Kiểm soát ổn định huyết áp ở mức độ phù hợp có ý nghĩa quan trọng để mỗi chúng ta duy trì cơ thể khỏe mạnh đặc biệt với những người đang mắc bệnh lý tim mạch và huyết áp… Để theo dõi chỉ số huyết áp nhiều người bệnh thường sẽ phải tới các cơ sở y tế, tuy nhiên bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách để có thể tự đo huyết áp tại nhà một cách chính xác nhất. Việc đo huyết áp tại nhà sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, chi phí, đồng thời có thể theo dõi được huyết áp của mình một cách thường xuyên.
Đo huyết áp bằng máy đo điện tử thao tác rất đơn giản tuy nhiên, nếu đo bằng máy đo cơ độ chính xác sẽ cao hơn. Vì vậy bài viết này chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến cách sử dụng loại thiết bị đo huyết áp cơ học.
Mục lục
Hiện nay trên thị trường có khá nhiều loại thiết bị đo huyết áp với nhiều phân khúc giá khác nhau cho bạn lựa chọn. Các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên lựa chọn các loại máy đo huyết áp của các nhà sản xuất uy tín bởi độ chính xác cao hơn và hoạt động ổn định hơn.
Người bệnh trước khi tiến hành đo huyết áp nên ngồi hoặc nằm tại chỗ nghỉ ngơi, thả lỏng trong ít nhất 5 phút trước khi tiến hành đo lần đầu tiên. Khi đo huyết áp, người bệnh nên cởi bỏ bớt quần áo trên cơ thể để hạn chế tác động vào băng cuốn đo huyết áp, ngồi ở tư thế thẳng lưng, tay đặt lên bàn sao cho khuỷu tay ngang với tim, hai chân vuông góc với mặt đất.
Đối với các dạng máy đo huyết áp điện tử thì huyết áp có thể đo ở cổ tay, cánh tay, đầu ngón tay… tuy nhiên đối với các loại máy đo cơ học thì huyết áp phải được đo cơ cánh tay. Tùy vào kích thước cánh tay người cần đo huyết áp mà sẽ chọn kích thước băng cuốn phù hợp. Hầu hết những trường hợp đo huyết áp sai là do sai tư thế và chọn sai kích thước băng cuốn đo huyết áp. Bạn có thể đo chu vi cánh tay trước khi mua băng cuốn đo huyết áp nếu cảm thấy cánh tay của bạn quá to hay quá nhỏ so với người bình thường.
Sờ nắn cánh tay của người bệnh để xác định vị trí động mạch cánh tay (thường ở 1/3 phía trong cánh tay khi đặt ngửa tay trên bàn) sau đó mới đặt băng cuốn đo huyết áp sao cho mép dưới của băng cuốn nằm phía trên nếp gấp khuỷu tay từ 2,5 – 5 cm, cuốn nhẹ nhàng ở mức độ vừa phải.
Khi do huyết áp cần dùng tay xác định vị trí động mạch cách tay
Sau khi đã cuốn băng cuốn vào cánh tay người bệnh, bạn cần dùng tay để sờ vào vị trí động mạch cánh tay nhằm xác định chính xác vị trí nào có nhịp mạch đập mạnh nhất. Bạn đặt ống nghe luồn xuống dưới băng cuốn, vào vị trí đã xác định để nghe rõ nhịp mạch đập khi đo huyết áp.
Dùng bóng bơm để bơm căng băng cuốn, đồng thời tai vẫn phải nghe cho đến khi không còn tiếng mạch đập nữa, mắt phải liên tục theo dõi đồng hồ đo huyết áp. Khi mạch ngưng hẳn, bạn bơm thêm để chỉ số đo tăng thêm từ 30 – 40 mmHg sau đó xả hơi rất từ từ.
Bạn tháo hơi băng cuốn từ từ, bạn nên kiểm soát tốc độ giảm của đồng hồ đo khoảng 2 – 3 mmHg mỗi giây sẽ cho một kết quả đo chính xác nhất.
Trong lúc, xả hơi băng cuốn, mắt bạn cần chăm chú nhìn đồng hồ, tai chú ý nghe nhịp mạch đập. Khi bắt đầu xuất hiện hai âm thanh đập liên tiếp trở lên, kim đồng hồ chỉ vị trí nào thì đó là giá trị chỉ số trên của huyết áp, hay còn gọi là huyết áp tâm thu (huyết áp khi tim co bóp).
Mắt vẫn tiếp tục chăm chú nhìn đồng hồ, tai bạn sẽ bắt đầu nghe được những tiếng đập nhỏ dần. Đến khi những tiếng đập biến mất, kim đồng hồ chỉ vị trí nào thì đó là chỉ số dưới của huyết áp, còn gọi là huyết áp tâm trương (khi tim nghỉ ngơi giữa hai nhịp co bóp).
Nếu là lần đầu tiên bạn đo huyết áp bằng máy cơ học thì việc thực hiện đúng các thao tác này là rất khó. Tuy nhiên, thực hành nhiều lần sẽ giúp bạn có kinh nghiệm và sau một thời gian đo huyết áp sẽ trở thành việc đơn giản. Để theo dõi huyết áp trong thời gian dài thì bạn nên đo cho mình hay người bệnh cùng một thời điểm trong ngày.
Ds. Hoàng Long
Tham khảo: http://www.suntechmed.com/blog/entry/4-bp-measurement/42-10-steps-to-accurate-manual-blood-pressure-measurement
Tin liên quan
Viết bình luận