Bệnh mạch vành

Đau tức ngực – Dấu hiệu bệnh tim chớ nên chủ quan

Ngày đăng: 13 Tháng Hai, 2018
5/5 - (12 bình chọn)

Bạn vừa trải qua một cơn đau tức ngực? Bạn hoang mang không hiểu nguyên nhân vì đâu? Chớ coi thường, bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề bất thường của cơ thể. Hãy theo dõi và phát hiện sớm để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đau tức ngực là bệnh gì?

Khi bị đau tức ngực, dấu chấm hỏi đầu tiên đặt ra trong đầu chúng ta đó chính là nguyên nhân do đâu? 8 lý do dưới đây chính là gợi ý cho bạn:

Đau tức ngực do bệnh tim

Ngoài cảm giác nặng nề như có vật gì đè lên ngực, đau tức ngực do bệnh tim có thể đi kèm với một số cảm giác như khó thở, toát mồ hôi lạnh, chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn mửa… Các bệnh lý tim mạch bạn có thể nghi ngờ đó là:

Bệnh mạch vành: thường gây đau tức ngực trái do sự có mặt của mảng xơ vữa động mạch hoặc mạch vành co thắt làm tắc nghẽn dòng máu tới nuôi tim.

Nhồi máu cơ tim: là tình trạng dòng máu tới nuôi dưỡng bị “chặn đứng” hoàn toàn, gây hoại tử cơ tim.

– Phình tách động mạch chủ: thường gây đau tức giữa ngực trước hoặc sau tùy vào vị trí bị phình tách, đây là tình trạng đe dọa tính mạng cần được cấp cứu kịp thời.

– Viêm màng ngoài tim: Cơn đau ngực thường trở nên dữ dội khi bạn hít vào hoặc nằm xuống

– Viêm cơ tim: Đau tức ngực thường kèm theo khó thở, ứ dịch ở chân gây phù, có thể xuất hiện sốt ở trẻ em…

– Bệnh van tim: bao gồm cả hẹp và/hoặc hở van 2 lá, van 3 lá, van động mạch chủ và van động mạch phổi, mức độ cơn đau thường tăng lên khi gắng sức nhiều.

Xem thêm:

Tổng quan về bệnh mạch vành

Nhận diện 3 loại bệnh van tim và hướng điều trị hiệu quả

Nếu bạn bị đau tức ngực do bệnh lý tim mạch cần được tư vấn về giải pháp điều trị hiệu quả, hãy gọi cho chúng tôi theo số điện thoại 024.3775.9051 (trong giờ hành chính).

Bệnh đường tiêu hóa

Đau tức ngực có thể là dấu hiệu của một số bệnh đường tiêu hóa như trào ngược dạ dày – thực quản, viêm loét dạ dày, viêm túi mật… nếu có kèm theo các triệu chứng như ợ nóng, khó nuốt, buồn nôn…

Bệnh cơ và xương, khớp

Đôi khi đau tức ngực có thể khởi phát bởi các chấn thương và vấn đề về cấu trúc thành ngực của bạn, chẳng hạn như viêm sụn sườn, đau cơ ngực, dị dạng lồng ngực…

Bệnh phổi

Nhiều bệnh lý ở phổi cũng có thể gây đau tức ngực, bao gồm thuyên tắc phổi, tăng áp động mạch phổi, tràn dịch màng phổi, phù phổi cấp…

Rối loạn thần kinh tim

Đau tức ngực do rối loạn thần kinh tim thường khởi phát khi bạn gặp phải sang chấn tâm lý (căng thẳng, lo lắng, hoảng sợ quá mức) và kèm theo các triệu chứng khác như tim đập nhanh, thở dốc, hồi hộp…

Cách chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau tức ngực

Để xác định căn nguyên gây ra cơn đau tức ngực của bạn, bác sỹ có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:

– Điện tâm đồ

– Xét nghiệm máu

– Chụp X- quang ngực

– Chụp cắt lớp vi tính

– Siêu âm tim – phổi

– Nghiệm pháp gắng sức

– Chụp động mạch vành

Cách chữa đau tức ngực

Việc điều trị đau tức ngực bằng phương pháp nào còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Dưới đây là một số cách chữa thông dụng nhất:

Điều trị đau tức ngực bằng thuốc

Tùy thuộc tình trạng bệnh, bác sỹ sẽ chỉ định một số loại thuốc cho bạn để kiểm soát cơn đau ngực như:

– Thuốc giãn mạch

– Thuốc tan huyết khối

– Thuốc làm loãng máu

– Thuốc giảm acid dịch vị

– Thuốc chống trầm cảm

Thuốc trị đau tức ngực được chỉ định tùy thuộc nguyên nhân gây đau

Phẫu thuật điều trị đau tức ngực

Khi điều trị bằng thuốc tây không đỡ và người bệnh có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm, phẫu thuật sẽ được tiến hành, các phương pháp có thể khác nhau tùy từng trường hợp:

– Trong bệnh tim mạch: nong mạch và đặt stent mạch vành; bắc cầu động mạch vành; đặt stent động mạch chủ bị phình tách; sửa chữa/thay thế van tim bị hẹp hoặc hở…

– Trong bệnh đường hô hấp: đặt ống dẫn lưu khí và dịch ở phổi khi có tràn dịch, phù phổi…

Thực hiện lối sống khoa học – giải pháp kiểm soát đau tức ngực dài hạn

Dù nguyên nhân gây ra đau tức ngực là gì, việc duy trì một lối sống khoa học cũng sẽ giúp bạn giảm nhẹ cơn đau. Bạn cần chú ý:

– Bỏ thuốc lá, tránh xa các chất kích thích có trong rượu bia, cà phê, nước tăng lực…

– Duy trì cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn kiêng chất béo, tinh bột, đường… bổ sung nhiều rau xanh, trái cây kết hợp với luyện tập thể dục thể thao đều đặn 30 phút mỗi ngày.

– Xây dựng kế hoạch học tập, làm việc khoa học: tránh thức khuya, làm việc gắng sức, căng thẳng nhiều…

– Tránh để cơ thể bị nhiễm lạnh để phòng các bệnh lý đường hô hấp.

Đừng chủ quan khi cơ thể bỗng dưng xuất hiện những cơn đau thắt ngực bất thường, bởi đó có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng bệnh lý nguy cấp cần xử trí sớm. Hãy bắt đầu thực hiện lối sống khoa học ngay từ hôm nay để ngăn ngừa cơn đau tức ngực có thể tái phát về sau.

Ds. Lê Lương

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chest-pain/symptoms-causes/syc-20370838

https://www.medicinenet.com/chest_pain/article.html

Viết bình luận