Bệnh mạch vành

Nhận diện 3 loại bệnh van tim và hướng điều trị hiệu quả

Ngày đăng: 27 Tháng Tư, 2017
5/5 - (10 bình chọn)

Bệnh van tim có nhiều dạng như hẹp van tim, hở van tim, sa van tim… là những dạng bệnh tim bẩm sinh thường gặp. Nếu phát hiện sớm bệnh van tim, người bệnh sẽ được điều trị một cách hiệu quả, ngăn ngừa biến chứng và nguy cơ phát triển các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, suy tim…

Van tim và vai trò của van tim

Van tim ví như “cánh cửa” có thể đóng mở được và cho phép dòng chảy của máu đi theo một chiều duy nhất. Trái tim của chúng ta có 4 van:

– Van ba lá: nằm giữa tâm nhĩ phải (buồng tim trên, bên phải) và tâm thất phải (buồng tim dưới, bên phải).

– Van động mạch phổi: nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi

– Van hai lá: nằm giữa tâm nhĩ trái (buồng tim trên, bên trái) và tâm thất trái (buồng tim dưới, bên trái).

– Van động mạch chủ: nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ

Bệnh van tim có thể xuất hiện ở bất kỳ van tim nào

Bệnh van tim là gì?

Bệnh van tim là tình trạng van tim đóng và/ hoặc mở không đúng cách, có thể xảy ra ở 1 hoặc nhiều van tim. Một số người bệnh có thể không có triệu chứng nào, trong khi rất nhiều trường hợp khác gặp phải tình trạng đột quỵ, nhồi máu cơ tim, huyết khối… nếu không được điều trị.

3 dạng bệnh van tim thường gặp

Sa van hai lá

Van hai lá không đóng đúng cách, các lá van phồng (sa) trở lại tâm nhĩ khiến máu chảy ngược lại tâm nhĩ trái. Đa số người bệnh mắc loại bệnh van tim này không có triệu chứng và không cần điều trị. Người bệnh sa van hai lá cần được điều trị khi có các triệu chứng tim đập nhanh, khó thở, tức ngực, mệt mỏi, ho…

Hẹp van tim

Là tình trạng van tim không thể mở hoàn toàn, gây cản trở dòng máu đi qua van tim. Hẹp van tim có thể gặp ở bất kỳ van tim nào. Các triệu chứng của loại bệnh van tim này bao gồm tức ngực, khó thở, mệt mỏi, chóng mặt, ngất xỉu… Một số người bệnh không xuất hiện triệu chứng thì không cần điều trị, khi bệnh tiến triển nặng lên cùng với các triệu chứng nghiêm trọng cần phải phẫu thuật để nong van tim, thay thế van tim hoặc sửa van tim.

Hở van tim

Là tình trạng van tim không khép kín khiến máu có thể bị trào ngược lại, làm giảm lượng máu được bơm qua van. Cơ thể thường đáp ứng lại bằng cách khiến tim đập nhanh hơn, ngoài ra, người bệnh còn bị khó thở, ho, mệt mỏi, phù chân, mắt cá chân.

Tùy thuộc vào vị trí van bị hở mà người bệnh sẽ cần phải điều trị hoặc chỉ cần theo dõi sức khỏe. Nếu bị phù, người bệnh cần được điều trị để ngăn ngừa tích nước, sửa van tim hoặc thay thế van tim nếu bệnh van tim nặng.

Các triệu chứng của bệnh van tim

Các triệu chứng của bệnh van tim tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh. Những người bệnh ở giai đoạn nhẹ thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng.

Những triệu chứng thường gặp ở người bệnh van tim là:

– Khó thó, mệt mỏi, đau đầu

– Tim đập nhanh, hồi hộp, trống ngực, đau tức ngực

– Chóng mặt, ngất xỉu…

– Ứ dịch ở phổi gây ho, một số trường hợp có thể ho ra bọt màu hồng

– Tích nước ở các chi dẫn đến phù bàn chân, mắt cá chân, bụng cổ chướng

Đau ngực – triệu chứng cảnh báo bệnh van tim

Nguyên nhân gây bệnh van tim

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bệnh van tim, bao gồm: dị tật tim bẩm sinh, viêm nội tâm mạc, sốt thấp khớp – biến chứng từ nhiễm trùng do vi khuẩn Streptococcus nhóm A, lão hóa gây thoái hóa van hoặc lắng đọng canxi tại các lá van, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, tăng huyết áp, bệnh lupus….

Chấn đoán bệnh van tim

Nếu có các triệu chứng của bệnh van tim, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán chính xác. Bác sỹ sẽ nghe tim của người bệnh để phát hiện tiếng thổi tim nếu có. Đồng thời, kiểm tra chân, bụng của người bệnh xem có biểu hiện tích nước hay không.

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bác sỹ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm sau: điện tâm đồ ECG, siêu âm tim, chụp X – quang, chụp cộng hưởng, nghiệm pháp gắng sức kiểm tra tim khi người bệnh vận động…

Các phương pháp điều trị bệnh van tim

Thuốc điều trị bệnh van tim

– Thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi giúp làm giảm áp lực lên tim, giảm nhịp tim và hạ huyết áp

– Thuốc lợi tiểu chống phù nề, cổ trướng

– Thuốc giãn mạch giúp làm giảm đau thắt ngực như các loại thuốc thuộc nhóm nitrates.

Điều trị bệnh van tim bằng phẫu thuật

Phẫu thuật sửa hoặc thay thế van tim được chỉ định khi người bệnh có các triệu chứng nặng của bệnh van tim hoặc việc điều trị bằng thuốc không có hiệu quả. Các phương pháp phẫu thuật có thể được tiến hành bao gồm:

– Sử dụng mô tế bào ở vùng khác trong cơ thể để sửa van tim

– Sử dụng van tim của động vật hoặc từ nguồn hiến tạng để thay cho người bệnh

– Sử dụng van nhân tạo bằng nhựa hoặc các vật liệu dẻo để thay thế.

Một số trường hợp có thể áp dụng biện pháp nong van bằng ống thông, giúp van giãn nở và máu qua van được thuận lợi hơn.

Thay đổi lối sống

Người bệnh cần thay đổi lối sống lành mạnh hơn để ngăn ngừa bệnh van tim tiến triển thành nhồi máu cơ tim hoặc suy tim… Những lưu ý mà người bệnh cần nhớ là:

– Thường xuyên theo dõi sức khỏe tim mạch tại chuyên khoa tim mạch

– Bỏ hút thuốc, hạn chế rượu bia…

– Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh: hạn chế ăn nhiều muối, thực phẩm chứa nhiều chất béo; tăng cường ăn nhiều rau xanh, chất xơ…

– Giữ gìn vệ sinh răng miệng

– Giữ ấm cơ thể, tránh để mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm amidan…

Ds. Lan Chi

Tham khảo: http://www.healthline.com/health/heart/valve-disorders#overview

Viết bình luận