Metoprolol là thuốc chẹn beta giao cảm được biết đến dưới tên thương mại Betaloc ZOK. Thuốc thường được chỉ định trong điều trị một số bệnh lý tim mạch như huyết áp cao, đau thắt ngực, rối loạn nhịp tim… Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về Metoprolol giúp bạn sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả hơn.
Mục lục
Metoprolol thuộc nhóm thuốc chẹn beta giao cảm, tác dụng đối kháng chọn lọc lên thụ thể beta – 1 nằm ở tim, nhưng khi dùng liều cao thuốc cũng ức chế cả thụ thể beta – 2 ở mạch máu và cơ trơn phế quản.
Thuốc hoạt động bằng cách ức chế tác động của các chất dẫn truyền thần kinh (adrenaline, noradrenaline) lên tim và mạch. Qua đó làm giảm nhịp tim, giảm nhu cầu oxy của cơ tim, giãn mạch và hạ huyết áp.
Thuốc chẹn beta giao cảm Metoprolol (Betaloc ZOK)
Metoprolol được dùng để điều trị các vấn đề:
– Huyết áp cao.
– Suy tim.
– Rối loạn nhịp tim.
– Sau nhồi máu cơ tim cấp.
– Chứng đau nửa đầu.
Những đối tượng dưới đây không được sử dụng hoặc phải thận trọng khi dùng Metoprolol:
– Người bị dị ứng với Metoprolol hoặc bất kỳ thuốc nào trong nhóm chẹn beta như atenolol, carvedilol, labetalol…
– Mắc các bệnh lý tim mạch như: Suy tim, nhịp tim chậm, block tim, suy nút xoang, hội chứng Raynaud, huyết áp thấp…
– Có vấn đề về hô hấp như mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen, chứng ngưng thở khi ngủ…
– Người có tiền sử bệnh gan, tiểu đường, rối loạn tuyến giáp, u tủy thượng thận…
– Phụ nữ đang cho con bú vì Metoprolol có thể tiết qua sữa mẹ gây khô da, khô miệng, tiêu chảy, táo bón, nhịp tim chậm cho trẻ.
– Thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang mang thai, người già, trẻ em.
Tác dụng phụ của Metoprolol thường liên quan đến tác dụng giảm nhịp tim và hạ huyết áp của thuốc. Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm:
– Nhịp tim chậm hoặc không đều.
– Chóng mặt, choáng váng, nhất là khi thay đổi tư thế đột ngột từ ngồi hoặc nằm sang đứng.
– Mệt mỏi bất thường.
– Đổ nhiều mồ hôi.
– Mắt mờ.
– Rối loạn tiêu hóa: Táo bón, tiêu chảy…
– Các vấn đề về hô hấp như ho, khó thở khi gắng sức, thở khò khè…
– Cảm giác đau, khó chịu ở ngực.
– Ngứa hoặc phát ban nhẹ.
Nếu những tác dụng phụ này nhẹ, chúng có thể biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu bạn gặp phải các tình trạng nghiêm trọng dưới đây, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị:
– Phản ứng dị ứng với Metoprolol: Phát ban, khó thở, sưng mặt, sưng lưỡi, sưng họng
– Hạ huyết áp: Với các dấu hiệu như chóng mặt nặng, choáng váng và ngất xỉu
– Khó thở (ngay cả khi chỉ gắng sức nhẹ), phù, tăng cân bất thường
– Nhịp tim rất chậm
– Bàn tay, bàn chân lạnh, có thể kèm theo đau
– Cảm thấy mệt mỏi tăng dần
– Trầm cảm: Cảm giác buồn bã hoặc lo lắng thường xuyên, tuyệt vọng, không hứng thú với bất kỳ điều gì, khó tập trung…
Chóng mặt, choáng váng là tác dụng phụ hay gặp của Metoprolol
Hãy thông báo cho bác sĩ tất cả các thuốc hoặc sản phẩm bạn đang dùng trước khi bắt đầu dùng thuốc bởi Metoprolol có thể tương tác với một số thuốc dưới đây:
– Thuốc điều trị các rối loạn tâm thần như clomipramine, isocarboxazid, phenelzine, selegiline… làm tăng tác dụng của Metoprolol, gây choáng váng, tụt huyết áp tư thế và nhịp tim chậm
– Kết hợp Metoprolol cùng digoxin, quinidine, propaferone hoặc các thuốc chẹn kênh canxi (amlodipine, diltiazem, felodipine..) làm chậm nhịp tim quá mức
– Thuốc chẹn alpha như reserpine, alpha methyl dopa, clonidine có thể gây giảm huyết áp quá mức khi dùng cùng Metoprolol
– Metoprolol làm tăng tác dụng co mạch của các alkaloid dẫn xuất của nấm cựa gà như dihydroergotamine, ergotamine…
– Các thuốc có cùng con đường chuyển hóa với Metoprolol như thuốc kháng histamin, thuốc chống sốt rét, thuốc kháng nấm, kháng virus, thuốc điều trị trầm cảm… làm tăng nồng độ của Metoprolol trong máu.
– Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không ngừng thuốc đột ngột vì có thể gây tăng huyết áp, tăng đau thắt ngực, thậm chí nhồi máu cơ tim.
– Dùng thuốc vào một giờ nhất định mỗi ngày, trong bữa ăn hoặc ngay sau khi ăn.
– Nếu quên một liều, hãy bổ sung càng sớm càng tốt, bỏ qua liều đã quên nếu thời điểm đó gần kề với liều kế tiếp. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.
– Nếu bạn bị tiểu đường hãy theo dõi đường huyết thường xuyên vì Metoprolol có thể che lấp triệu chứng nhịp tim nhanh khi hạ đường huyết.
– Không uống rượu vì rượu có thể làm tăng tác dụng phụ của Metoprolol.
– Tránh lái xe, vận hành máy móc cho đến khi đánh giá được ảnh hưởng của thuốc đến bạn.
– Kiểm tra thường xuyên huyết áp, chức năng gan, thận trong quá trình dùng thuốc.
Metoprolol có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng nếu không sử dụng đúng cách. Để đảm bảo an toàn, hãy thông báo ngay với bác sĩ điều trị khi có bất kỳ sự thay đổi nào xảy ra với cơ thể trong quá trình dùng Metoprolol.
Ds. Hà Thư
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/metoprolol-oral-tablet#side-effects
https://www.drugs.com/pro/metoprolol.html
Tin liên quan
Viết bình luận