Bệnh mạch vành

Đau thắt ngực ổn định – trái tim “kêu cứu”

Ngày đăng: 1 Tháng Mười, 2016
5/5 - (1 bình chọn)

Từ hơn 220 năm trước, William Heberden đã lần đầu tiên mô tả về “cơn đau thắt ngực”, bao gồm hai loại là đau thắt ngực ổn định và không ổn định. Đau thắt ngực ổn định là hậu quả của tình trạng hẹp cố định động mạch vành, gây ra bởi các mảng xơ vữa bám trong thành mạch. Gọi là “ổn định” vì cơn đau thắt ngắn, có thể dự đoán trước, xảy ra khi gắng sức và giảm dần khi nghỉ ngơi.

Khi mạch vành bị hẹp, lưu lượng máu nuôi cơ tim bị giảm đi, dẫn đến triệu chứng đau ngực, nhất là khi người bệnh hoạt động gắng sức hay bị stress tâm lý. Tuy nhiên, nếu người bệnh nghỉ ngơi, nhịp tim chậm lại, động mạch vành lại có thể đáp ứng được nhu cầu oxy của cơ tim, nhờ vậy triệu chứng đau ngực sẽ mất đi. Đau thắt ngực ổn định còn được gọi là đau thắt ngực mạn tính, bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính hoặc đau thắt ngực.

Nguyên nhân gây đau thắt ngực ổn định

Đau thắt ngực ổn định cũng do hẹp động mạch vành gây ra

Nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau thắt ngực là bệnh động mạch vành – lòng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc nghẽn gây thiếu oxy nuôi dưỡng cơ tim.Đau thắt ngực ổn định ít nghiêm trọng hơn so với đau thắt ngực không ổn định, nhưng nó cũng có thể gây ra nhiều đau đớn và khó chịu cho người bệnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành, trong đó có:

– Bệnh đái tháo đường

– Tăng huyết áp

– Nồng độ cholesterol “xấu” (LDL cholesterol) cao, nồng độ cholesterol “tốt” (HDL cholesterol) thấp.

– Hút thuốc lá

Ở những người mắc bệnh tim, bất cứ yếu tố nào làm tăng nhu cầu oxy của cơ tim hoặc giảm lượng oxy cung cấp cho cơ tim đều có thể gây ra các cơn đau thắt ngực:

– Thời tiết lạnh

– Tập thể dục

– Cảm xúc căng thẳng

– Ăn quá no

Ngoài ra, đau thắt ngực có thể gây ra bởi các nguyên nhân khác như:

– Loạn nhịp tim (tim đập rất nhanh hoặc nhịp tim không ổn định)

– Thiếu máu

– Co thắt động mạch vành

– Suy tim

– Bệnh van tim

– Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)

Có thể dự đoán trước triệu chứng đau thắt ngực ổn định

Cơn đau thắt ngực có thể sẽ xuất hiện nếu bạn hoạt động nặng hoặc tập thể dục cường độ cao. Đau thắt ngực cũng sẽ dần biến mất khi nghỉ ngơi hoặc vận động chậm lại

Đau thắt ngực ổn định xảy ra khi hoạt động gắng sức

Triệu chứng thường gặp nhất là ngực đau như bị đè nén, ép chặt. Cơn đau thường xảy ra ở phía sau của xương ức hoặc hơi lệch về bên trái, có thể lan lên bả vai, lưng, quai hàm, cổ và tay trái. Cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi hoạt động hoặc căng thẳng, kéo dài 1 – 15 phút, đau thường tăng lên khoảng mấy phút trước khi biến mất, giảm đau khi nghỉ ngơi hoặc uống thuốc nitroglycerin. Một số người mô tả cơn đau thắt ngực như bị đầy hơi, khó tiêu.

Triệu chứng ít gặp của cơn đau thắt ngực không ổn định bao gồm: Mệt mỏi, khó thở, yếu, chóng mặt hoặc choáng váng, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, đánh trống ngực.

Cơn đau thắt ngực có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhưng đa phần là từ 6h sáng tới trưa.

