Sáng ngày 13/12/2020, tại khoa Tâm thần, bệnh viện Nhi Trung Ương đã diễn ra buổi họp mặt các gia đình trẻ tăng động giảm chú ý với sự tham gia của trên 50 phụ huynh. Cũng tại đây, các bác sĩ đã có những chia sẻ về sự khó khăn mà trẻ tăng động giảm chú ý thường xuyên gặp phải, từ đó hướng dẫn cha mẹ cách khắc phục hiệu quả trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con.
Mở đầu chương trình, GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc bệnh viện Nhi Trung Ương chia sẻ rằng, trong những năm qua, số lượng trẻ đến khám tại viện Nhi Trung Ương và được chẩn đoán tăng động giảm chú ý ngày càng gia tăng. Tại khoa Tâm thần trung bình một ngày các bác sĩ có thể tiếp nhận từ 20 – 25 trẻ tăng động. Và tất cả các bé này đều cần được can thiệp, điều trị sớm tránh ảnh hưởng đến việc học tập, tâm lý, cũng như tương lai của trẻ.
GS.TS Lê Thanh Hải – Giám đốc bệnh viện Nhi Trung Ương khai mạc buổi họp mặt
Tiếp theo đó là những chia sẻ rất tâm huyết, cụ thể từ các bác sĩ giỏi, giàu kinh nghiệm của khoa Tâm thần về chứng tăng động giảm chú ý, những khó khăn thường gặp và hướng dẫn cách hỗ trợ ngôn ngữ, học tập cho trẻ.
Theo bác sĩ Vũ Ngân Quỳnh, tăng động giảm chú ý là một rối loạn thần kinh thường gặp ở trẻ, đặc trưng bởi sự phát triển không phù hợp ở cả ba lĩnh vực: giảm tập trung, tăng hoạt động và xung động. Các biểu hiện này thay đổi theo độ tuổi, giới tính, chẳng hạn các bé trai thường hiếu động quá mức trong khi các bé gái có xu hướng kém chú ý. Hay ở độ tuổi mầm non (3 – 5 tuổi) trẻ thường có biểu hiện tăng động nhiều, đến thời đi học (6 – 12 tuổi) là giai đoạn mà trẻ có cả sự kém tập trung và nghịch ngợm, bốc đồng. Càng lớn dần, các triệu chứng về tăng động có thể giảm bớt, nhưng sự mất tập trung, chú ý lại trở nên trầm trọng hơn.
Chứng bệnh này nếu không được kiểm soát tốt có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý của trẻ, gây lo âu, dễ thất vọng, lòng tự trọng thấp,… Không chỉ vậy, trẻ còn gặp nhiều khó khăn trong học tập, xây dựng các mối quan hệ xã hội, công việc trong tương lai. Nhiều trẻ tăng động khi trưởng thành dễ xa ngã vào các tệ nạn xã hội như hút thuốc, lạm dụng ma túy, bạo lực, đua xe, gây tai nạn giao thông,…
BS:Vũ Ngân Quỳnh chia sẻ về những khó khăn trẻ tăng động thường gặp phải
Bởi vậy, cha mẹ cần có những biện pháp tích cực để giúp con kiểm soát hành vi, cảm xúc, nâng cao sự tập trung chú ý và phát triển những tiềm năng vốn có. Theo BS. Vũ Ngân Quỳnh, cách tốt nhất để hỗ trợ trẻ đó là:
– Thường xuyên khen ngợi khi con làm được việc tốt và đưa ra những hình phạt thích đáng khi con có hành vi sai trái.
– Đưa ra những chỉ dẫn cụ thể, chi tiết, chia mỗi công việc thành nhiều bước nhỏ, để giúp trẻ dễ hiểu và thực hiện tốt hơn.
– Thiết lập một kế hoạch công việc hàng ngày của trẻ thật chi tiết, cụ thể và yêu cầu trẻ nghiêm túc thực hiện theo.
– Hạn định thời gian cho mỗi nhiệm vụ của trẻ là khoảng 10 – 15 phút. Và sau khi đã hoàn thành nên cho con được thư giãn khoảng 2 – 3 phút trước khi bắt đầu một nhiệm vụ mới.
Phụ huynh chăm chú lắng nghe chia sẻ của các bác sĩ
Có thể cha mẹ quan tâm:
Hướng dẫn cách dạy trẻ tăng động giảm chú ý qua các tình huống cụ thể
Giải pháp thảo dược hàng đầu cho trẻ tăng động giảm chú ý
Thống kê cho thấy, khoảng 50 – 70% trẻ tăng động giảm chú ý có các vấn đề về ngôn ngữ như chậm nói, nói ngọng, nói lắp, vốn từ vựng ít, khó diễn tả ý nghĩ, mong muốn của mình.… và dễ gặp thất bại trong học tập cao gấp 2 – 3 lần so với nhóm trẻ khác.
