Bản tin Y khoa

Thủng giác mạc vì để độ sáng màn hình điện thoại ở mức tối đa

Ngày đăng: 12 Tháng Mười Một, 2019
5/5 - (4 bình chọn)

Thói quen sử dụng điện thoại vào ban đêm kèm theo việc để chế độ màn hình sáng tối đa là thói quen của nhiều người. Ít ai biết rằng, thói quen tưởng chừng vô hại này lại gây ảnh hưởng vô cùng lớn đối với sức khỏe, nhất là với thị lực của chúng ta.

Tiến sĩ Justin Bazan, cố vấn y tế của Hội đồng Nhãn khoa, cho biết: “Với sự gia tăng của công nghệ kỹ thuật số, rất nhiều người đang gặp phải các vấn đề về mắt, đặc việt nếu sử dụng liên tục điện thoại thông minh lâu hơn hai giờ mỗi ngày”. Thế nhưng, trên thực tế, việc sử dụng điện thoại liên tục nhiều giờ cả ngày và đêm vẫn được nhiều người duy trì. Vì thói quen nhìn thẳng vào màn hình điện thoại, chúng ta luôn quên rằng điện thoại thông minh đang phát ra một mức độ sáng chói gây bất lợi cho mắt, đặc biệt là khi dùng trong thời gian dài. Mới đây, thông tin về trường hợp một phụ nữ tên Chen người Đài Loan bị thủng giác mạc đã gây bất ngờ cho không ít người. Theo các bác sĩ nhãn khoa, cô Chen đã bị tổn thương thị lực nặng, giác mạc của cô đã bị thủng 500 lỗ khi để màn hình điện thoại ở mức ánh sáng tối đa trong 2 năm sử dụng.

Sử dụng điện thoại với độ sáng tối đa ảnh hưởng đến thị lực

Thông tin cho biết, cô Chen phải đi gặp bác sĩ với các triệu chứng đau mắt dữ dội, giảm thị lực, mắt đỏ. Với nghề nghiệp là một thư ký, cô cho biết mình thường xuyên phải sử dụng điện thoại, máy tính để giải quyết công việc. Một trong những thói quen của cô là để ánh sáng màn hình điện thoại ở mức tối đa. Vào tháng 3 năm 2018, cô bắt đầu nhận thấy có gì đó không ổn với đôi mắt của mình. Chen đã sử dụng nước mắt nhân tạo để làm dịu sự khó chịu nhưng nó không giúp ích gì. Vài tháng sau, tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Cô đi khám và các bác sĩ phát hiện, giác mạc bên trái của cô Chen đã bị tắc nghẽn mạch máu, thị lực bị tổn thương nặng nề. Ở mắt phải, các bác sĩ đã quan sát thấy khoảng 500 lỗ thủng trên giác mạc.

Phát biểu trên tờ Apple Daily, Hong Qiting – giáo sư nhãn khoa thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Pingtung Fuying cho biết, Chen đã sử dụng hơn 625 lumens (đơn vị đo lượng sáng của đèn mà mắt thường nhìn thấy), trong khi mức cho phép chỉ là 300 lumens. Ông cho biết, nếu một người sử dụng điện thoại của mình trong hơn hai giờ với độ sáng tối đa, người đó sẽ bị cận thị, mắt đỏ, mỏi mắt, khô mắt nghiêm trọng và sau đó là tổn thương giác mạc, dễ gây ra đục thủy tinh thể và bệnh võng mạc. Từ đó, Qiting khuyến cáo người dùng điện thoại nên để chế độ ánh sáng màn hình tự động, không nên tắt đèn trong phòng nếu sử dụng điện thoại vào ban đêm.

Trong một sự cố tương tự vào năm 2017, một cô gái 21 tuổi đến từ Trung Quốc bị mù một bên mắt sau khi chơi game trên điện thoại không ngừng. Cô gái bắt đầu chơi sau bữa tối và tiếp tục chơi không ngừng cho đến khi mắt phải của cô không thể nhìn thấy gì. Cô đi ngủ và sáng hôm sau cô nhận thấy rằng mắt cô không được cải thiện. Khi được cha mẹ đưa đến bệnh viện, cô gái trẻ được chẩn đoán bị tắc nghẽn động mạch võng mạc.

Mức độ ánh sáng xanh phát ra từ các thiết bị điện tử đã được chứng minh gây tổn thương cho mắt. Chính vì vậy, sử dụng điện thoại trong thời gian ngắn và với mức độ ánh sáng màn hình phù hợp sẽ phần nào giúp chúng ta có được một đôi mắt sáng khỏe trong thời đại công nghệ số!

Phạm Hương

Nguồn tham khảo: https://www.ibtimes.com/woman-gets-500-holes-cornea-extremely-bright-phone-screen-2765571

 

Viết bình luận