Bệnh mạch vành

Tăng huyết áp: Kẻ giết người thầm lặng

Ngày đăng: 25 Tháng Tám, 2016
5/5 - (15 bình chọn)

Tăng huyết áp là một trong những bệnh mạn tính phổ biến nhất trên thế giới hiện nay. Ước tính đến năm 2025, sẽ có 1,56 tỷ người trên toàn cầu mắc căn bệnh này. Điều đáng nói là bệnh tăng huyết áp hầu như không có triệu chứng đặc hiệu, cho đến khi phát hiện ra thì đã quá muộn khiến người bệnh phải chịu biến chứng nặng nề. Bởi vậy, tăng huyết áp được ví như “kẻ giết người thầm lặng”.

Tăng huyết áp là căn bệnh liên quan đến lối sống hiện đại ít vận động, ăn mặn kèm theo những thực phẩm chế biến sẵn, giàu chất béo và lạm dụng rượu, bia, thuốc lá… Một số nguyên nhân khác cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp, bao gồm bệnh thận và thuốc điều trị. Tăng huyết áp thường không gây triệu chứng, nhưng sau thời gian dài có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm do các mạch máu bị thu hẹp.

Tăng huyết áp là gì?

Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe nói chung và hệ thống tim mạch nói riêng. Huyết áp là áp lực của dòng máu lên thành động mạch để có thể lưu thông trong cơ thể, thường có giá trị 120/80 mmHg. Huyết áp bao gồm 2 chỉ số: Huyết áp tâm thu (số lớn hơn) là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim co bóp; Huyết áp tâm trương (số nhỏ hơn) là áp lực của máu lên thành động mạch khi tim nghỉ ngơi giữa các nhịp đập.

Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp cao hơn 140/90mmHg, tức là huyết áp tâm thu trên 140mmHg VÀ/HOẶC huyết áp tâm trương trên 90mmHg.

Máu chảy bên trong mạch tạo một lực lên thành mạch – được gọi là huyết áp

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) phân loại các giai đoạn tăng huyết áp như sau:

Huyết áp

Chỉ số

Huyết áp bình thường

Huyết áp tâm thu dưới 120mmHg, huyết áp tâm trương dưới 80mmHg

Tiền tăng huyết áp

Huyết áp tâm thu từ 120 – 139mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 80 – 89mmHg.

Tăng huyết áp giai đoạn 1

Huyết áp tâm thu từ 140 – 159mmHg hoặc huyết áp tâm trương từ 90 – 99mmHg.

Tăng huyết áp giai đoạn 2

Huyết áp tâm thu từ 160mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 100mmHg trở lên.

Cơn tăng huyết áp

Huyết áp tâm thu trên 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 110mmHg. Đây là trường hợp cấp cứu.

Vì sao tôi bị tăng huyết áp?

Đó là thắc mắc của hầu hết người bệnh khi thấy chỉ số huyết áp cao bất thường. Huyết áp có thể tăng trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như khi căng thẳng quá độ, tập thể dục cường độ cao… Đây là phản ứng sinh lý bình thường và cơ thể sẽ nhanh chóng ổn định lại. Tuy nhiên, nếu huyết áp tâm thu cao hơn 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương cao hơn 110mmHg, dù là trong thời gian ngắn, thì người bệnh cần được chăm sóc y tế ngay lập tức. Đây là cơn tăng huyết áp rất nguy hiểm.

Thông thường, huyết áp ổn định hoặc chỉ dao động nhẹ trong ngày, giảm khi ngủ và tăng lên khi thức dậy, phấn khích, lo lắng hoặc hoạt động thể chất. Huyết áp tăng dần theo tuổi tác do các mảng bám xơ vữa bên trong làm động mạch bị cứng và thu hẹp dần theo thời gian.

Các yếu tố nguy cơ chính của bệnh tăng huyết áp:

–  Tuổi tác: Mọi người đều có nguy cơ bị tăng huyết áp khi về già. Tỷ lệ tăng huyết áp cao hơn ở những người trên 60 tuổi.

–  Chủng tộc: Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn người da trắng hoặc người Mỹ gốc Tây Ban Nha.

–  Thừa cân, béo phì: có thể khiến bệnh tăng huyết áp xuất hiện sớm từ khi còn trẻ

–  Giới tính: Nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp ở nam và nữ là khác nhau. Nam giới dễ mắc bệnh khi còn trẻ, phụ nữ lại có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn lúc về già.

–  Lối sống: Chế độ ăn nhiều muối, ít kali, lạm dụng rượu bia, lười vận động góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

–  Yếu tố nguy cơ khác: Tiền sử gia đình và stress mạn tính.

