Bệnh mạch vành

Suy tim rung nhĩ và những điều bạn cần biết

Ngày đăng: 22 Tháng Một, 2021
5/5 - (4 bình chọn)

Suy tim rung nhĩ là 2 bệnh lý thường xuất hiện trên cùng một người bệnh, chúng tác động tương hỗ lẫn nhau khiến cho tình trạng sức khỏe ngày một giảm sút và tăng tỷ lệ tử vong lên đến 34%.

Giúp bạn hiểu rõ hơn về suy tim – rung nhĩ  

Suy tim là một hội chứng trong đó trái tim đã trở nên suy yếu, không còn đủ khả năng bơm máu đi nuôi cơ thể và hút máu trở về như bình thường, đó cũng là hệ quả chung của hầu hết các bệnh lý tim mạch.   

Rung nhĩ là một dạng rối loạn nhịp tim, trong đó nút xoang không phát nhịp như bình thường mà nhịp tim được bắt nguồn tại nhiều vị trí trong tâm nhĩ (buồng tim phía trên). Kết quả là tim bị kích thích liên tục nên tăng số lần co bóp, có thể lên tới hơn 400 nhịp/phút và chuyển thành trạng thái rung.      

Nếu rung nhĩ xuất hiện trên người bệnh suy tim thì khả năng bơm máu của tim càng kém hiệu quả vì thời gian đổ đầy tim quá ngắn. Bên cạnh đó, rung nhĩ kéo dài còn khiến các buồng tim bị giãn rộng nên khả năng co bóp để bơm máu bị suy yếu.

Suy tim và rung nhĩ thường xuất hiện trên cùng một người bệnh

Suy tim rung nhĩ gây ra triệu chứng gì?

Người bệnh suy tim – rung nhĩ có thể gặp phải những triệu chứng sau:

– Đau ngực

– Tim đập nhanh, rung trong lồng ngực

– Khó thở, hụt hơi

– Choáng váng, vã mồ hôi

– Mệt mỏi, chân tay vô lực, giảm khả năng vận động

– Phù chân.

Ai là người có nguy cơ cao mắc suy tim rung nhĩ?

Những người có càng nhiều các yếu tố dưới đây thì càng có nguy cơ cao bị suy tim, rung nhĩ:

– Người cao tuổi (trên 60 tuổi)

– Huyết áp cao

– Tiểu đường

– Bệnh mạch vành (thiếu máu cơ tim)

– Tiền sử nhồi máu cơ tim

– Bệnh van tim

– Béo phì

– Hội chứng ngưng thở khi ngủ

– Tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim

– Người bệnh cường giáp

– Lười vận động

– Hút thuốc lá, uống nhiều bia rượu.

Các phương pháp điều trị suy tim rung nhĩ

Thuốc điều trị suy tim rung nhĩ

Để ổn định nhịp tim, ngăn ngừa cơn rung nhĩ xuất hiện và phòng ngừa các biến chứng cục máu đông cho người bệnh suy tim có rung nhĩ, bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc sau:

– Thuốc chẹn beta giao cảm: vừa giúp làm giảm nhịp tim, vừa hạ huyết áp. Thuốc chẹn beta như metoprolol, atenolol, propranolol.. được dùng cho người bệnh suy tim độ 2, độ 3, độ 4 và không dùng cho người bị hen suyễn, mắc hội chứng suy nút xoang; tim đập chậm dưới 50 nhịp/phút; block nhĩ thất độ 2, độ 3…

– Thuốc ức chế men chuyển: được dùng cho người bệnh suy tim rung nhĩ có phân suất tống máu chỉ còn dưới 40%. Nhóm thuốc này không thích hợp dùng cho người có tiền sử phù mạch, hẹp động mạch chủ nặng, hẹp động mạch thận, nồng độ kali máu cao hơn 5 mmol/L.

– Thuốc lợi tiểu kháng aldosterol: được dùng cho người bệnh suy tim độ 3, độ 4 có phân suất tống máu ≤ 35%. Chống chỉ định dùng thuốc cho người bệnh có nồng độ kali máu > 5 mmol/l, creatinine máu > 220 Mmol/L.  

