Bệnh tăng động

Tăng động giảm chú ý ảnh hưởng đến việc học của trẻ như thế nào?

Ngày đăng: 22 Tháng Một, 2018
5/5 - (6 bình chọn)

Tăng động giảm chú ý mặc dù chỉ đơn thuần là rối loạn hành vi, không ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ nhưng lại tác động xấu tới việc học tập, gián tiếp ảnh hưởng đến tương lai về sau. Đây cũng là điều khiến cha mẹ lo ngại nhất. Nhận thức rõ những khía cạnh mà tăng động giảm chú ý có thể gây ra cho trẻ sẽ giúp bạn hỗ trợ con khắc phục chúng một cách hiệu quả.

Không chú ý, tập trung kém

Khả năng duy trì sự tập trung, chú ý đến bài giảng kém là ảnh hưởng lớn nhất của hội chứng tăng động tới việc học của trẻ. Chỉ một tiếng ồn nhỏ như tiếng kéo ghế, âm thanh của lớp bên cạnh, người đi qua hành lang,… cũng có thể khiến trẻ bị phân tâm. Đây thực sự là một thách thức lớn, ngăn cản trẻ tiếp thu bài giảng một cách trọn vẹn. Thậm chí không cần tác động từ bên ngoài, sự kích thích quá mức trong não bộ cũng khiến trẻ trong tâm trạng “mơ mộng”, không ghi nhớ hết bài giảng và bài tập về nhà.

Trẻ tăng động cũng không quan tâm đến các yếu tố chi tiết, hay gây ra sai sót do bất cẩn, không nhận ra lỗi trong ngữ pháp, chấm câu, viết hoa, chính tả… dễ dàng chuyển sang một bài tập khác khi chưa hoàn thành nhiệm vụ cũ.

Hiếu động quá mức

Một trong những dấu hiệu điển hình ở trẻ tăng động là bồn chồn, hiếu động quá mức. Ở lớp học, trẻ có thể đi lại tự do hoặc đi ra khỏi lớp khi không được sự đồng ý của giáo viên. Không những trẻ không nghe giảng được mà còn khiến mọi người hiểu lầm đây là một đứa trẻ hư. Nhiều trẻ tăng động còn thường xuyên làm phiền, chọc phá các bạn trong lớp, phát biểu khi chưa có sự đồng ý của cô giáo.

Trẻ tăng động thường xuyên làm phiền các bạn trong lớp

Thiếu kiên nhẫn

Trẻ tăng động thường gặp khó khăn khi phải xếp hàng chờ đợi hoặc tham gia các hoạt động hội nhóm. Trẻ dễ dàng cáu gắt hoặc gây gổ với người xung quanh nếu không vừa ý. Điều này khiến trẻ không thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ này, đồng thời nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm của bạn bè cùng lớp.

Chậm phát triển ngôn ngữ

Hiện tượng kém phát triển về mặt ngôn ngữ có thể gặp ở những trẻ bị tăng động từ nhỏ. Việc kém tập trung khiến trẻ khó khăn trong việc học nói, đọc, viết và xử lý thông tin. Cụ thể là:

– Gặp rắc rối với những dòng hướng dẫn dài, khó ghi chép hết và ghi nhớ ý chính. Trong những trường hợp này trẻ thường lựa chọn bỏ qua không nghe. Đôi khi trẻ phải mất thêm thời gian đọc thêm tài liệu ở nhà sau mỗi bài giảng vì không ghi nhớ được giáo viên nói gì.

– Nhiều trẻ khó khăn khi phải diễn đạt ý muốn của mình hoặc trả lời câu hỏi. Nhiều trẻ vội vàng đưa ra câu trả lời mà không suy nghĩ, cân nhắc kỹ hoặc không lựa chọn được ngôn ngữ dễ hiểu dẫn tới sai lầm.

– Một số trẻ lại đọc và viết chậm nên mất nhiều thời gian để hoàn thành bài tập về nhà, khó khăn khi xây dựng bài tiểu luận hoặc viết ý tưởng của mình ra giấy. Điều này cũng làm trẻ không thể đạt kết quả cao ở mỗi bài kiểm tra hoặc bài thi.

Kỹ năng tổ chức kém

Tổ chức, sắp xếp thời gian để hoàn thành bài tập kém, hoặc khó khăn trong việc bắt đầu thực hiện một công việc, lựa chọn những công việc cần làm trước, lên ý tưởng, sắp xếp và trình bày ý tưởng, không thể ước lượng được trong bao lâu mình có thể hoàn thành công việc cũng là nhược điểm lớn ảnh hưởng đến việc học của trẻ tăng động.

Trẻ tăng động gặp khó khăn rất lớn trong việc tổ chức, sắp xếp công việc

Khả năng ghi nhớ kém

Trẻ rất khó để ghi nhớ các tài liệu như bảng cửu chương, công thức toán học, tiếng nước ngoài hoặc các mốc lịch sử. Điều này khiến kết quả ở những môn học này của trẻ thường không cao.

Ngoài ra, trẻ tăng động cũng rất hay quên làm bài tập về nhà, quên mang sách, quên nộp bài cho giáo viên hoặc đánh mất dụng cụ học tập. Những điều này gián tiếp ảnh hưởng đến kết quả học của trẻ.

Tự ti, thất vọng về bản thân

Đôi khi trẻ tăng động giảm chú ý cố gắng để che đậy khuyết điểm của mình và giấu đi sự xấu hổ về việc bản thân bị tụt lại phía sau so với các bạn. Nỗi tự ti, thất vọng vì luôn mắc sai lầm, sự trêu chọc và xa lánh của bạn bè có thể khiến trẻ sống thu mình lại hoặc nảy sinh những suy nghĩ tiêu cực. Khi trẻ càng lớn lên, lòng tự trọng càng dễ dàng bị tổn thương.

Quan trọng nhất là bạn cần giúp con nhanh chóng vượt qua những khó khăn này bằng cách tích cực điều trị để sớm kiểm soát hành vi và giúp trẻ tăng cường khả năng tập trung. Các phương pháp trị tăng động giảm chú ý hiện nay đều được đề cập chi tiết trong bài viết: Các phương pháp điều trị tăng động giảm chú ý phổ biến nhất hiện nay

Ngoài những vấn đề về học tập, tăng động giảm chú ý còn ảnh hưởng nhiều đến hành vi, tính cách và công việc trong tương lai của trẻ. Vậy mời các bậc phụ huynh lắng nghe chia sẻ của chuyên gia trong video sau để hiểu rõ hơn về những ảnh hưởng tiêu cực của chứng bệnh này tới trẻ:

Ảnh hưởng của tăng động giảm chú ý tới trẻ

Ds. Quỳnh Trâm

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.healthyplace.com/adhd/articles/impact-of-adhd-on-school-performance/

Viết bình luận