giống như các đám mây ở thủy tinh thể bên trong mắt. Thông thường, thủy tinh thể trong suốt cho phép ánh sáng đi vào mắt tập trung lại rõ ràng trên võng mạc. Khi các thành phần cấu tạo nên thủy tinh thể bị thay đổi trật tự sắp xếp, chúng sẽ làm tán xạ các tia sáng, khiến cho hình ảnh thu được trên võng mạc trở nên mờ và méo mó.

Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể xuất hiện ngay khi chào đời

Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể xuất hiện ngay khi chào đời

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở trẻ?

Đục thủy tinh thể ở trẻ em có thể là bẩm sinh hoặc có thể hình thành trong cuộc sống sau này. Người ta ước tính rằng cứ mỗi 250 đứa trẻ được sinh ra thì sẽ có một trẻ mắc bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh hoặc trong giai đoạn ấu thơ. Hiện nay, nguyên nhân gây đục thủy tinh thể ở cả 2 mắt vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng đó là do di truyền hoặc có liên quan đến một số bất thường về gen.

Đục thủy tinh thể một bên mắt (đục thủy tinh thể đơn phương) ít khi liên quan với một bệnh lý cụ thể, mà nguyên nhân thường là do chấn thương ở mắt sau khi trẻ được sinh ra.

Đục thủy tinh thể ở trẻ sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn như thế nào?

Nhiều trường hợp đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh có mảng đục nhỏ, không làm ảnh hưởng tới thị lực và trẻ vẫn phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu mảng đục lớn hơn có thể dẫn đến suy giảm thị lực nặng hoặc mù lòa.

Các phương pháp điều trị đục thủy tinh thể ở trẻ

Đục thủy tinh thể ở trẻ gây cản trở tầm nhìn nên được phẫu thuật càng sớm càng tốt, ngay cả trong một tuần đầu khi sinh. Phẫu thuật thay thế đục thủy tinh thể ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ được thực hiện khi gây mê toàn thân. Thủy tinh thể tự nhiên được chia thành từng mảnh nhỏ bằng dụng cụ vi phẫu và loại bỏ thông qua một vết rạch nhỏ. Sau khi lấy thủy tinh thể, có thể cải thiện thị lực bằng một trong các cách sau:

– Kính áp tròng: sử dụng sau khi phẫu thuật cho đục thủy tinh thể song phương hoặc đơn phương ở trẻ em dưới hai tuổi.Kính áp tròng được khuyến cáo cho nhóm tuổi này vì mắt và độ tập trung thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn trẻ nhỏ. Kính áp tròng cũng có thể được sử dụng ở trẻ lớn tuổi hơn.

– Kính nội nhãn: ống kính nhân tạo được cấy ghép để thay thế thủy tinh thể tự nhiên ở trẻ.Phương pháp này vẫn còn đang được nghiên cứu cho trẻ sơ sinh, nhưng kết quả ban đầu đã chỉ ra những dấu hiệu khá khả quan.

– Kính: được sử dụng trong một số trường hợp dùng kính áp tròng hay kính nội nhãn không thích hợp. Hầu hết trẻ em cũng sẽ đeo kính thường xuyên ngay cả khi đã đeo kính áp tròng hoặc kính nội nhãn, vì khả năng tập trung của mắt cần được theo dõi cẩn thận.

Nếu trẻ bị đục thủy tinh thể đơn phương phát triển thêm bệnh nhược thị, các bác sĩ sẽ hướng dẫn cha mẹ cách thức để điều trị tiếp căn bệnh này của con. Thông thường trẻ sẽ phải tập nhìn bằng mắt nhược thị trong khi bịt lại mắt lành để kích thích chức năng của hệ thần kinh thị giác hoạt động.

Những ưu và nhược điểm của việc cấy ghép kính nội nhãn là gì?

Kính nội nhãn có khả năng làm giảm độ phóng đại và biến dạng quang học, thường được kết hợp với các phương pháp khác để khôi phục độ tập trung của mắt, chẳng hạn như đeo kính. Kính nội nhãn khi được thay thế sẽ nằm vĩnh viễn trong mắt, do đó, không cần bảo trì như kính áp tròng. Trẻ em sẽ phù hợp cấy ghép kính nội nhãn hơn vì nó mang lại cho trẻ sự thoải mái khi tham gia các hoạt động vui chơi mà không lo bị rơi hay mất kính áp tròng. 

