Bệnh mạch vành

Hẹp động mạch vành – Truy tìm nguyên nhân và cách điều trị

Ngày đăng: 20 Tháng Hai, 2021
5/5 - (2 bình chọn)

Hẹp động mạch vành là bệnh lý phát triển âm thầm trong nhiều thập kỷ, bạn thường không thể nhận thấy bất kể vấn đề nào cho đến khi cơn đau tim đầu tiên xuất hiện. Điều may mắn là chúng ta luôn có sẵn những giải pháp để ngăn chặn hẹp động mạch vành tiến triển và phòng ngừa biến chứng.      

Nguyên nhân gây hẹp động mạch vành      

Hẹp động mạch vành được bắt nguồn từ những tổn thương tại lớp bên trong của thành động mạch vành; dưới tác động của nhiều yếu tố như hút thuốc lá, huyết áp cao, bệnh tiểu đường… 

Khi thành trong động mạch bị tổn thương, cholesterol, bạch cầu, tiểu cầu và các chất thải trong máu có xu hướng tích tụ tại vị trí đó và hình thành nên mảng xơ vữa động mạch. Nếu bề mặt mảng xơ vữa bị nứt vỡ, các tiểu cầu sẽ tập trung lại tạo thành cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch, dẫn đến nhồi máu cơ tim.      

Mảng xơ vữa là nguyên nhân gây hẹp động mạch vành

Thang đánh giá mức độ nghiêm trọng của hẹp động mạch vành

Mức độ bệnh hẹp động mạch vành được đánh giá dựa trên tỷ lệ thu hẹp của đường kính mạch vành. Cụ thể như sau: 

Tỷ lệ tắc hẹp

Mức độ bệnh hẹp động mạch vành

1- 24%

Hẹp tối thiểu

25-49%

Hẹp nhẹ

50-69%

Hẹp vừa phải

70-99%

Hẹp nặng

100%

Tắc nghẽn hoàn toàn

Bảng phân loại mức độ tắc hẹp mạch vành

Các yếu tố nguy cơ gây hẹp động mạch vành  

Một số yếu tố nguy cơ góp phần làm phát triển bệnh hẹp động mạch vành là:

Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ động mạch bị tổn thương và thu hẹp càng tăng lên.

Giới tính: Nam giới có nguy cơ bị hẹp động mạch vành cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh ở phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh.  

Tiền sử gia đình: Nguy cơ cao nhất nếu cha, anh/em trai của bạn bị bệnh tim trước tuổi 55  hoặc nếu mẹ, chị/em gái của bạn phát hiện bệnh tim trước tuổi 65. 

Hút thuốc: Những người hút thuốc có nguy cơ cao bị hẹp động mạch vành. Hít phải khói thuốc từ môi trường cũng khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tương đương.   

Mỡ máu cao: LDL – cholesterol cao, triglycerid cao và HDL cholesterol thấp là yếu tố góp phần vào sự phát triển xơ vữa động mạch.   

– Huyết áp cao: Huyết áp tăng cao không được kiểm soát có thể khiến thành mạch máu trở nên xơ cứng, cản trở dòng máu lưu thông.

Căng thẳng quá độ: sẽ làm trầm trọng thêm các yếu tố nguy cơ khác của bệnh mạch vành như huyết áp cao, mỡ máu…

Ăn uống không lành mạnh: Ăn quá nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối và đường; lạm dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch vành.

– Mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ: góp phần làm tăng huyết áp và tăng áp lực trên hệ thống tim mạch.  

Các bệnh lý khác: như tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, béo phì…

Các triệu chứng của hẹp động mạch vành

Triệu chứng phổ biến nhất của hẹp động mạch vành là đau thắt ngực. Cơn đau được đặc trưng với cảm giác khó chịu ở ngực, căng tức, nặng nề như có vật nặng đè lên ngực hoặc đau nhói, bỏng rát như kim châm. Đôi khi, cơn đau có thể lan ra vai, cánh tay, cổ, lưng hoặc hàm trái.  

Một số triệu chứng đáng lưu ý khác của bệnh hẹp động mạch vành là:     

– Khó thở, hụt hơi.   

– Mệt mỏi

– Hoa mắt, chóng mặt

– Buồn nôn, nôn mửa, ợ nóng.

– Đổ mồ hôi lạnh.

– Tim đập nhanh: nhịp tim không đều, bỏ nhịp; nhịp tim nhanh hơn bình thường.

Biến chứng của hẹp động mạch vành

Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ và cục máu đông hình thành gây tắc nghẽn hoàn toàn động mạch tim. Tình trạng này kéo dài không được khắc phục sẽ khiến cơ tim bị hoại tử vĩnh viễn.

Suy tim: Một số vùng cơ tim bị thiếu oxy và chất dinh dưỡng trong nhiều năm, hoặc tim bị tổn thương sau nhồi máu sẽ trở nên suy yếu và không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể; tình trạng này được gọi là suy tim.   

Rối loạn nhịp tim: Tim không được cung cấp đủ máu hoặc tổn thương mô cơ tim có thể cản trở đường dẫn truyền của các xung điện trong tim, gây ra rối loạn nhịp tim bất thường.

