Đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng

Đục thủy tinh thể và các triệu chứng thường gặp

Ngày đăng: 6 Tháng Mười, 2016
5/5 - (9 bình chọn)

Cùng với thoái hóa điểm vàng, đục thủy tinh thể được coi là một trong những nguyên nhân gây suy giảm thị lực hàng đầu trên thế giới. Bệnh thường tiến triển âm thầm trong một thời gian dài và không có nhiều dấu hiệu cảnh báo rõ ràng. Nhưng khi xuất hiện 1 trong 8 triệu chứng đục thủy tinh thể điển hình sau thì bạn cần đi khám và điều trị sớm.

Hầu hết các trường hợp đục thủy tinh thể là hệ quả tất yếu của quá trình lão hóa tự nhiên, và chúng ta không thể đảo ngược lại quá trình này. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu đục thủy tinh thể có ý nghĩa vô cùng quan trọng để duy trì thị lực cho người bệnh.

Dưới đây là 8 dấu hiệu đục thủy tinh thể thường gặp

Nhìn mờ như có màng mây che trước mắt

Đây là dấu hiệu mà đa số người bệnh đục thủy tinh thể đều gặp phải. Giai đoạn đầu, cảm giác màn sương “khá mỏng” nên mắt chỉ hơi mờ một chút. Theo thời gian, mắt bạn sẽ càng trở nên mờ đục khiến cho tầm nhìn ngày càng hạn chế.

Nhìn mờ là triệu chứng thường gặp nhất khi bị đục thủy tinh thể

Nhìn mờ là triệu chứng thường gặp nhất khi bị đục thủy tinh thể

Khó khăn khi nhìn vào ban đêm

Thị lực giảm do đục thủy tinh thể khiến cho mọi hoạt động về đêm trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là lái xe. Thực tế, một nghiên cứu tại Đại học Curtin ở Úc cũng cho thấy rằng điều trị đục thủy tinh thể có thể làm giảm 13% nguy cơ tai nạn xe hơi.

Tăng sự nhạy cảm với ánh sáng

Nhạy cảm với ánh sáng là một dấu hiệu đục thủy tinh thể khá phổ biến. Người bệnh thường cảm thấy chói mắt, khó chịu khi đi ra ngoài trời nắng, thậm chí có thể gây nhức mắt nếu tiếp xúc với nguồn sáng mạnh.

Nhìn thấy quầng hào quang xung quanh bóng đèn

Đục thủy tinh thể sẽ dẫn tới sự nhiễu xạ ánh sáng, gây ra hiện tượng nhìn thấy quầng hào quang xung quanh các nguồn sáng như bóng đèn điện, đèn pha, mặt trời… với nhiều màu sắc khác nhau tựa như cầu vồng.

Thường xuyên phải thay đổi độ kính

Nếu bạn đang sử dụng kính đeo mắt để khắc phục tật cận thị, loạn thị, viễn thị… mà phải thường xuyên phải thay đổi kính mắt thường xuyên thì hãy cẩn trọng, vì đây cũng là một trong những biểu hiện của đục thủy tinh thể.

Nhu cầu về ánh sáng khi đọc sách, làm việc tăng lên

Trong điều kiện ánh sáng yếu, bạn không thể nào đọc sách hay làm việc được. Nguyên nhân là khi thủy tinh thể bị đục thì nhu cầu về ánh sáng trong môi trường làm việc cũng đòi hỏi cao hơn trước đây.

Nhìn đôi, nhìn ba

Sự nhiễu xạ khi ánh sáng xuyên qua thủy tinh thể bị đục sẽ khiến cho bạn nhìn thấy 2 hoặc nhiều hình ảnh của cùng một vật thể (nhìn đôi, nhìn ba).

Nhìn mọi vật có màu vàng hơn bình thường

Khi đục thủy tinh thể nặng, mọi thứ trong tầm nhìn của bạn dường như được phủ một lớp màu vàng hơn so với bình thường. Điều này khiến cho việc nhận biết màu sắc của bạn bị hạn chế và làm giảm khả năng phân biệt các màu sắc khác nhau.

Nhìn mọi vật bị vàng hơn là triệu chứng đục thủy tinh thể

Nhìn mọi vật bị vàng hơn là triệu chứng đục thủy tinh thể

Làm thế nào để biết chắc chắn mình có bị đục thủy tinh thể hay không?

Cách duy nhất để biết chắc chắn bạn có bị đục thủy tinh thể hay không là đi khám mắt. Bác sĩ Nhãn khoa sẽ phát hiện sớm bệnh bằng cách soi đáy mắt. Sau tuổi 40, bệnh đục thủy tinh thể đã có thể bắt đầu xuất hiện, vì vậy bạn cần phải đi khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế, và quá trình này nên được lặp lại với tần suất nhiều hơn kể từ tuổi 65 trở đi.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn đúng trong mọi trường hợp. Vì vậy, hãy nhận biết sớm những triệu chứng đục thủy tinh thể và điều trị kịp thời, đừng để bệnh làm cho cuộc sống của bạn chìm trong bóng tối chỉ vì chủ quan. Ngay từ bây giờ, thực hiện chế độ ăn khoa học cung cấp thêm nhiều các chất chống oxy hóa thiên nhiên, cũng như sử dụng thêm các sản phẩm bổ trợ cho mắt sẽ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống khi bạn về già, vì luôn có một đôi mắt khỏe mạnh.

Xem thêm: Thông tin về viên uống hỗ trợ điều trị đục thủy tinh thể

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

http://www.aao.org/eye-health/

http://www.allaboutvision.com/

https://www.healthline.com/health/cataract-symptoms#see-your-doctor

Viết bình luận