– Thuốc trợ tim: phổ biến nhất là các glycosid trợ tim như digoxin. Thuốc được dùng cho người bệnh suy tim rung nhĩ có triệu chứng, phân suất tống máu chỉ còn dưới 40%.

– Thuốc chống cục máu đông: giúp phòng ngừa biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, thuyên tắc phổi… do cục máu đông xuất hiện trong tim gây ra.

Thảo dược hỗ trợ điều trị suy tim rung nhĩ  

Trong Đông y có những thảo dược mang lại công dụng hỗ trợ điều trị t tốt cho người bệnh suy tim rung nhĩ; điển hình như Đỏ ngọn, Sơn tra, Mạch môn… Tác dụng của chúng cũng đã được chứng minh qua nhiều công trình nghiên cứu khoa học.

Theo nghiên cứu của Đại học Khoa học Y khoa Tabriz (Iran), Sơn tra có tác dụng ổn định nhịp tim, nhờ đó giúp giảm tần suất và mức độ cơn rung nhĩ. Về Mạch môn, nghiên cứu của Đại học Dược Nam Kinh cho thấy thảo dược này có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống cục máu đông. Ngoài ra, mạch môn còn có tác dụng tăng lực co bóp cơ tim, chống loạn nhịp tim. Bổ sung những thảo dược này cùng thuốc tây sẽ giúp người bệnh nhanh chóng cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa suy tim rung nhĩ tiến triển.  

Sốc điện chuyển nhịp

Sốc điện chuyển nhịp là phương pháp sử dụng thiết bị đặc biệt để phóng dòng điện với cường độ thích hợp nhằm dập tắt các rối loạn nhịp tim. Với người bệnh suy tim xuất hiện cơn rung nhĩ lần đầu có thể áp dụng phương pháp sốc điện ngay mà không cần dùng thuốc chống loạn nhịp tim. Tuy nhiên, với người bệnh đã xuất hiện cơn rung nhĩ nhiều lần thì cần dùng thuốc chống loạn nhịp tim trước khi sốc điện để duy trì nhịp tim ổn định. Phương pháp này thường ít có hiệu quả với người bệnh suy tim mất bù.   

Sốc điện chuyển nhịp điều trị suy tim rung nhĩ

Điều chỉnh lối sống  

Để cải thiện các triệu chứng và phòng ngừa suy tim tiến triển, người bệnh không thể bỏ qua những thói quen sống khoa học này:

– Ăn uống khoa học: Ăn nhạt, giảm lượng muối xuống dưới 2 g/ngày. Tăng cường bổ sung chất xơ, chất béo không bão hòa có trong các loại rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên cám, cá biển… và cắt giảm các thực phẩm chứa nhiều cholesterol như mỡ động vật, thịt đỏ, lòng đỏ trứng.  

– Tăng cường luyện tập: Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày, nhất là những bài tập như yoga, thiền tịnh sẽ giúp ổn định nhịp tim. Tránh tập luyện cường độ cao, gắng sức vì có thể làm khởi phát cơn rung nhĩ, khiến tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.

– Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào; hạn chế uống nhiều bia rượu và các đồ uống chứa caffein như trà, cà phê, nước tăng lực… vì những đồ uống này có thể làm tăng rối loạn nhịp tim.

– Giảm cân: để giảm bớt khối lượng công việc cho tim ở người bệnh suy tim.

– Thăm khám sức khỏe tim mạch định kì ít nhất mỗi năm 1 lần; kiểm tra các chỉ số huyết áp, đường huyết… hằng ngày.  

Tiên lượng của người bệnh suy tim rung nhĩ sẽ phụ thuộc vào khả năng tuân thủ điều trị của chính bản thân người bệnh. Hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ và thăm khám sức khỏe định kì để được điều chỉnh kế hoạch điều trị khi cần thiết.

Xem thêm:

Lợi ích của Mạch môn trong điều trị bệnh tim mạch

Suy tim – “trạm dừng chân” cuối cùng của các bệnh tim mạch

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://academic.oup.com/eurheartj/article/36/46/3250/2398380

Viết bình luận