Bệnh mạch vành

Vastarel (trimetazidine) và những lưu ý trong điều trị

Ngày đăng: 18 Tháng Mười, 2018
5/5 - (3 bình chọn)

Sau hơn 40 năm nghiên cứu và ứng dụng lâm sàng, Vastarel (Trimetazidine) được chứng minh là loại thuốc trị đau thắt ngực có khả năng bảo vệ tế bào cơ tim theo nhiều con đường khác nhau mà không gây ảnh hưởng đến huyết động như nifedipine và propranolol.

Cùng tìm hiểu về cơ chế tác dụng và những khuyến cáo trong điều trị của loại thuốc này trong bài viết dưới đây.

Cơ chế tác dụng ưu việt của Vastarel

Khác với các loại thuốc trị đau thắt ngực khác, Vastarel giúp cơ tim hoạt động tối ưu bằng cách tăng cường sản xuất năng lượng thay vì giảm khối lượng công việc cho tim. Kết quả này đạt được thông qua một cơ chế hoàn toàn mới: thay đổi con đường chuyển hóa năng lượng của tế bào cơ tim là sử dụng nhiên liệu glucose thay vì acid béo. Khi đó, chất thải chuyển hóa được tạo ra ít hơn, kích thước vùng tổn thương tim do nhồi máu giảm và chức năng bơm máu của vùng cơ tim chưa bị tổn thương cũng được cải thiện.

Ngoài ra, Vastarel còn làm tăng nồng độ adenosin – một hợp chất bảo vệ cơ tim trong cơn đau thắt ngực. Đây được coi là điều kiện tiên quyết để cơ tim phát triển khả năng chịu đựng trong tình trạng thiếu oxy thay vì chết đi.

Vastarel – Thuốc trị đau thắt ngực với cơ chế ưu việt

Vastarel được dùng trong trường hợp nào?

Với những lợi ích kể trên, Vastarel được chỉ định trong những trường hợp sau:

– Dự phòng cơn đau thắt ngực cho người bệnh tim mạch. Tuy nhiên, thuốc không được chỉ định ban đầu trong điều trị đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim.

– Người bị chóng mặt, ù tai, rối loạn thị giác liên quan đến tuần hoàn máu.

Chống chỉ định của Vastarel

Vastarel không thích hợp sử dụng cho một số đối tượng dưới đây:

– Người có tiền sử dị ứng với Vastarel.

– Người bệnh Parkinson.

– Suy thận nặng.

– Thận trọng khi dùng cho phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú do chưa có nghiên cứu đầy đủ về nguy gây dị tật thai nhi ở những đối tượng này.

Tác dụng phụ của Vastarel

Vastarel có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn cho người bệnh, chẳng hạn như:

– Chóng mặt

– Đau đầu

– Hạ huyết áp tư thế

– Dị ứng da, ngứa da

– Buồn nôn, nôn mửa

– Táo bón

– Rối loạn chức năng vận động: run, cứng đờ, hội chứng chân không nghỉ… Các triệu chứng này sẽ biến mất sau 4 tháng ngừng thuốc nếu phát hiện kịp thời.

Hội chứng chân không nghỉ – tác dụng phụ của Vastarel

Nếu gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào trên đây, hãy báo cho bác sỹ ngay lập tức. Người bệnh không nên lái xe hay vận hành máy móc khi dùng thuốc, thận trọng với những người có vấn đề về thận và người già trên 75 tuổi.

Lưu ý khi sử dụng Vastarel

Khi được chỉ định Vastarel, bạn đừng quên một số lưu ý dưới đây để phát huy hiệu quả điều trị của thuốc tốt nhất:

– Nếu bỏ lỡ một liều Vastarel, bạn hãy uống càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời điểm nhớ ra gần sát với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng như lịch trình ban đầu, không uống gấp đôi liều.

– Với Vastarel dạng uống giải phóng chậm: Uống nguyên viên, không nghiền hay làm vỡ viên.

– Nên uống thuốc sau ăn hoặc ngay trong bữa ăn để tăng hiệu quả điều trị và giảm tác dụng không mong muốn trên đường tiêu hóa.

Mặc dù Vastarel có nhiều ưu điểm nhưng vẫn chỉ là thuốc bổ sung, dùng ngắn hạn cùng với các loại thuốc trị đau thắt ngực khác do vẫn còn tồn tại một số tác dụng phụ đáng lo ngại. Để đảm bảo an toàn, bạn cần tuân thủ dùng theo hướng dẫn của bác sỹ. Bên cạnh đó bảo quản Vastarel trong nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng trực tiếp để không ảnh hưởng tới chất lượng của thuốc.

Ds. Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.lifeextension.com/Magazine/2012/4/Trimetazidine-Heart-Drug-Never-Heard-Of/Page-01

https://www.sciencedirect.com/topics/neuroscience/trimetazidine

https://www.lybrate.com/medicine/trimetazidine

https://www.practo.com/medicine-info/trimetazidine-280-api

Viết bình luận