Huyết áp thấp và thiếu máu não

Điều trị và phòng ngừa huyết áp thấp khi mang thai

Ngày đăng: 26 Tháng Mười, 2016
5/5 - (3 bình chọn)

Huyết áp thấp xảy ra khá phổ biến trong ba tháng đầu của thai kỳ, nhưng rất nhiều phụ nữ mang thai khi gặp phải tình trạng này đều cảm thấy lúng túng không biết làm thế nào cho đúng. Bởi vì, khi đã mang thai thì việc dùng thuốc cần phải cân nhắc rất kỹ lưỡng. Dưới đây là những điều bạn cần biết khi bị huyết áp thấp trong thời kỳ mang thai.

Phụ nữ mang thai được coi là huyết áp thấp khi nào?

Với người bình thường, chỉ số huyết áp tâm thu (chỉ số trên) dao động quanh mức 120 mmHg và chỉ số huyết áp tâm trương (chỉ số dưới) là mức 80 mmHg. Phụ nữ mang thai được coi là huyết áp thấp khi huyết áp tâm thu giảm từ 5 – 10mmHg hoặc/và huyết áp tâm trương giảm khoảng 10 – 15mmHg. Mặc dù thường xảy ra ở đầu thai kỳ, nhưng huyết áp thấp không phải là dấu hiệu phụ nữ đã mang thai.

Bảng phân loại mức độ nghiêm trọng của huyết áp thấp trong thời kỳ mang thai

Mức độ

Huyết áp tâm thu

Huyết áp tâm trương

Nhẹ

90-115 mmHg

60-70 mmHg

Trung bình

60-90 mmHg

40-60 mmHg

Nghiệm trọng

50-60 mmHg

33-40 mmHg

Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp ở phụ nữ có thai

Khi bắt đầu mang thai, số lượng mạch máu trong cơ thể người phụ nữ sẽ được tăng lên nhanh chóng để đáp ứng đầy đủ nhu cầu oxy và các chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi. Bên cạnh đó, lượng hormon trong cơ thể cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là suy giảm estrogen – một hormon ảnh hưởng rất nhiều đến huyết áp của phụ nữ. Ngoài ra thì thiếu hụt acid folic hoặc vitamin B12 cũng có thể dẫn đến thiếu máu và gây ra tình trạng huyết áp thấp.

Các dấu hiệu của huyết áp thấp khi mang thai

Phụ nữ gặp phải tình trạng huyết áp thấp khi mang thai thường xuất hiện các triệu chứng sau:

– Hoa mắt, chóng mặt, đầu óc quay cuồng (đặc biệt khi thay đổi tư thế từ nằm hoặc ngồi sang đứng)

– Mờ mắt, khó tập trung

– Buồn nôn, nôn mửa, khát nước trầm trọng

– Da xanh xao, tay chân lạnh

– Mệt mỏi, nhịp tim nhanh

– Ngất xỉu

Hoa mắt, chóng mặt – Dấu hiệu hạ huyết áp thai kỳ

Ngăn ngừa và điều trị huyết áp thấp khi mang thai

Huyết áp thấp khi mang thai dễ gây té ngã do choáng váng và ngất xỉu, điều này có thể ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và bé. Một số nghiên cứu còn cho thấy nó làm tăng nguy cơ gây sinh con nhẹ cân và thai chết lưu. Thông thường chỉ số huyết áp sẽ trở về mức bình thường sau khi sinh, tuy nhiên việc phòng ngừa và điều trị vẫn là rất cần thiết. Để làm được điều này, bạn có thể thực hiện theo những lời khuyên dưới đây:

– Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày: Thay vì 3 bữa như bình thường thì bạn có thể tăng lên 6-7 bữa với lượng thức ăn nhỏ hơn. Việc này cũng có thể giúp bạn hạn chế tình trạng tụt huyết áp sau ăn.

– Uống nhiều nước hơn: Nước làm tăng lưu lượng tuần hoàn, nhờ vậy làm tăng huyết áp.

– Bổ sung đầy đủ sắt, vitamin và acid folic ngay từ đầu thai kỳ: Sắt, vitamin và acid folic là các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tạo máu, có thể cải thiện dáng kể tình trạng huyết áp thấp do thiếu máu.

– Đeo tất nén ở chân: Một số loại tất nén ở chân có thể tránh cho máu dồn lại ở vị trí này – nguyên nhân gây hạ huyết áp ở phần trên của cơ thể.

– Không nằm ngửa mà nên nằm nghiêng sang bên trái, đặc biệt từ tuần thai thứ 16 trở đi: Điều này có thể giúp máu phân bố đều hơn đến tất cả các cơ quan.

– Không thay đổi tư thế đột ngột, đặc biệt là đứng lên, hạn chế đứng trong thời gian dài, ăn xong nên ngồi nghỉ khoảng 30 phút – 1 giờ và tránh các công việc vất vả nhằm hạn chế nguy  cơ xuất hiện các cơn tụt huyết áp đến bất ngờ.

Uống nhiều nước giúp phòng ngừa và giảm thiểu huyết áp thấp khi mang thai

Thuốc điều trị huyết áp thấp thường rất hạn chế sử dụng cho phụ nữ có thai bởi vì các nhà khoa học vẫn chưa biết liệu nó có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Tuy nhiên, những trường hợp huyết áp thấp ở mức độ nghiêm trọng, các bác sĩ vẫn có thể cân nhắc để người bệnh sử dụng.

Bạn cần đến ngay tới các cơ sở y tế nếu gặp phải các triệu chứng của huyết áp thấp ở mức nghiêm trọng như: cảm giác muốn ngất xỉu tăng dần theo thời gian, đau đầu nặng, thay đổi thị lực, buồn nôn, khó thở, tức ngực, tê nửa người…

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Trích nguồn: http://www.pregmed.org/low-blood-pressure-during-pregnancy.htm

Viết bình luận