Bệnh mạch vành

Làm thế nào để phục hồi nhanh sau cơn nhồi máu cơ tim?

Ngày đăng: 8 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Nhồi máu cơ tim có thể cướp đi mạng sống của một người. Tuy nhiên, nếu may mắn vượt qua “cửa tử”, bạn có thể trở lại cuộc sống bình thường và có thêm nhiều năm tuổi thọ nếu biết cách thay đổi lối sống phù hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.

Nhờ sự phát triển không ngừng của nền y học, mặc dù nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu nguy hiểm nhưng không còn quá đáng sợ đối với người bệnh. Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khả năng sống sót qua cơn nhồi máu cơ tim tương đối cao.

Hai mục tiêu quan trọng nhất của quá trình phục hồi sau cơn nhồi máu cơ tim đó là:

– Dần dần khôi phục thể chất để người bệnh tiếp tục hoạt động bình thường trở lại (phục hồi chức năng tim)

– Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tương lai.

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khả năng sống sót qua cơn nhồi máu cơ tim tương đối cao

Phục hồi chức năng tim sau nhồi máu cơ tim

Chế độ tập luyện sau nhồi máu cơ tim

Khi xuất viện trở về nhà, người bệnh nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và chỉ hoạt động nhẹ (chẳng hạn như đi bộ lên – xuống cầu thang vài lần trong ngày hoặc đi bộ ngắn). Sau đó, dần dần tăng cường độ hoạt động mỗi ngày cho phù hợp với điều kiện sức khỏe. 

Các bài tập giúp ích cho quá trình hồi phục sau nhồi máu cơ tim bao gồm đạp xe trong nhà, chạy trên máy chạy bộ và bơi lội giúp tim khỏe hơn, cải thiện lưu thông máu và làm giảm huyết áp.

Tình dục sau cơn nhồi máu cơ tim

Theo Hội Tim mạch Anh, người bệnh có thể quan hệ tình dục sau khoảng 4 – 6 tuần kể từ khi xuất viện. Hoạt động tình dục không làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tương lai.

Khoảng 1/3 số nam giới bị rối loạn chức năng cương dương sau cơn nhồi máu cơ tim. Tình trạng này có thể khiến cho đời sống tình dục trở nên khó khăn hơn. Rối loạn cương dương xảy ra do tâm trạng lo lắng, sợ hãi của người bệnh sau khi trải qua cơn nhồi máu cơ tim. Rối loạn cương dương cũng là tác dụng phụ của thuốc chẹn beta – một loại thuốc được sử dụng khá phổ biến ở người bệnh tim mạch.

Sau nhồi máu cơ tim có nên lái xe?

Người bệnh nên tạm ngừng lái xe ít nhất 4 tuần sau khi bị nhồi máu cơ tim và bắt đầu lái xe trở lại khi bác sỹ nói rằng hoạt động này là an toàn.

Đối phó với cảm xúc tiêu cực, trầm cảm sau nhồi máu cơ tim

Bị tấn công bởi một cơn nhồi máu cơ tim là một trải nghiệm đáng sợ và thường để lại cảm giác lo lắng về sau. Đối với nhiều người, sự căng thẳng về cảm xúc có thể khiến họ cảm thấy chán nản và phiền muộn trong vài tuần đầu tiên xuất viện.

Nếu các tâm trạng tiêu cực kéo dài, người bệnh nên đi khám bởi đây có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm. Hơn nữa, cảm xúc không tốt cũng có thể có ảnh hưởng xấu đến việc phục hồi thể chất.

Bao lâu mới có thể làm việc trở lại sau nhồi máu cơ tim?

Hầu hết người bệnh có thể trở lại làm việc sau khi bị nhồi máu cơ tim, nhưng nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe và tính chất công việc. Nếu là công việc nhẹ nhàng, chẳng hạn như làm văn phòng, người bệnh có thể trở lại làm việc sau ít nhất 2 tuần. Nếu công việc nặng hoặc tim bị tổn thương nghiêm trọng sau cơn nhồi máu cơ tim, người bệnh có thể phải nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài tháng.

Giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tương lai

Thay đổi lối sống kết hợp với sử dụng thuốc giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim trong tương lai.

Chế độ ăn cho người bị nhồi máu cơ tim

Nên ăn 2 – 4 bữa cá béo mỗi tuần. Các loại cá béo như cá trích, cá mòi, cá thu, cá hồi, cá ngừ… chứa acid béo omega-3 giúp giảm nồng độ cholesterol trong máu.

Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng chế độ ăn Địa Trung Hải có thể phòng ngừa các bệnh tim mạch, trong đó có nhồi máu cơ tim. Chế độ ăn Địa Trung Hải gồm nhiều trái cây, rau, cá, bánh mì; thay thế bơ và pho mát bằng các thực phẩm chứa chất béo có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như dầu ô liu; hạn chế thịt.

Sau cơn nhồi máu cơ tim nên ăn nhiều các loại cá béo

Chỉ nên uống không quá 14 đơn vị cồn mỗi tuần. Một đơn vị cồn bằng 0,5 lít bia hoặc một ly rượu nhỏ. Lạm dụng đồ uống có cồn làm tăng huyết áp và nồng độ cholesterol trong máu, do đó làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Say rượu có thể làm huyết áp tăng nhanh một cách đột ngột, đây là mối nguy hiểm đối với sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy những người đã bị nhồi máu cơ tim mà liên tục say rượu bia có nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ… cao hơn gấp đôi so với những người uống rượu bia điều độ.

Bỏ thuốc lá

Bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, đặc biệt là những người vừa bị nhồi máu cơ tim, không chỉ giúp phòng ngừa các biến cố tim mạch mà còn giúp tránh khỏi nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm cả bệnh ung thư.

Quản lý cân nặng, hoạt động thể chất thường xuyên

Tập thể dục kết hợp với một chế độ ăn ít calo giúp quản lý cân nặng và duy trì trọng lượng hợp lý.

Sau khi đã phục hồi chức năng tim, bạn nên hoạt động thể chất thường xuyên. Người trưởng thành nên dành ít nhất 150 phút mỗi tuần để tập thể dục với cường độ vừa phải (đạp xe hoặc đi bộ nhanh). Nếu thấy 150 phút là quá khó, hãy bắt đầu ở mức mà bạn thấy thoải mái nhất (chẳng hạn như 5 – 10 phút tập thể dục nhẹ mỗi ngày) và tăng dần thời gian, cường độ lên sau đó.

Uống thuốc theo chỉ định của bác sỹ

Hiện nay, có 4 loại thuốc thường được sử dụng để làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, bao gồm: Chất ức chế ACE, thuốc chống kết kính tiểu cầu, thuốc chẹn beta và statin.

Bất kỳ loại thuốc nào khi sử dụng cũng tiềm ẩn nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Chính vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của bác sỹ điều trị.

Chế độ ăn uống và tập luyện sau khi bị nhồi máu cơ tim rất quan trọng, không chỉ quyết định mức độ hồi phục mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch và phòng ngừa cơn nhồi máu cơ tim trong tương lai. Phục hồi sau cơn nhồi máu cơ tim là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có kế hoạch hồi phục sức khỏe nhanh chóng và phù hợp nhất.

Ds. Linh Đan

Tham khảo:

http://www.nhs.uk/Conditions/Heart-attack/Pages/Recovery.aspx

http://www.texasheart.org/HIC/Topics/Cond/recovery.cfm

http://www.heart.org/HEARTORG/Conditions/HeartAttack/LifeAfteraHeartAttack/Heart-Attack-Recovery-FAQs_UCM_303936_Article.jsp#.V_zM-_l97IV

Viết bình luận