Bệnh mạch vành

Suy tim tâm thu – Hướng dẫn chăm sóc và điều trị

Ngày đăng: 27 Tháng Mười Hai, 2021
5/5 - (1 bình chọn)

Suy tim tâm thu hay còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu giảm có tiên lượng bất lợi nhất trong các dạng suy tim. Tuy nhiên người bệnh không được đánh mất hy vọng bởi nếu điều trị đúng cách, họ hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh.

Suy tim tâm thu là gì?

Suy tim tâm thu là một dạng của suy tim trái, là tình trạng tâm thất trái mất khả năng co bóp bình thường để đẩy máu vào hệ tuần hoàn đi nuôi cơ thể. Phân suất tống máu EF ở người bệnh suy tim tâm thu thường nhỏ hơn 40%. Trong đó, EF là chỉ tỷ lệ phần trăm lượng máu trong tâm thất trái được bơm đi sau mỗi nhịp co bóp của tim.

Triệu chứng của suy tim tâm thu

Các triệu chứng suy tim tâm thu có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm hoặc khởi phát một cách đột ngột. Những biểu hiện thường gặp là:

– Đau ngực.

– Ho dai dẳng, có thể lẫn đờm nhầy màu hồng (do lẫn máu).

– Giảm sự tập trung, mất tỉnh táo.

– Mệt mỏi, yếu tay chân.

– Chán ăn, buồn nôn.

– Tim đập nhanh, không đều.

– Giảm khả năng vận động, tập thể dục.

– Khó thở khi gắng sức, khi nằm.

– Tăng cân đột ngột do giữ nước.

– Bụng trướng, phù chân do tích trữ dịch.

Đau ngực là dấu hiệu của suy tim tâm thu

Đau ngực là dấu hiệu của suy tim tâm thu

Chẩn đoán suy tim tâm thu

Để xác định bạn có mắc bệnh hay không và nguyên nhân gây ra suy tim thu, bác sỹ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán sau:

– Xét nghiệm máu: Nồng độ cao chất NT-proBNP trong máu có thể là dấu hiệu quan trọng chỉ ra tình trạng suy tim. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn để kiểm tra chức năng gan, thận, tuyến giáp… nhằm phát hiện các bệnh lý khác góp phần gây ra suy tim tâm thu.

– Chụp X – quang ngực: để kiểm tra sự giãn nở kích thước buồng tim và chất lỏng bị tích tụ tại phổi.

– Chụp mạch vành: Nếu bác sỹ nghi ngờ suy tim tâm thu là do bệnh mạch vành, người bệnh cần được chụp mạch vành để xác định tình trạng xơ vữa động mạch.

– Siêu âm tim: giúp bác sỹ quan sát hình ảnh chuyển động của van tim và hoạt động của buồng tim.

– Điện tâm đồ: để đo hoạt động điện của tim và xác định sự tăng kích thước của các buồng tim.

– Thử nghiệm gắng sức tim: Người bệnh được tiến hành đo điện tâm đồ khi đang tập thể dục. Qua đó, bác sỹ có thể nhận thấy những thay đổi về nhịp tim, huyết áp, hoạt động điện của tim…

Trong một số trường hợp cần thiết khác, người bệnh phải chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI)… để đánh giá toàn bộ hệ thống mạch vành nuôi tim, các buồng và các van trong tim.

Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây suy tim tâm thu

Một số nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ra suy tim tâm thu là:

– Tăng huyết áp: khiến cho tim phải co bóp mạnh hơn để thắng được áp lực trong lòng mạch.

– Rối loạn nhịp tim: Tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều có thể làm tăng thêm khối lượng công việc cho tim.

– Bệnh cơ tim: Sự bất thường trong cấu trúc sợi cơ tim như cơ tim giãn, phì đại… làm ảnh hưởng đến khả năng co bóp của buồng tim.

– Hóa trị: Tác dụng phụ của thuốc hóa trị trong điều trị ung thư có thể gây tổn thương cơ tim, dẫn đến suy tim.

– Bệnh mạn tính khác: như HIV, bệnh tuyến giáp, tiểu đường, tích tụ sắt, protein… gây tổn hại đến cơ tim.

– Dị tật tim bẩm sinh: Những bất thường về cấu trúc buồng tim, van tim xuất hiện từ thời kỳ bào thai làm ảnh hưởng đến hoạt động co bóp của tim.

Bệnh mạch vành: Mạch máu nuôi tim bị thu hẹp bởi mảng xơ vữa, làm giảm lưu lượng máu đến nuôi tim, dẫn tới suy tim.

– Bệnh van tim: Van tim bị hẹp, hở khiến tim phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo lưu lượng tuần hoàn bình thường.

– Viêm cơ tim: Vi khuẩn, vi rút tiết ra độc tố làm tổn thương cơ tim.

– Ngưng thở khi ngủ: khiến cho tim phải làm việc nhiều hơn.

Ngưng thở khi ngủ là yếu tố nguy cơ gây suy tim tâm thu

Ngưng thở khi ngủ là yếu tố nguy cơ gây suy tim tâm thu

Biến chứng của suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu nặng có thể ảnh hưởng đến các buồng tim bên phải, gây ra suy tim toàn bộ. Khi đó, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:

– Suy giảm chức năng thận: Suy tim làm giảm lưu lượng máu đến nuôi dưỡng thận, làm giảm chức năng lọc máu của thận. Trong những trường hợp suy thận nặng người bệnh sẽ được yêu cầu lọc máu.

