Huyết áp thấp và thiếu máu não

Nguyên nhân gây tụt huyết áp: Hiểu biết đúng để phòng ngừa hiệu quả

Ngày đăng: 13 Tháng Chín, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Tụt huyết áp không đơn giản chỉ dừng lại ở việc bạn hoa mắt, chóng mắt, xây xẩm mặt mày, mà nguy hiểm hơn còn có thể khiến bạn gặp phải những tai nạn bất ngờ khi đang làm việc trên cao, nấu ăn, tham gia giao thông, bơi lội… Việc xác định những nguyên nhân gây tụt huyết áp có thể giúp bạn phòng ngừa cơn tụt huyết áp xảy đến bất ngờ cũng như những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Thói quen sinh hoạt – Nguyên nhân gây tụt huyết áp tạm thời

Những người không có tiền sử huyết áp thấp vẫn có thể gặp phải cơn tụt huyết áp tạm thời, phụ thuộc vào thời điểm trong ngày và thói quen sinh hoạt của bạn. Cụ thể là:

– Thường chỉ số huyết áp của một người thường thấp hơn vào ban đêm khi đang ngủ hoặc khi vừa thức dậy. Sau đó, huyết áp sẽ tăng dần và đạt cao nhất vào giữa buổi chiều. Không có gì đáng ngạc nhiên khi nhiều người thường thấy mệt mỏi, hoa mắt vào nửa đêm hay khi bước xuống giường vào buổi sáng.

– Trong thời gian đầu tập thể dục huyết áp có thể tăng lên, nhưng nếu vận động quá sức có thể gây tụt huyết áp lúc bạn nghỉ ngơi ngay sau đó.

– Sốt hoặc thời tiết quá nóng nực có thể kéo huyết áp của bạn xuống thấp đột ngột.

– Sau mỗi bữa ăn, nhất là ăn quá no hoặc ăn nhiều tinh bột, một lượng máu lớn được vận chuyển đến ruột để làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn, khiến máu ở các cơ quan khác giảm xuống. Não bộ bắt buộc phải chỉ huy tim đập nhanh hơn và các mạch máu ngoại vi co lại nhằm đảm bảo đủ lượng máu cần thiết cho não hoạt động. Nhưng nếu cơ chế bù trừ này không xảy ra hoặc xảy ra chậm dẫn tới hạ huyết áp sau ăn.

– Căng thẳng quá mức, áp lực cũng là một trong những nguyên nhân gây tụt huyết áp, khiến bạn cảm thấy toàn thân vô lực, vã mồ hôi, khó chịu. Khi được thư giãn, nghỉ ngơi đầy đủ, huyết áp sẽ khôi phục trở lại.

Căng thẳng quá mức là một trong những nguyên nhân gây tụt huyết áp tạm thời

Những nguyên nhân gây tụt huyết áp thường xuyên

Sau khi điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt và lối sống, nếu tình trạng tụt huyết áp của bạn vẫn thường xuyên diễn ra có thể do một số những nguyên nhân khác như:

Di truyền

Một số nghiên cứu cho thấy nếu cha mẹ bạn thường xuyên bị tụt huyết áp thì bạn cũng có thể gặp phải tình trạng này.

Tuổi tác

Thông thường, huyết áp của một người tăng lên theo độ tuổi, nhưng một số ít trường hợp tuổi tác càng cao huyết áp càng giảm.

Sử dụng thuốc điều trị bệnh khác

Khi bạn sử dụng một số loại thuốc, nhất là những thuốc có cơ chế liên quan đến hệ thần kinh trung ương như thuốc điều trị huyết áp cao, thuốc lợi tiểu, chống trầm cảm có thể gây ra tụt huyết áp quá mức. Trong trường hợp này, bạn nên trao đổi với bác sĩ điều trị để theo dõi và điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Mất nước

Tình trạng này xảy ra khi bạn bị đổ mồ hôi quá nhiều, tiêu chảy, nôn ói khiến thể tích máu  tuần hoàn trong cơ thể giảm.

Tụt huyết áp do bệnh lý khác hoặc các vấn đề bất thường về sức khỏe

Thiếu máu: Lượng hemoglobin trong máu hoặc số tế bào hồng cầu thấp hơn bình thường có thể dẫn tới giảm áp lực dòng máu trong lòng mạch.

– Bệnh lý tim mạch: Những nguyên nhân khiến tim hoạt động kém hiệu quả sẽ kéo theo áp lực bơm máu giảm. Người bệnh rất dễ gặp phải tình trạng tụt huyết áp do máu lên não không đủ. Một số bệnh lý tim mạch thường gặp là suy tim, rối loạn nhịp tim, hẹp/hở van tim, bệnh mạch vành…

– Rối loạn chức năng hệ thần kinh tự trị: Đây là hệ thần kinh kiểm soát các chức năng không tự chủ được của cơ thể như mồ hôi, tiêu hóa, co – giãn mạch. Nếu hệ thần kinh này hoạt động sai lệch hoặc kém hiệu quả có thể khiến giãn mạch quá mức, gây tụt huyết áp, thường gặp nhất là những người mắc bệnh Parkinson.

– Rối loạn hormon: Các bệnh lý như tiểu đường, Addison ảnh hưởng đến việc sản xuất một số hormon trong cơ thể. Nồng độ hormon bị rối loạn cũng là một trong những nguyên nhân gây tụt huyết áp.

– Nhầm tưởng tín hiệu giữa tim và não: Khi bạn đứng quá lâu trong thời gian dài có thể gặp phải cơn tụt huyết áp bởi máu dồn một lượng lớn về chân có thể khiến não bộ nhầm tưởng rằng huyết áp tăng cao. Não sẽ chỉ huy tim đập chậm nhịp, làm huyết áp tiếp tục giảm xuống.

Những người làm công việc đòi hỏi đứng lâu trong thời gian dài dễ bị tụt huyết áp

– Chấn thương nặng hoặc bỏng nặng: Nếu bạn mất quá nhiều máu do chấn thương nghiêm trọng hoặc bỏng nặng có thể gây tụt huyết áp quá mức, dẫn tới sốc. Có nhiều trường hợp gồm:

+ Sốc nhiễm trùng hoặc nhiễm độc tố là do vi khuẩn tấn công thành mao mạch, gây chảy máu trong lòng mao mạch vào các mô xung quanh, kéo theo huyết áp giảm đáng kể.

+ Sốc phản vệ gặp trong trường hợp dị ứng, cơ thể sản sinh lượng lớn histamin, làm cho mạch máu giãn dẫn tới tụt huyết áp đột ngột.

+ Sốc trong đau tim do tim hoạt động sai lệch hoặc ngừng hoạt động, không đủ để cung cấp lượng máu cho cơ thể.

Nếu thường xuyên bị tụt huyết áp, bạn nên điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt của mình, đồng thời khám sức khỏe định kỳ để xác định các vấn đề tiềm ẩn khác để có biện pháp phòng ngừa và điều trị kịp thời.

Ds. Quỳnh Trâm

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

http://www.nhs.uk/Conditions/Blood-pressure-(low)/Pages/Causes.aspx

Viết bình luận