Với bất kỳ thủ thuật phẫu thuật nào cũng sẽ có những rủi ro và lưu ý đặc biệt khi thực hiện cấy ghép kính nội nhãn. Do đó, cha mẹ nên cùng bác sĩ cân nhắc cẩn thận trước khi tiến hành phẫu thuật cho con.

Tại sao cần phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ em càng sớm càng tốt?

Những năm tháng đầu đời là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển thị giác ở trẻ, bởi đó cũng là lúc não bộ phát triển để tiếp nhận những hình ảnh rõ ràng nhất. Nhìn mờ hay méo sẽ khiến não bộ thiết lập các kết nối hình ảnh bất thường. Phát triển thị giác bất thường này được gọi là nhược thị. Do đó, việc điều trị ngay từ sớm sẽ giúp thị lực trẻ phát triển bình thường, hạn chế nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.

Phẫu thuật thủy tinh thể bẩm sinh càng sớm sẽ giúp thị lực của trẻ sau này càng tốt

Phẫu thuật thủy tinh thể bẩm sinh càng sớm sẽ giúp thị lực của trẻ sau này càng tốt

Phẫu thuật đục thủy tinh thể ở trẻ có đau không?

Phẫu thuật đục thủy tinh thể thường không hoặc rất ít đau đớn, khó chịu. Những trẻ cấy ghép ống kính nội nhãn cũng không cảm nhận được ống kính bên trong mắt. Đối với trẻ đeo kính áp tròng, thời gian đầu trẻ có thể cảm thấy khó chịu, vướng víu nhưng trẻ cũng thích ứng với chúng một cách nhanh chóng.

Tiên lượng lâu dài cho trẻ đã được phẫu thuật đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể ở trẻ nếu là do bẩm sinh có tiên lượng tốt nếu được điều trị trong vòng hai tháng đầu đời. Nếu không điều trị, tiên lượng sẽ kém đi. Trẻ em mắc đục thủy tinh thể một vài tháng sau khi sinh có tiên lượng thị giác tốt hơn bởi vì giai đoạn đó thị lực cũng đã có sự phát triển nhất định. Với một ca phẫu thuật thành công, sự theo dõi lâu dài là điều cần thiết để hoàn thành quá trình phục hồi thị lực.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo:

http://my.clevelandclinic.org/childrens-hospital/health-info/diseases-conditions/hic-cataracts-in-children

Viết bình luận

  1. Biile :

    Da. Cho e xin hỏi là con em đuoc bác sỷ ở bênh viên nhi đồng chuẩn đoán là bé bị đttt và hẹn 2 tháng sau đến bệnh vien mắt để phẩu thuật..nhưng giờ bé đã đc 1 tháng 8 ngày tuổi. Cọ làm phẩu thuật đc ko ạ…e xin cam on.!

    1. trungmyjsc.com.vn :

      Chào bạn Biile,
      Đục thủy tinh thể bẩm sinh đúng là phẫu thuật càng sớm càng tốt, thời điểm phù hợp nhất là khi trẻ dưới 3 tháng tuổi. Tuy nhiên, tùy thuộc mức độ bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của từng bé mà thời gian phẫu thuật có thể sẽ sớm hơn hoặc chậm hơn một chút. Với tình trạng hiện tại, bạn nên cho bé đi khám thường xuyên và tuân thủ chỉ định của bác sĩ để đạt kết quả tốt nhất. Ngoài ra, nếu vẫn cảm thấy lo lắng, bạn có thể cho bé đi khám thêm ở một số bệnh viện Mắt uy tín khác nữa như bệnh viện Mắt TP. HCM, bệnh viện Mắt Kỹ thuật cao Phương Nam,…
      Nếu cần hỗ trợ thêm, bạn hãy gọi điện 0972 032 029 hoặc (024) 3775 9051 để được tư vấn chi tiết.
      Chúc bé và gia đình bạn sức khỏe!