Bệnh mạch vành

Thuốc trị thiếu máu cơ tim và lưu ý khi sử dụng

Ngày đăng: 12 Tháng Tám, 2021
5/5 - (1 bình chọn)

Thuốc trị thiếu máu cơ tim là chỉ định đầu tiên đối với người bệnh có mạch vành tắc nghẽn dưới 70%. Để đảm bảo quá trình dùng thuốc an toàn và đạt hiệu quả cao, hãy cùng tìm hiểu ngay về những nhóm thuốc điều trị cơ bản tại bài viết này.

Thuốc điều trị đau thắt ngực

Đau thắt ngực là triệu chứng thiếu máu cơ tim phổ biến mà nhiều người bệnh từng gặp phải. Để kiểm soát cơn đau ngực, bác sĩ thường sẽ kê nhóm nitrat có tác dụng giãn mạch nhằm tăng cường lưu lượng máu đến nuôi cơ tim, đồng thời giúp tim bơm máu được dễ dàng hơn. Nitroglycerin là đại diện tiêu biểu nhất trong nhóm thuốc này. Thuốc có thể được bào chế dưới dạng giải phóng nhanh hoặc giải phóng kéo dài tùy theo mục đích sử dụng.

Thuốc chống đông máu

Nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim là do sự tích tụ của các mảng xơ vữa bám bên trong thành động mạch vành. Mảng xơ vữa có thể nứt vỡ và tại vị trí đó sẽ hình thành cục máu đông gây bít tắc hoàn toàn động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim.

Để dự phòng biến chứng nguy hiểm này, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc chống đông máu như aspirin, clopidogrel, eptifibatide, ticlopidine…

Thuốc trị thiếu máu cơ tim nhóm chống đông máu - aspirin

Thuốc trị thiếu máu cơ tim nhóm chống đông máu – aspirin

Thuốc hạ mỡ máu

Các thành phần mỡ xấu trong máu như LDL – cholesterol, triglycerid là nguyên liệu hình thành nên mảng xơ vữa động mạch. Do đó, nếu người bệnh bị rối loạn lipid máu và điều trị bằng chế độ ăn uống khoa học và tăng cường hoạt động thể chất không hiệu quả, bác sĩ sẽ kê đơn một số loại thuốc hạ mỡ máu sau:

– Nhựa hấp thụ acid mật như cholestyramine, colesevelam hydrochloride, colestipol hydrochlorid… giúp loại bỏ LDL – Cholesterol.

– Nhóm fibrat như clofibrate, fenofibrate, gemfibrozil… giúp làm tăng nồng độ HDL – Cholesterol để loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi máu.

– Nhóm statin như atorvastatin, lovastatin, rosuvastatin, simvastatin… giúp làm giảm sản xuất cholesterol toàn phần.

– Niacin (vitamin B3) vừa có tác dụng làm tăng HDL – C, vừa làm giảm LDL – C.

Thuốc trị thiếu máu cơ tim giúp hạ huyết áp

Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ quan trọng thúc đẩy xơ vữa động mạch hình thành và phát triển. Do đó việc dùng thuốc hạ áp cho người bệnh thiếu máu cơ tim là điều cần thiết để bảo vệ động mạch và giúp tim hoạt động tốt hơn.

Thuốc chẹn beta

Nhóm thuốc trị thiếu máu cơ tim chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, đồng thời giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim. Một số đại diện điển hình của nhóm thuốc chẹn beta là atenolol, metoprolol, propranolol, timolol…

Thuốc chẹn kênh canxi

Thuốc chẹn kênh canxi giúp làm giãn động mạch vành, cho phép máu giàu oxy đến nuôi cơ tim được dễ dàng hơn. Đồng thời, nhóm thuốc này cũng làm thư giãn các động mạch khác trong cơ thể, mang lại tác dụng hạ áp và giảm nhu cầu sử dụng oxy của cơ tim.

Một số thuốc chẹn kênh canxi thường có mặt trong đơn thuốc trị thiếu máu cơ tim là amlodipine, diltiazem, nicardipine, nifedipine…

Thuốc ức chế men chuyển ACE và chẹn thụ thể angiotensin II

Angiotensin II là một loại hormone trong cơ thể có tác dụng co mạch, gây tăng huyết áp và tăng nhu cầu oxy của tim.

Thuốc ức chế men chuyển (ACE) như captopril, perindopril, enalapril… và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) như losartan, telmisartan, valsartan… có cơ chế tác dụng tương tự nhau và cho kết quả cuối cùng là làm giảm tác dụng của angiotensin II. Hai nhóm thuốc này đã được chứng minh là có tác dụng hạ huyết áp và giảm nguy cơ đột quỵ.

Thuốc trị thiếu máu cơ tim nhóm hạ áp - Losartan

Thuốc trị thiếu máu cơ tim nhóm hạ áp – Losartan

Một số lưu ý khi dùng thuốc trị thiếu máu cơ tim

Để đảm bảo dùng thuốc an toàn và đạt hiệu quả điều trị cao, người bệnh thiếu máu cơ tim cần thực hiện theo những lưu ý dưới đây:

– Trao đổi với bác sĩ về tất cả các thuốc đang sử dụng, tiền sử dị ứng thuốc để tránh gây tương tác hoặc dị ứng với bất kì thuốc nào có trong đơn thuốc trị thiếu máu cơ tim.

– Với dạng viên giải phóng kéo dài cần uống nguyên viên, không bẻ hoặc nghiền nát viên thuốc vì điều này có thể khiến dược chất giải phóng ồ ạt vào máu, gây ngộ độc do quá liều.

– Để tránh quên liều, hãy uống thuốc vào những thời điểm nhất định trong ngày, cài đặt đồng hồ báo thức hoặc nhờ người thân nhắc nhở giờ uống thuốc.

– Trong trường hợp quên uống thuốc và thời điểm nhớ ra đã gần sát với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều này và uống như lịch thường lệ.

– Không được tự ý thay đổi liều dùng hoặc ngưng thuốc đột ngột mà chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ.

– Thăm khám sức khỏe định kì để kiểm tra khả năng đáp ứng của cơ thể với điều trị bằng thuốc, đồng thời phát hiện các tác dụng phụ (nếu có) để xử lý kịp thời.

Trong trường hợp dùng thuốc trị thiếu máu cơ tim chậm có hiệu quả, người bệnh có thể kết hợp sử dụng cùng một số cây thuốc nam chữa bệnh thiếu máu cơ tim an toàn, lành tính đã được nghiên cứu khoa học chứng minh tác dụng. Thông tin chi tiết về những thảo dược này, mời bạn tham khảo thêm tại bài viết:

Chữa thiếu máu cơ tim bằng 7 vị thảo dược đông y

Thuốc nam trị xơ vữa động mạch – Liệu pháp vàng cho người bệnh tim mạch

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.msdmanuals.com/home/heart-and-blood-vessel-disorders/coronary-artery-disease/drug-treatment-of-coronary-artery-disease

https://nyulangone.org/conditions/coronary-artery-disease-in-adults/treatments/medication-for-coronary-artery-disease

Viết bình luận