Điều trị hẹp động mạch vành  

Thuốc điều trị hẹp động mạch vành

Người bệnh hẹp động mạch vành thường phải dùng nhiều hơn 1 loại thuốc để kiểm soát bệnh. Các nhóm thuốc thường được sử dụng là:

– Thuốc hạ mỡ máu: bao gồm nhiều nhóm như statin, niacin, fibrat, nhựa hấp thụ acid mật… giúp làm tăng lượng mỡ tốt HDL – cholesterol và giảm các loại mỡ xấu trong máu tham gia hình thành xơ vữa động mạch như LDL – choleterol máu, triglycerid…    

– Thuốc chống đông máu: thường dùng nhất là aspirin, clopidogrel có công dụng ngăn ngừa cục máu đông hình thành và phát triển gây biến chứng nhồi máu cơ tim.

 – Thuốc giãn mạch: như nhóm chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II… giúp làm giảm huyết áp, giảm đau thắt ngực và ngăn ngừa sự tiến triển của hẹp động mạch vành.   

– Thuốc chống loạn nhịp tim: như thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp và giảm nhu cầu oxy của cơ tim. Nếu bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim trước đó, thuốc chẹn beta còn giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát.

– Thuốc trị đau thắt ngực: như ranolazin, nitroglycerin… giúp kiểm soát cơn đau ngực bằng cách giãn động mạch vành, giảm nhu cầu oxy của tim.

Bên cạnh các thuốc điều trị chính, GS.TS Phạm Gia Khải – Nguyên Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam khuyến cáo người bệnh nên kết hợp bổ sung thêm những thảo dược có tác dụng giãn mạch, hạ huyết áp, chống đông máu và chống các gốc tự do như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Natto để ngăn ngừa xơ vữa động mạch tiến triển, phòng ngừa biến chứng cục máu đông hiệu quả.

Phẫu thuật

Nong mạch và đặt stent   

Bác sĩ sẽ luồn một ống thông dài, mảnh theo đường mạch máu đến vị trí mạch vành bị tắc hẹp. Sau đó, bóng nong ở đầu ống sẽ được bơm căng, nén các mảng xơ vữa lại để mở thông lòng mạch. Một stent (khung kim loại) sẽ được để lại trong động mạch để giữ cho động mạch luôn được mở rộng.

Nong mạch và đặt stent điều trị hẹp động mạch vành

Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Bác sĩ phẫu thuật sử dụng một đoạn mạch máu khỏe mạnh để tạo thành cầu nối bắc qua các động mạch vành bị tắc. Điều này cho phép máu chảy theo một con đường khác để nuôi dưỡng vùng cơ tim bị thiếu máu thay vì đi qua đoạn động mạch vành bị tắc. Phương pháp này đòi hỏi phải phẫu thuật tim hở, nên thường chỉ được dành cho những người có nhiều nhánh động mạch vành bị tắc hẹp.

Thay đổi lối sống

Duy trì lối sống lành mạnh được coi là phương pháp không dùng thuốc tốt nhất để điều trị hẹp động mạch vành. Do đó bạn cần:

– Bỏ thuốc lá: Hút thuốc là một yếu tố nguy cơ chính của bệnh hẹp động mạch vành, vì vậy nếu đang hút thuốc lá thì bạn cần từ bỏ ngay thói quen này, đồng thời tránh xa môi trường có khói thuốc lá. 

– Kiểm soát các yếu tố nguy cơ: Kiểm soát các chỉ số huyết áp, cholesterol máu, đường huyết… trong giới hạn bình thường để giảm nguy cơ xơ vữa động mạch tiến triển.  

– Ăn thực phẩm tốt cho tim mạch: Bổ sung nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại thịt trắng như cá tươi, hải sản, thịt gia cầm (đã loại bỏ da)… Hạn chế chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa có trong thịt đỏ, dầu mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần; cắt giảm muối và đường… 

– Tập luyện đều đặn: Bạn hãy dành ít nhất 150 phút luyện tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút cho các bài tập cường độ cao mỗi tuần.

– Duy trì cân nặng hợp lý: Chỉ cần giảm một vài kilogam trọng lượng cơ thể cũng có thể giúp bạn giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh hẹp động mạch vành.  

– Giảm căng thẳng: bằng các bài tập thư giãn cơ và hít thở sâu để giảm bớt áp lực cho tim.

Hãy bắt đầu thay đổi lối sống lành mạnh ngay từ hôm nay để ngăn ngừa hẹp động mạch vành và các biến chứng suy tim, nhồi máu cơ tim. Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên tái khám sức khỏe tim mạch định kì và liên hệ với bác sĩ nếu có bất kì triệu chứng khác thường nào xảy ra để kịp thời xử trí.

Xem thêm:

Phòng ngừa nhồi máu cơ tim: Bắt đầu từ lối sống!

Xơ vữa động mạch vành và những thông tin không thể bỏ qua

 

Dược sỹ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:  

https://radiopaedia.org/articles/coronary-artery-disease#:~:text=Coronary%20artery%20disease%20is%20primarily,reduction%20can%20lead%20to%20angina.

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/coronary-artery-disease/symptoms-causes/syc-20350613

Viết bình luận