Bệnh mạch vành

Bị bệnh tim mạch có tiêm vắc xin Covid – 19 được không?

Ngày đăng: 22 Tháng Chín, 2021
5/5 - (2 bình chọn)

Bên cạnh phòng thủ 5K thì tiêm vắc xin Covid – 19 là giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu tỷ lệ tử vong do vi rút Corona tốt nhất hiện nay. Thế nhưng với những đối tượng có nguy cơ rủi ro cao như người bệnh tim mạch thì việc có nên tiêm vắc xin không vẫn là vấn đề khiến nhiều người băn khoăn. Bài viết dưới đây sẽ trả lời câu hỏi này giúp bạn.

Người bệnh tim mạch có nên tiêm vắc xin Covid – 19 không?

Tất cả những người có bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim), hẹp hở van tim, suy tim, tăng huyết áp, bệnh mạch máu ngoại vi, bệnh tim bẩm sinh hay có tiền sử đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… đều cần được tiêm vắc xin Covid – 19 sớm.

Cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy người bệnh tim mạch là đối tượng chống chỉ định đối với tiêm vắc xin Covid – 19. Mặt khác, người bệnh tim mạch là nhóm đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu không may nhiễm Covid 19. Vì vậy việc tiêm phòng có ý nghĩa quan trọng giúp làm giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng (nghiêm trọng nhất là viêm cơ tim), giảm thiểu tỷ lệ nhập viện và tử vong cho người bệnh tim mạch.

Người bệnh tim mạch cần được tiêm vắc xin Covid – 19 sớm

Bệnh nhân tim mạch đã phẫu thuật có thể tiêm vắc xin Covid – 19 được không?

Người bệnh tim mạch đã can thiệp phẫu thuật như đặt stent mạch vành, bắc cầu động mạch vành, sửa/thay van tim, đặt máy tạo nhịp tim, mổ thông liên thất, thông liên nhĩ… đều có thể tiêm vắc xin Covid – 19, nhưng cần trao đổi với bác sĩ về bất kì loại thuốc nào đang dùng tại cơ sở tiêm phòng.

Người bệnh tim có dễ gặp phải tác dụng phụ khi tiêm vắc xin Covid – 19 không?

Người bệnh tim mạch không phải là đối tượng có nguy cơ cao dễ gặp phải các tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin Covid – 19. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần chú ý khai báo đầy đủ tại cơ sở tiêm chủng về tất cả những dị ứng trước đây. Nếu cơ địa người bệnh dễ bị dị ứng nghiêm trọng với vắc xin thì không nên tiêm vắc xin Covid – 19.

Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với thuốc uống, thức ăn, đồ uống, thời tiết… thì vẫn có thể tiêm vắc xin Covid – 19.

Tác dụng phụ mà người bệnh tim mạch có thể gặp phải sau khi tiêm vắc xin Covid – 19

Cũng giống như những người bình thường khác, sau tiêm vắc xin Covid – 19 người bệnh tim mạch có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau đầu, đau cơ… Các triệu chứng này có thể tồn tại từ 24 – 48 giờ và thuyên giảm dần. Để cơ thể nhanh hồi phục, người bệnh có thể dùng thêm thuốc hạ sốt, giảm đau và bổ sung nhiều nước, vitamin…

Bên cạnh đó, người bệnh tim mạch cũng có thể gặp phải sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Covid – 19 nhưng tỷ lệ này rất thấp (1/2.000.000 người), thường xuất hiện sớm trong vòng 15 phút sau tiêm. Để đảm bảo an toàn, sau khi tiêm vắc xin Covid – 19 người bệnh cần ở lại cơ sở tiêm phòng để theo dõi thêm ít nhất 30 phút.

Sau khi tiêm vắc xin Covid – 19, người bệnh thường sẽ bị sốt nhẹ

Vắc xin Covid – 19 có gây tương tác với các thuốc tim mạch đang dùng không?

Hiện nay không có bất kì báo cáo về tương tác giữa thuốc và vắc xin covid 19, do đó người bệnh không cần ngừng bất kì loại thuốc tim mạch nào kể cả trước và sau khi tiêm vắc xin Covid – 19.

Những người đang sử dụng các thuốc chống đông máu như warfarin, aspirin, clopidogrel, dabigatran, rivaroxaban… có thể bị chảy máu tại vị trí tiêm nhưng tỷ lệ này rất thấp, mức độ không quá nghiêm trọng nên không cần ngưng dùng thuốc.

Loại vắc xin Covid – 19 thích hợp cho người bệnh tim mạch là gì?

Các dữ liệu lâm sàng hiện nay đều cho thấy tất cả các vắc xin đều thích hợp tiêm cho người bệnh tim mạch. Mặc dù khả năng bảo vệ của mỗi loại là khác nhau, tuy nhiên các chuyên gia đều cho rằng, bất kì loại vắc xin nào gần bạn nhất vào thời điểm này đều là vắc xin tốt nhất. Vì vậy, người bệnh tim mạch không cần quá bận tâm và kén chọn loại vắc xin để tránh ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành 2 mũi tiêm vắc xin Covid – 19 của mình.

Một số lưu ý cho người bệnh tim mạch trước khi tiêm vắc xin Covid – 19

Để đảm bảo sức khỏe và hạn chế các tác dụng phụ của vắc xin Covid – 19, người bệnh tim mạch cần lưu ý:

– Ngủ đủ giấc vào đêm trước ngày tiêm phòng để đảm bảo hệ thống miễn dịch hoạt động tốt nhất.

– Uống đủ nước để đào thải độc tố ra ngoài cơ thể được dễ dàng hơn. Việc uống nhiều nước sau tiêm cũng rất quan trọng để đảm bảo tránh bị mất nước do sốt cao.

– Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ và đa dạng các nhóm chất như thịt, cá, trứng, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, rau quả tươi… trước tiêm. Tránh tiêm lúc bụng đói vì có thể gây chóng mặt, hoa mắt, ngất xỉu…

– Không ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh vì có thể làm tăng nặng hơn phản ứng viêm trong cơ thể. Sau tiêm, người bệnh nên lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, chế biến dưới dạng cháo súp để dễ tiêu hóa hơn.

– Không uống rượu bia, đồ uống chứa caffein (cà phê, trà đặc, nước tăng lực…) vì có thể ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc trước tiêm.

Hãy nhớ rằng, vắc xin Covid – 19 chỉ có tác dụng làm giảm tính trầm trọng của bệnh nếu nhiễm vi rút Corona và người bệnh hoàn toàn có thể nhiễm bệnh dù đã hoàn thành 2 mũi tiêm vắc xin Covid – 19. Bởi vậy, trước và sau khi tiêm phòng, người bệnh tim mạch vẫn phải luôn duy trì thực hiện quy tắc 5K để bảo vệ sức khỏe của mình.

Xem thêm:

COVID – 19 có thể làm gia tăng tỷ lệ suy tim

Thực phẩm giúp phát triển hệ miễn dịch chống lại COVID – 19

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://benhvien108.vn/

https://newsroom.heart.org/

Viết bình luận