Bệnh tăng động

Bệnh tăng động giảm chú ý – cha mẹ làm sao để nhận biết?

Ngày đăng: 22 Tháng Mười, 2016
4.8/5 - (6 bình chọn)

Trẻ con luôn luôn hiếu động. Tuy nhiên, điều quan trọng là hiếu động ở mức nào thì được coi là bình thường, còn mức nào thì bị coi là rối loạn tâm lý, tăng động giảm chú ý.

Các bậc cha mẹ thường thiếu kiến thức về chứng bệnh tăng động giảm chú ý ở trẻ em, có những đứa trẻ quá hiếu động, không bao giờ ngồi yên tập trung làm gì nhưng bố mẹ lại nghĩ đó là điều rất bình thường mà không đưa con đi kiểm tra. 

Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường bị nhầm lẫn với hiếu động

Tăng động giảm chú ý (Attention deficit hyperactivity disorderm – ADHD) là một trong những rối loạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường hiếu động quá mức và khả năng tập trung kém nên dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Theo như ý kiến chuyên gia, trẻ bị tăng động giảm chú ý thường có những biểu hiện sau:

Hiếu động quá mức

Dường như trẻ có một chiếc “động cơ luôn hoạt động” ở trong người. Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ mà thường chạy nhảy liên tục không biết mệt. Chúng sẽ cố gắng đứng lên và chạy xung quanh, hoặc khi buộc phải ngồi xuống thì chúng cũng không ngừng cựa quây, làm ồn.

Ví dụ:  khi ở nhà, những đứa trẻ này không chịu ngồi yên, hết chạy nơi này đến nơi khác, chúng không có cảm giác mệt, leo trèo khắp nơi từ cử sổ đến lan can mà không màng đến lời dọa nạt của người lớn, không biết đến nguy hiểm. Yêu cầu những đứa trẻ này ngồi yên một lúc là cả một vấn đề.

Trẻ bị ADHD thường hiếu động quá mức

Khả năng tập trung rất kém

Khả năng tập trung của trẻ bị tăng động giảm chú ý rất kém. Thật khó mà bắt chúng lắng nghe, làm theo hướng dẫn hoặc làm một việc gì đó trọn vẹn. Những đứa trẻ này thường có xu hướng chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác.

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể thích thú với rất nhiều thứ, nhưng không theo những thứ đó đến tận cùng. Thường thì trẻ sẽ bắt đầu một dự án, hay một công việc hoặc bài tập về nhà, nhưng bỏ dở giữa chừng và quay sang thứ khác thu hút sự chú ý của chúng.

Trẻ mắc chứng này sẽ gặp khó khăn trong việc chú ý ngay cả khi đang bị người lớn nhắc nhở. Trẻ nói là đang nghe lời bạn, nhưng khi được yêu cầu lặp lại lời của bạn, trẻ sẽ không biết nói gì.

Điều quan trọng là trẻ bị tăng động giảm chú ý không hề kém thông minh so với các bạn khác. Vấn đề là chúng gặp khó khăn để lắng nghe các lời hướng dẫn để lập kế hoạch hay thực hiện kế hoạch, dẫn tới những lỗi do lơ đễnh.

Trẻ bị ADHD khả năng tập trung rất kém

Hấp tấp, bốc đồng

Phần lớn những trẻ em này thường hay tỏ ra bốc đồng và hăng hái. Tính bốc đồng của chúng thường đưa đến những hoạt động sai lầm, chẳng hạn như nói dối, ăn cắp hoặc thậm chí là đốt cháy thứ gì đó, đánh nhau…

Một dấu hiệu thường gặp của trẻ tăng động là không có khả năng nhận biết được nhu cầu và mong muốn của người khác. Trẻ có thể cắt ngang lời người khác khi họ đang nói chuyện và rất khó khăn khi chờ đến lượt, chẳng hạn như trong hoạt động trong lớp và khi chơi đùa với các bạn.

Lời nói

Một nét khá nổi bật trong phần lớn những trẻ bị hội chứng “tăng động giảm chú ý” là chúng diễn đạt từ ngữ chậm. Những trẻ này phát triển khả năng nói bình thường như những trẻ khác vào những năm đầu, nhưng về sau thì khả năng phát triển đó chậm lại, đặc biệt là trong cấu trúc câu và diễn đạt bằng lời nói.

Những biểu hiện cảm xúc khác

Trẻ bị hội chứng “tăng động giảm chú ý” thường dễ có khuynh hướng hay gây gổ, sinh sự với người khác. Do đó, chúng sẽ thường xuyên bị hăm dọa hơn những trẻ khác dù ở ngay chính trong môi trường của chúng. Để phản ứng lại chúng có thể có hai thái độ: hoặc là tự rút lui chịu thua, hai là tìm cách gây hấn.

Trẻ tăng động giảm chú ý có thể khó mà kiềm chế được cảm xúc – cả tốt và xấu. Trẻ có thể bùng phát các cơn thịnh nộ hoặc giận giữ ở những thời điểm không phù hợp.

Trẻ tăng động thường có khuynh hướng gây gổ với người khác

Để đánh giá là trẻ có bị ADHD hay không, bác sỹ phải cân nhắc thận trọng nhiều câu hỏi có tính chất đặc trưng:

–  Những hành vi này có quá mức, có kéo dài và có lan toả hay không ?

–  Nghĩa là những hành vi này có xảy ra nhiều hơn với các trẻ khác cùng lứa tuổi không ?

–  Những hành vi này có thật sự tiếp diễn hay chỉ là phản ứng trong một số tình huống nhất thời?

–  Những hành vi này xuất hiện trong nhiều bối cảnh hay chỉ xảy ra ở một nơi như ở sân chơi hay ở trong lớp học mà thôi?

– Cần đối chiếu với các tiêu chuẩn chẩn đoán ADHD này trong bảng phân loại DSM IV-TR hoặc ICD-10.

Lời khuyên cho cha mẹ

Các nhà khoa học trước giờ luôn cho rằng tăng động giảm chú ý là một bệnh thiểu năng của trẻ ở dạng tiềm ẩn. Nếu không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và tâm lý. Di chứng của bệnh để lại sẽ là một nhân cách chống đối xã hội như trộm cắp, đánh nhau, đua xe, phạm pháp…

Trẻ ADHD không điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến nhân cách và tâm lý

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên cha mẹ nên đưa con đến chuyên khoa tâm thần hay tâm lý ở các bệnh viện để được kiểm tra. Ở đây các bác sĩ sẽ thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với trẻ kết hợp sử dụng một số công cụ test để đánh giá, sàng lọc. Khi có kết luận là trẻ thực sự đã mắc phải một chứng bệnh tâm lý nào đó sẽ có tư vấn hoặc định hướng can thiệp trị liệu bằng các biện pháp tích cực.

Bác sĩ cho biết, để giúp trẻ, hiện nay, ngoài việc dùng thuốc, liệu pháp điều chỉnh hành vi vẫn là chủ yếu. Với trẻ nhỏ, bố mẹ cần thường xuyên chơi với con, dạy con qua trò chơi, khi nói gì với trẻ cần nói câu rõ ràng, chính xác, thu hút sự chú ý của trẻ khi người lớn nói.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

>>> Hãy gọi 024.3775.9051 để tìm ra giải pháp tốt nhất cho vấn đề của bạn

 

Viết bình luận