Bệnh mạch vành

Nguyên nhân bệnh mạch vành và giải pháp phòng tránh

Ngày đăng: 6 Tháng Bảy, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Bệnh mạch vành là bệnh tim mạch phổ biến nhất hiện nay, được ví như một sát thủ giấu mặt, lặng lẽ lấy đi tính mạng của biết bao người. Nguy hiểm là vậy nhưng khi nhắc đến nó nhiều người vẫn còn rất mơ hồ. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ về nguyên nhân bệnh mạch vành, những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây nên tình trạng đáng lo ngại này để có cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả.

Nguyên nhân gây bệnh mạch vành

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh mạch vành, đó là một quá trình lắng đọng cholesterol, calci và chất thải chuyển hóa của cơ thể dưới dạng các mảng bám. Điều này sẽ làm cho lòng mạch vành dày lên, cứng lại và mất khả năng đàn hồi. Nếu một nhánh của động mạch vành bị hẹp, quá trình cung cấp máu cho cơ tim diễn ra không đầy đủ và gây ra biểu hiện đau thắt ngực.

Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân gây xơ vữa động mạch vành, nhưng các nhà khoa học nhận thấy rằng, các mảng bám có thể xuất phát từ một số yếu tố nguy cơ liên quan đến người bệnh.

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh mạch vành

Có những yếu tố không thể can thiệp được như di truyền, tuổi tác, giới tính, chủng tộc,… nhưng cũng có những yếu tố có thể thay đổi được như các bệnh lý mãn tính và lối sống hàng ngày, chẳng hạn như:

Yếu tố tác động từ các bệnh mãn tính

Tăng huyết áp: làm gia tăng áp lực của dòng máu lên lên thành động mạch, điều này có thể dẫn đến tổn thương và hình thảnh mảng xơ vữa. Tăng huyết áp còn có thể gây phì đại tâm thất của tim, tăng nhu cầu sử dụng oxy và gây thiếu máu cơ tim nếu hoạt động gắng sức và làm xuất hiện cơn đau thắt ngực.

Rối loạn mỡ máu hay rối loạn lipid máu: Là tình trạng nồng độ lipid trong máu quá cao hay quá thấp, thường gặp nhất là: tăng nồng độ triglycerid và lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL hay cholesterol “xấu”), giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL hay cholesterol “tốt”). Những rối loạn này sẽ tạo điều kiện cho lipid tích tụ trong lòng động mạch, tạo ra các mảng bám dần phát triển thành mảng xơ vữa là nguyên nhân chính của bệnh mạch vành

Béo phì: Béo phì có mối liên quan mật thiết với tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn mỡ máu. Tất cả những điều này đều góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành. Béo bụng hay được gọi là “bụng bia” là một nguy cơ đặc biệt nghiêm trọng. Thật vậy, một nghiên cứu năm 2000 cho thấy những người có vòng eo từ 90 cm trở lên có nguy cơ rất cao mắc bệnh tim mạch trong vòng 5 năm.

Béo phì là nguyên nhân làm tăng tiến triển của bệnh mạch vành

Đái tháo đường type 2: Theo thống kê có 85% bệnh nhân đái tháo đường type 2 tử vong do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Những bệnh nhân này có lượng insulin trong máu cao nhưng không thể phát huy tác dụng bình thường do vậy làm giảm HDL cholesterol “tốt” và tăng triglyceride, làm giảm phóng thích endothelin và oxit nitric – 2 chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự lưu thông và tính đàn hồi của thành mạch, dễ gây tổn thương và hình thành xơ vữa.

Những thói quen sinh hoạt không hợp lý dễ gây bệnh mạch vành

Lười vận động: Lười vận động khiến cơ thể tích lũy nhiều mỡ thừa đồng thời không đào thải được các chất độc hại ra khỏi cơ thể dẫn đến một loạt các bệnh tật nguy hiểm như béo phì, đái tháo đường và đặc biệt là các bệnh về tim mạch như bệnh mạch vành.