Bởi vậy, tại buổi họp mặt gia đình trẻ tăng động giảm chú ý lần này, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thúy cũng đã giúp phụ huynh hiểu rõ hơn về vấn đề ngôn ngữ, năng lực trí tuệ và những khó khăn trong học tập của trẻ, đồng thời hướng dẫn cha mẹ cách khắc phục hiệu quả.
BS. Nguyễn Thị Hồng Thúy chia sẻ về những khó khăn trong giao tiếp, học tập của trẻ
Theo bác sĩ, để cải thiện kĩ năng ngôn ngữ cho con, cha mẹ nên luyện phát âm đúng chuẩn bằng cách nhắc nhở khi con nói sai, đồng thời thường xuyên kể chuyện, đọc sách cho con và yêu cầu trẻ kể lại cho người khác nghe để tăng vốn từ vựng. Cha mẹ cũng nên duy trì và hướng dẫn trẻ cách kể chuyện theo một trình tự cụ thể từ mở đầu, diễn biến đến kết thúc. Đồng thời, giúp trẻ sử dụng ngôn ngữ cơ thể, cảm xúc trong các tình huống giao tiếp và thường xuyên có những buổi thảo luận về các vấn đề trong cuộc sống để cùng nhau tìm hướng giải quyết tốt nhất.
BS. Nguyễn Thị Hồng Thúy cũng chia sẻ rằng, mỗi trẻ tăng động sẽ thích hợp với cách học khác nhau, bao gồm:
– Kiểu học thị giác: Trẻ thích học bằng cách nhìn, xem xét, quan sát, bởi vậy cha mẹ nên sử dụng tranh ảnh, ký hiệu, biểu tượng, giấy dán, màu sắc, bản đồ tư duy,… để làm nổi bật những kiến thức trẻ cần ghi nhớ.
– Kiểu học thính giác: Trẻ học tốt hơn bằng việc nghe và giao tiếp với người khác. Với những trường hợp này cha mẹ, thầy cô nên sắp xếp cho trẻ ngồi học ở những nơi yên tĩnh, tránh mọi tiếng ồn, tránh xa cửa sổ, cửa ra vào và thường xuyên có sự hướng dẫn bằng lời nói để trẻ tập trung, ghi nhớ tốt hơn.
– Kiểu học vận động: Trẻ học tập tốt hơn khi được thực hành, do đó cha mẹ nên cho trẻ học thông qua các trò chơi vận động, đóng vai, tham quan trải nghiệm thực tế. Và khi ngồi học, để giúp trẻ tập trung cha mẹ có thể cho trẻ ngồi trên ghế xoay, bóp một quả bóng nhỏ,…
BS. Nguyễn Thị Hồng Thúy hướng dẫn cha mẹ cách hỗ trợ ngôn ngữ, học tập cho con
Những chia sẻ tận tình của BS. Vũ Ngân Quỳnh và BS. Nguyễn Thị Hồng Thúy đã phần nào giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về những khó khăn mà trẻ tăng động giảm chú ý gặp phải, từ đó có định hướng đúng đắn hơn trong việc chăm sóc, nuôi dạy, điều trị tích cực giúp con yêu mau chóng thoát khỏi chứng bệnh này.
Buổi họp mặt gia đình trẻ tăng động giảm chú ý thường niên này chính là cầu nối giữa phụ huynh và các y bác sĩ. Tại đây cũng đã có rất nhiều phụ huynh trải lòng về những khó khăn, kinh nghiệm của chính bản thân mình trong suốt hành trình tìm cách trị tăng động giảm chú ý cho con. Và mọi thắc mắc của các bậc phụ huynh về cách nuôi dạy, chăm sóc, điều trị tăng động cũng được các bác sĩ tận tình giải đáp chi tiết.
Một phụ huynh trải lòng về những khó khăn trong nuôi dạy con
Hi vọng rằng khi được trang bị kiến thức đầy đủ, phụ huynh sẽ từ hoang mang, lo lắng mà trở nên mạnh mẽ, dũng cảm đối mặt với bệnh tình của con và lựa chọn được giải pháp tốt nhất giúp con yêu cải thiện chứng tăng động giảm chú ý hiệu quả.
Cao Thủy
Tin liên quan
Viết bình luận