Bệnh mạch vành

Đừng chủ quan với thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Ngày đăng: 14 Tháng Mười Hai, 2020
5/5 - (1 bình chọn)

Thiếu máu cơ tim (bệnh mạch vành) vốn được coi là bệnh của người cao tuổi nhưng thực tế có khoảng 4 – 10% người bệnh xuất hiện nhồi máu cơ tim trước tuổi 45. Đó cũng chính là lời cảnh báo cho những ai đang nghĩ rằng mình còn quá trẻ để bị thiếu máu cơ tim, bởi căn bệnh này có thể khởi phát từ khi bạn còn rất trẻ. Việc phòng ngừa thiếu máu cơ tim ở người trẻ nên bắt đầu sớm, trước khi các biến chứng phát triển.

Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Cũng như người cao tuổi, thiếu máu cơ tim ở người trẻ đa phần là do xơ vữa động mạch gây nên. Các vệt xơ vữa động mạch có thể xuất hiện ngay từ độ tuổi 15. Tuy nhiên, có khoảng 20% người trẻ ​bị thiếu máu cơ tim không liên quan đến xơ vữa động mạch mà do những nguyên nhân khác như dị dạng động mạch vành, rối loạn mô liên kết và các bệnh tự miễn… Thống kê cho thấy:  

– 4% các cơn đau tim ở người trẻ được khởi phát từ những bất thường bẩm sinh về cấu trúc động mạch vành.

– 5% có thể là do cục máu đông từ nơi khác di chuyển theo dòng máu đến các động mạch vành gây tắc nghẽn.

– 6% còn lại là do các nguyên nhân khác như co thắt hoặc viêm động mạch vành, xạ trị cho các khối u ở ngực, chấn thương ngực và lạm dụng chất kích thích như cocaine, amphetamine hoặc tác dụng phụ của các loại thuốc khác.   

Thiếu máu cơ tim ở người trẻ là tình trạng không thể chủ quan

Yếu tố nguy cơ gây thiếu máu cơ tim      

Mỡ máu cao là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của thiếu máu cơ tim ở người trẻ. Bên cạnh đó, 3 yếu tố nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường và hút thuốc lá cũng có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của bệnh. Bạn có biết:   

– Hút 10 điếu thuốc mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim lên 50%.

– Mỗi 30 mg/dL cholesterol LDL tăng lên sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tới 50%.

– Mỗi 10 mmHg huyết áp tâm thu tăng lên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh 30%.

– Mỗi 15 mg/dL đường máu tăng lên sẽ làm tăng nguy cơ ​​xơ vữa động mạch 20%.      

Quản lý yếu tố nguy cơ có ý nghĩa quan trọng giúp phòng ngừa và điều trị bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ được hiệu quả hơn.      

Triệu chứng bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ cũng gây ra các triệu chứng tương tự như ở người cao tuổi, bao gồm:

– Đau thắt ngực, nhói ở ngực, khó chịu vùng ngực.

– Mệt mỏi.

– Đánh trống ngực.

– Chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu.

– Vã mồ hôi.

Bệnh thiếu máu cơ tim ở người trẻ nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù tỷ lệ tử vong do thiếu máu cơ tim đã giảm trong thời gian gần đây nhưng căn bệnh này vẫn là “thủ phạm” gây tử vong hàng đầu ở người trưởng thành. Một nghiên cứu về 126 ca tử vong đột ngột ở người trẻ từ 18 – 35 tuổi tại Mỹ cho thấy, 28% là do xơ vữa động mạch vành, 33% do bất thường bẩm sinh động mạch vành, 20% do viêm cơ tim và 13% do bất thường cấu trúc của cơ tim.      

Với tâm lý chỉ chủ quan, dễ bỏ qua những triệu chứng bệnh và thói quen sống thiếu khoa học, người trẻ sẽ phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm do thiếu máu cơ tim gây ra như nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim…    

Phòng ngừa và điều trị thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Rèn luyện thói quen sống khoa học

Mặc dù thay đổi lối sống là vấn đề không hề đơn giản ở người trẻ tuổi, nhưng bạn hãy có ý thức phòng bệnh từ sớm bằng cách rèn luyện những thói quen sống khoa học, chẳng hạn như:

– Cắt giảm các thực phẩm chứa nhiều chất béo, ăn nhạt hơn và tăng cường ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên cám…

– Tăng cường luyện tập thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe tim mạch, cải thiện lưu thông tuần hoàn máu đến nuôi tim.

– Bỏ hút thuốc lá; tuyệt đối không sử dụng các chất kích thích như cocain, ma túy…

– Khám sức khỏe tim mạch định kì ít nhất mỗi năm 1 lần.

– Ngủ đủ giấc, không thức khuya; sắp xếp công việc và thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh để căng thẳng, gắng sức.

Từ bỏ thuốc lá để giảm thiểu nguy cơ thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Sử dụng thuốc

Với người bệnh thiếu máu cơ tim đã xuất hiện triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định cho họ một số loại thuốc, chẳng hạn như:

– Thuốc chẹn beta: giúp hạ huyết áp và làm chậm nhịp tim nhanh.

– Thuốc ức chế men chuyển: giúp hạ huyết áp và tăng khả năng co bóp của tim.

– Thuốc chẹn kênh canxi: giúp cải thiện chỉ số huyết áp, giảm khối lượng công việc cho tim.

– Thuốc chống đông máu: dùng để phòng ngừa biến chứng do cục máu đông gây ra.

Để tăng hiệu quả kiểm soát triệu chứng và hạn chế tác dụng phụ của thuốc tây khi dùng dài ngày, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc cùng những thảo dược có tác dụng giãn mạch, hoạt huyết, tăng cường tưới máu cho tim và ngăn ngừa cục máu đông như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Natto… Đây cũng là giải pháp phòng ngừa biến chứng an toàn và hiệu quả cho người trẻ bị thiếu máu cơ tim. 

Phẫu thuật

Theo các chuyên gia Tim mạch, nếu thực hiện phẫu thuật tim quá sớm ở người trẻ thì tiên lượng thường sẽ rất xấu về sau. Do đó, phẫu thuật chỉ được tiến hành khi áp dụng các giải pháp khác không còn hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật đang được áp dụng phổ biến hiện nay là nong mạch, đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Nếu có rối loạn nhịp tim, người bệnh sẽ được chỉ định đặt máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp tim.

Một thống kê cho thấy, 30% nam giới bị đau tim ở độ tuổi 36 đã chết trong vòng 15 năm. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn về mức độ nguy hiểm của thiếu máu cơ tim ở người trẻ và tích cực thay đổi lối sống để ngăn chặn mọi rủi ro trước khi quá muộn. 

Xem thêm:

Thiếu máu cơ tim nên ăn gì, kiêng ăn gì để ngăn ngừa cơn đau thắt ngực?

Bài thuốc đông y với 7 vị thảo dược quý

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.health.harvard.edu/heart-health/premature-heart-disease#:~:text=Conventional%20coronary%20artery%20disease%20also,in%20two%20or%20three%20arteriessv.

Viết bình luận