Luôn căng thẳng, stress tâm lý: Khi cơ thể không được nghỉ ngơi, thư giãn sau thời gian hoạt động kéo dài sẽ dẫn đến căng thẳng tâm lý hay được gọi là stress. Stress khiến cho các gốc tự do sản sinh ra nhiều và không được kiểm soát, làm tăng quá trình thoái hóa của cơ thể, đặc biệt gây suy yếu và tổn thương mạch máu, thúc đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch.

Sử dụng các chất kích thích như thuốc lá, rượu bia: Hút thuốc lá làm tăng nhịp tim gây tăng huyết áp, hút thuốc thời gian dài gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu. Một nghiên cứu cho thấy những người hút 4 điếu thuốc mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao gấp 2,5 lần những người không hút thuốc.

Thói quen uống nhiều rượu bia ảnh hưởng trực tiếp đến huyết áp, lâu dài có thể gây tổn hại cơ tim. Uống rượu cũng ảnh hưởng xấu đến tác dụng của các loại thuốc điều trị làm chậm cải thiện tình trạng bệnh mạch vành.

Hút thuốc đẩy nhanh tiến triển của bệnh mạch vành

Chế độ ăn uống không lành mạnh: Chế độ ăn mặn, sử dụng nhiều thực phẩm chứa hàm lượng cao chất béo bão hòa, cholesterol như đồ chiên, rán… là nguyên nhân dẫn đến một loạt các vấn đề về tim mạch. Các chất béo bão hòa và cholesterol xấu (LDL) dư thừa trong thức ăn dễ dàng tích tụ tạo thành các mảng xơ vữa gây hẹp và tắc mạch máu.

Một số nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân nêu trên thì một số yếu tố khó nhận biết như: Rối loạn các thành phần của máu (lượng Homocysteine, fibrinogen, ferritin (sắt) tăng cao, xuất hiện Protein phản ứng C), nhiễm khuẩn, nhiễm độc chì và thủy ngân, nhiễm tia bức xạ cũng có thể gây tổn thương thành động mạch, tăng khả năng hình thành cục máu đông do đó làm tăng tiến triển của bệnh mạch vành.

Làm thế nào để ngăn chặn nguyên nhân gây bệnh mạch vành?

Để làm được điều đó, chúng ta có thể kiểm soát từng yếu tố nguy cơ gây bệnh, trong đó việc thay đổi chế độ ăn uống được đánh giá là rất hiệu quả. Dưới đây là những gợi ý dành cho bạn:

– Giảm muối: ăn nhạt, tăng cường thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín.

– Giảm chất béo có hại: Hạn chế ăn sô cô la, uống ca cao, ăn lòng đỏ trứng, không dùng mỡ động vật, thịt lợn, thịt cừu, thịt vịt, thịt gà tây, thịt ngỗng. Nên dùng các loại dầu có nhiều axít béo không no như dầu ngô, dầu hướng dương hoặc dầu ô lưu khi chế biến thức ăn.

– Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường, tránh uống rượu bia, hút thuốc lá.

– Tăng lượng chất chống oxi hóa, chất xơ cho cơ thể bằng cách bổ sung những loại ngũ cốc thô như gạo lức, các loại đậu, các loại rau củ và trái cây giàu vitamin và khoáng chất, flavonoid như chuối, nho, cam, bắp cải, súp lơ…

Bên cạnh chế độ ăn uống hợp lý, chúng ta cũng có thể bổ sung một số thảo dược thiên nhiên đã được nghiên cứu chứng minh có khả năng phòng ngừa và điều trị bệnh mạch vành hiệu quả như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Sơn tra… Các loại thảo dược này chứa nhiều thành phần có lợi cho sức khỏe tim mạch như flavonoid có tác dụng triệt tiêu các gốc tự do, chống oxy hóa, giảm cholesterol, bảo vệ thành mạch, tác động trực tiếp vào cơ chế bệnh sinh gây xơ vữa mạch vành.

Ds Trần Huyền

Nguồn tham khảo:

https://www.drsinatra.com/signs-and-symptoms-of-coronary-artery-disease/

http://www.hopkinsmedicine.org/health/healthy_heart/diseases_and_conditions/coronary-artery-disease-prevention-treatment-and-research

Viết bình luận