Điều trị đau thắt ngực ổn định

Đau thắt ngực ổn định có thể được điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống. Một số bệnh nhân cần được phẫu thuật bắc cầu động mạch vành hoặc đặt stent động mạch vành.

Sau khi điều trị tại bệnh viện, người bệnh thường phải điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sỹ:

– Uống thuốc đầy đủ, đúng giờ để phòng ngừa cơn đau thắt ngực

– Tránh các hoạt động, các bài tập thể dục có thể gây đau thắt ngực

– Luôn đem theo thuốc bên mình để uống khi cơn đau thắt ngực xảy ra

– Theo dõi cơ thể, phát hiện các dấu hiệu báo trước cơn đau thắt ngực hoặc báo hiệu tình trạng bệnh đang xấu đi.

– Đi khám hoặc gọi bác sỹ khi cần thiết.

Các loại thuốc điều trị cơn đau thắt ngực ổn định

Bên cạnh thuốc ngừa đau thắt ngực, người bệnh có thể phải sử dụng thêm thuốc trị tăng huyết áp, đái tháo đường hoặc thuốc hạ cholesterol. Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ để ngăn ngừa cơn đau thắt ngực trở nặng.

Uống thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sỹ để ngừa đau thắt ngực trở nặng

Thuốc nitroglycerin dạng uống hoặc dạng xịt có thể được sử dụng để ngăn chặn cơn đau ngực.

Thuốc chống đông máu như aspirin và clopidogrel (Plavix) hoặc Prasugrel (Effient) có thể giúp phòng ngừa hình thành cục máu đông trong động mạch và làm giảm nguy cơ đau tim. Nên hỏi bác sỹ trước khi sử dụng các loại thuốc này.

Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân, bác sỹ sẽ kê đơn thêm các loại thuốc sau:

– Thuốc chẹn beta (concor, metoprolol, carvedilol, atenolol…)làm giảm nhịp tim, huyết áp và giảm nhu cầu sử dụng oxy của tim.

– Ức chế calci (amlodipine,plendil…) giúp giãn động mạch, giảm huyết áp và giảm co bóp cơ tim.

– Ức chế men chuyển (captopril, enalapril…) làm giảm huyết áp và bảo vệ trái tim

– Ranolazine(Ranexa) để điều trị đau thắt ngực mạn tính

Trong khi điều trị đau thắt ngực ổn định, tuyệt đối không tự ý ngừng sử dụng thuốc, kể cả khi bạn cảm thấy khỏe hơn. Ngừng thuốc đột ngột, đặc biệt là thuốc chống đông máu (aspirin, clopidogrel và prasugrel), có thể khiến cho tình trạng đau thắt ngực xấu đi hoặc dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Bạn cũng có thể nhờ bác sỹ tư vấn về các chương trình phục hồi chức năng tim để cải thiện sức khoẻ và phòng ngừa các biến cố tim mạch trong tương lai.

Điều trị phẫu thuật

Một số người có thể kiểm soát cơn đau ngực bằng thuốc mà không cần tới phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều người cần phải được nong mạch hoặc đặt stent (can thiệp mạch vành qua da) để mở rộng khu vực động mạch bị hẹp, giúp máu đổ về tim dễ dàng hơn.

Nếu nong mạch hoặc đặt stent không thể giải quyết được tình trạng hẹp động mạch, người bệnh có thể phải phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG) để thay thế các đoạn mạch hư hỏng, giúp máu chảy về tim dễ dàng hơn.

Đau thắt ngực là một tình trạng nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được nếu bạn thực hiện một lối sống lành mạnh và chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch. Hãy giảm cân nếu bạn thừa cân, đồng thời bỏ thuốc lá và luyện tập thể dục đều đặn để phòng ngừa đau thắt ngực. Chế độ dinh dưỡng cũng rất quan trọng, nên hạn chế uống rượu/bia, tăng cường ăn rau, củ, quả, ngũ cốc nguyên hạt, cá và thịt nạc để có trái tim khỏe mạnh nhất.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn: http://www.nytimes.com/

 

Viết bình luận