Tăng huyết áp nếu không phát hiện được nguyên nhân thì được gọi là tăng huyết áp nguyên phát (primary hypertension) hay tăng huyết áp vô căn (essential hypertension), chiếm tỷ lệ phổ biến.

Tăng huyết áp thứ phát xuất hiện sau khi mắc một số bệnh như: biến chứng đái tháo đường; bệnh thận; bệnh u tủy thượng thận; hội chứng Cushing (sau khi dùng thuốc corticosteroid); Cường giáp; mang thai, mãn kinh; …

Triệu chứng và biến chứng của bệnh tăng huyết áp

Tăng huyết áp không gây ra bất kỳ triệu chứng trực tiếp nào cho người bệnh. Đó là lý do tại sao tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi nó âm thầm tàn phá hệ thống tim mạch. Tăng huyết áp lâu dài cũng có thể gây xơ cứng động mạch và các biến chứng liên quan, bao gồm:

–  Suy tim.

–  Phình động mạch.

Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch vành

–  Xơ vữa động mạch: Nếu xuất hiện tại động mạch vành có thể gây nhồi máu cơ tim, động mạch não gây đột quỵ, trong thận dẫn tới suy thận, ở chân có thể phải cắt cụt chân.

–  Xuất huyết mạch máu tại mắt gây suy giảm thị lực, mù lòa.

Chẩn đoán tăng huyết áp

Huyết áp được theo dõi bằng máy đo huyết áp điện tử hoặc máy cơ, nếu thấy chỉ số huyết áp cao trong ít nhất 3 ngày theo dõi, thì người bệnh được chẩn đoán là tăng huyết áp.

Ngoài ra, bác sỹ sẽ hỏi về tiền sử bệnh tim mạch, chỉ định xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tim, thận, xét nghiệm máu, điện tâm đồ để phát hiện biến chứng của bệnh tăng huyết áp nếu có.

Điều trị tăng huyết áp như thế nào?

Vì là một bệnh liên quan trực tiếp đến lối sống, nên việc thay đổi lối sống đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp. Thay đổi lối sống có thể mang lại hiệu quả tương đương với việc điều trị bằng thuốc:

–  Hạn chế ăn muối: Người có huyết áp bình thường chỉ nên ăn 9 – 12gram muối mỗi ngày, người bệnh tăng huyết áp nên giảm xuống 5gram/ngày.

–  Hạn chế uống rượu bia, bỏ thuốc lá

–  Ăn nhiều rau, củ, quả: Ăn ít nhất 300gram rau, củ, quả mỗi ngày; Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các thực phẩm giàu chất xơ, các loại đậu, hạt, cá Omega-3 hai bữa mỗi tuần. Hạn chế chất béo bão hòa từ phủ nội tạng động vật, thịt đỏ.

–  Giảm cân nếu béo phì.

–  Tập thể dục cường độ vừa phải (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…) ít nhất 30 phút vào 5 – 7 ngày/tuần.

–  Tránh căng thẳng, stress

Những người có huyết áp trên 140/90 mmHg sẽ được kê thêm thuốc để ổn định huyết áp (thường bắt đầu với 1 loại thuốc ở liều thấp, ít tác dụng phụ). Một số loại thuốc giúp hạ huyết áp: thuốc lợi tiểu (thiazide, chlorthalidone và indapamide); thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh calci, ức chế men chuyển… Nếu một loại thuốc điều trị không có hiệu quả, người bệnh thường phải sử dụng kết hợp ít nhất 2 loại theo chỉ định của bác sỹ.

Tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ tổn thương lòng động mạch vành do áp lực trong lòng mạch quá lớn, đây được coi là yếu tố hàng đầu dẫn đến các mảng xơ vữa động mạch vành. Bởi vậy, việc phòng ngừa và giảm thiểu nguy cơ tắc hẹp lòng mạch ngay từ giai đoạn phát hiện bệnh là một điều rất cần thiết. Theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, một số hoạt chất sinh học từ thiên nhiên như Bồ hoàng, Đỏ ngọn, Đan sâm có khả năng giãn các động mạch, cải thiện tuần hoàn ngoại vi, đặc biệt là tác động vào trung khu điều khiển huyết áp đưa về chỉ số an toàn. Tăng huyết áp sẽ không gây phiền toái nếu người bệnh biết cách thay đổi lối sống và kiểm soát huyết áp ổn định.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Tham khảo: www.medicalnewstoday.com

 

Viết bình luận