Bệnh mạch vành

Nghiên cứu đánh giá mới về cơn đau thắt ngực ở nữ giới

Ngày đăng: 17 Tháng Một, 2017
5/5 - (2 bình chọn)

Sau một thời gian nghiên cứu, các nhà khoa học tại Viện tim mạch Cedars-Sinai đã chứng minh rằng, đau thắt ngực ở nữ giới có mối liên kết mật thiết tới sự bất thường của lưu lượng máu nuôi tim. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng rối loạn tuần hoàn vi mạch vành mặc dù người bệnh đã sử dụng thuốc nhưng không giảm bớt các triệu chứng. Kết quả này đã được báo cáo và tham luận tại hội nghị khoa học toàn quốc của Hiệp hội tim mạch Mỹ (American Heart Association Scientific Sessions) ở Orlando và công bố trực tuyến trên tạp chí European.

Nghiên cứu cho biết thêm, mặc dù một số loại thuốc trong điều trị bệnh động mạch vành không thực sự hiệu quả với phụ nữ mắc bệnh tim nhưng nó vẫn có thể giúp ngăn ngừa tình trạng bệnh tiến triển nặng hơn. Các loại thuốc như ranolazine thường được kê toa cho những bệnh nhân bị bệnh mạch vành điển hình với cơn đau thắt ngực dữ dội, cảm giác đè nặng lồng ngực ở chính giữa tim. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi các mạch máu lớn cung cấp máu cho tim bị tổn thương, thường là do các mảng bám cholesterol hình thành làm tắc nghẽn lòng động mạch, giảm lượng oxy và dinh dưỡng đến nuôi tim.

Cơn đau thắt ngực ở nữ giới

Ở phụ nữ, các mảng bám cholesterol có xu hướng tích tụ và lan đều đến hàng ngàn các mạch máu nhỏ bao quanh cơ tim, tình trạng này còn được gọi là rối loạn chức năng vi mạch vành. Nhiều người mắc bệnh nhưng không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà chỉ phát hiện ra khi làm xét nghiệm. Kết quả là nhiều chị em phụ nữ không được phát hiện và chẩn đoán bệnh mạch vành sớm, ngay cả khi họ có nguy cơ cao phải đối mặt với cơn nhồi máu cơ tim.

Theo ông Noel Bairey Merz, MD, giám đốc tại trung tâm tim mạch Barbra Streisand dành cho phụ nữ tại Viện tim Cedars-Sinai nói: “Hầu hết các phương pháp điều trị chuẩn đối với bệnh tim đều được xây dựng sau khi thử nghiệm, đánh giá lâm sàng với đối tượng chính là ở nam giới. Và từ lâu nay, các bác sĩ điều trị bệnh tim cho phụ nữ thường áp dụng theo đúng phương pháp điều trị bệnh tim ở nam giới. Vì vậy, chúng tôi luôn muốn kiểm tra xem: Liệu sử dụng một số loại thuốc có hiệu quả trong đau thắt ngực mạn tính có thực sự hữu ích khi điều trị rối loạn vi mạch máu hoặc bệnh tim ở nữ giới hay không?”

Nghiên cứu được thiết kế đối chứng giả dược “mù đôi” đánh giá  trên triệu chứng thiếu máu cục bộ cơ tim ở phụ nữ (Women’s Ischemia Syndrome Evaluation – WISE), tiến hành trong nhiều năm, chủ động nghiên cứu tại đa trung tâm nhằm cải thiện chẩn đoán và phát triển các phương pháp điều trị cho bệnh vi mạch vành tim.

Nghiên cứu được tiến hành tại Viện Tim Cedars-Sinai và Đại học Florida, trong số 128 người bệnh mạch vành bị rối loạn chức năng vi mạch máu thì có 96 phần trăm là phụ nữ. Người bệnh được chỉ định sử dụng từ 500 đến 1.000mg ranolazine chia làm hai lần mỗi ngày, kèm theo một viên thuốc giả dược, duy trì sử dụng trong hai tuần.

Sau quá trình đánh giá và thử nghiệm tình trạng đau thắt ngực và đo lưu lượng máu qua tim, kết quả cho thấy dù người bệnh sử dụng thuốc hay giả dược thì đều không có tiến triển trong việc điều trị các cơn đau thắt ngực và cải thiện lưu lượng máu. Nhưng họ phát hiện ra rằng, những biến chuyển trong bệnh có mối tương quan trực tiếp từ sự thay đổi lưu lượng máu trong tim. Nhóm bệnh nhân bị rối loạn vi mạch vành nặng có sự giảm thiểu đáng kể cơn đau thắt ngực cùng với sự cải thiện lưu lượng máu qua tim và chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Bairey Merz kết luận: “Mặc dù ranolazine không thực sự hiệu quả đối với người bệnh rối loạn chức năng vi mạch vành nhưng đã giúp các nhà nghiên cứu nhận ra các triệu chứng đau tức ngực ở nữ giới có liên quan đến lưu lượng máu qua tim”

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Trích nguồn: http://www.cathlabdigest.com/content/WISE-study-Angina-Linked-Abnormal-Heart-Blood-Flow-Patients-Female-Pattern-Heart-Disease

Viết bình luận