– Tổn thương gan: Máu bị ứ đọng tại gan gây ra áp lực lớn, có thể gây tổn thương gan, gây suy gan, xơ gan.

– Biến chứng cục máu đông: Máu bị ứ đọng trong tim rất dễ tạo thành cục máu đông, chúng có thể di chuyển đến mạch vành, mạch não, mạch phổi… gây đột quỵ, thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim…

Điều trị suy tim tâm thu

Sử dụng thuốc

Tùy thuộc vào triệu chứng và nguyên nhân gây suy tim tâm thu, bạn có thể được bác sỹ kê đơn một hoặc nhiều loại thuốc sau:

– Thuốc ức chế men chuyển angiotensin giúp giãn mạch, hạ áp, giảm phì đại thất trái như perindopril, captopril, enalapril…

– Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II như losartan, telmisartan, valsartan… có tác dụng tương tự nhóm ức chế men chuyển nhưng không gây tác dụng phụ ho khan.

– Thuốc chẹn beta như atenolol, acebutolol, labetalol… giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp.

– Thuốc trợ tim digoxin, digitoxin… giúp làm giảm nhịp tim, giúp tim co bóp mạnh hơn và tăng thời gian nghỉ để tim đổ đầy máu.  

– Thuốc lợi tiểu: gồm nhiều nhóm như thuốc đối kháng aldosteron, lợi tiểu quai, lợi tiểu giữ kali, lợi tiểu thẩm thấu… giúp tăng đào thải muối và nước trong cơ thể.

Thảo dược hỗ trợ điều trị suy tim

Ngoài việc dùng thuốc theo đơn, các chuyên gia Tim mạch khuyến cáo người bệnh nên sử dụng kết hợp cùng những thảo dược có tác dụng giãn mạch, tăng lực co bóp cơ tim và ngăn ngừa phì đại cơ tim như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Hoàng bá, Sơn tra… Giải pháp này sẽ giúp cải thiện nhanh các triệu chứng suy tim tâm thu như đau ngực, khó thở, mệt mỏi… và ngăn bệnh tiến triển nặng hơn. Hiện nay, các thảo dược này đã được chiết xuất và bào chế trong một số loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ cho người bệnh suy tim.

Xem thêm:

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe dành cho người bệnh suy tim

Lối sống khoa học cho người bệnh suy tim tâm thu

Ngoài dùng thuốc, thói quen sống khoa học cũng sẽ giúp người bệnh suy tim tâm thu cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả hơn. Theo đó, người bệnh cần:

– Ăn nhạt (dưới 2gam muối/ngày); giảm lượng chất béo, tinh bột, đường trong khẩu phần ăn… Tăng cường bổ sung nhiều rau quả tươi, cá biển, hạt ngũ cốc nguyên cám…

– Hạn chế uống quá nhiều nước để tránh gây phù, khó thở. Lượng nước uống có thể được tính theo công thức = lượng nước tiểu trong 24 giờ + 300ml.

– Không hút thuốc lá, hạn chế uống nhiều bia rượu và các đồ uống chứa cồn khác.

– Hạn chế lo lắng, căng thẳng, suy nghĩ hay xúc động mạnh.

– Không làm việc gắng sức, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc.

– Tập thể dục thể thao thường xuyên ít nhất 150 phút/tuần, lựa chọn bài tập vừa sức. Nếu suy tim tâm thu nặng, người bệnh cần phải được xoa bóp để thúc đẩy lưu thông máu đến các chi, giảm bớt phù nề.

Người bệnh suy tim tâm thu cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

Người bệnh suy tim tâm thu cần luyện tập thể dục thể thao thường xuyên

Can thiệp phẫu thuật

Trong một số trường hợp cần thiết, phẫu thuật cần được tiến hành để kiểm soát các triệu chứng suy tim tâm thu. Các phương pháp thường áp dụng là:

– Đặt máy tạo nhịp: để khôi phục khả năng co bóp đồng bộ của các buồng tim bên phải và bên trái.

– Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành, nong mạch, đặt stent: nhằm khơi thông dòng máu đến nuôi tim, áp dụng trong điều trị bệnh mạch vành tim.

– Cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất: để tim bơm máu được hiệu quả hơn.

– Thay sửa van tim: Nếu nguyên nhân gây suy tim là do bệnh van tim, phẫu thuật thay hoặc sửa van sẽ được thực hiện nhằm khôi phục khả năng đóng mở bình thường của van tim.

– Cấy máy khử rung tim: Cũng tương tự như cấy ghép máy tạo nhịp tim, máy khử rung sẽ theo dõi, phát hiện nhịp tim bất thường và kịp thời điều chỉnh.

– Ghép tim: Tim bị tổn thương có thể được thay thế bằng một trái tim khỏe mạnh của người hiến tặng hoặc tim nhân tạo. Phương án này chỉ được thực hiện khi đã áp dụng các phương pháp khác không còn hiệu quả.

Mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn suy tim tâm thu nhưng người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh nếu không may mắc phải tình trạng này. Hãy thực hiện lối sống khoa học, tuân thủ dùng thuốc đều đặn và giữ một tinh thần lạc quan, bệnh tình sẽ sớm được đẩy lui.

Xem thêm:

Chăm sóc bệnh nhân suy tim – Những kinh nghiệm hay để kéo dài sự sống

Ds. Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.oatext.com/systolic-heart-failure-a-review-of-clinical-status-and-meta-analysis-of-diagnosis-and-clinical-management-methods.php#gsc.tab=0

https://www.baptisthealth.com/services/heart-care/conditions/systolic-heart-failure

Viết bình luận