Bản tin Y khoa

Hỏi – đáp về virus Corona: Tìm hiểu rõ để cùng chống dịch bệnh hiệu quả

Ngày đăng: 13 Tháng Hai, 2020
5/5 - (7 bình chọn)

Hiện nay, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona đang hoành hành trên toàn thế giới, khiến cho người dân luôn phải lo lắng và vội vã đi tìm cách để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình. Cảnh tượng “người người nhà nhà cùng đeo khẩu trang” giờ đây không còn quá xa lạ, nhưng đeo như thế nào là đúng cách, rửa tay sao cho chuẩn và ăn uống nhưng thế nào để tăng cường sức đề kháng phòng tránh dịch… thì không phải ai cũng hiểu rõ. Bởi vậy, chúng tôi xin gửi đến bạn một số thông tin hữu ích nhất từ Bộ Y Tế nhằm hạn chế và sớm đẩy lùi dịch Virus Corona (Covid-19) này.

Virus Corona nCoV là gì, tên gọi chính thức của chủng mới này là gì?

Virus Corona (nCoV) là một loại virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và có thể lây lan từ người sang người.

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có công bố chính thức về tên gọi của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) là COVID19. Đây là tên viết tắt của Corona virus diseases 2019, ghép của các từ Corona, virus, disease (dịch bệnh) và 2019 (năm virus xuất hiện).

Virus Corana có tên gọi là COVID19 gây viêm đường hô hấp cấp

Nguồn gốc của virus Corona (Covid-19) từ đâu?

Các cơ quan y tế đang nỗ lực để xác định nguồn gốc của Covid-19. Nhiều ý kiến cho thấy loại virus này là một beta-corona virus, thuộc họ với virus gây hội chứng MERS-CoV và hội chứng SARS. Trước đây, SARS-CoV lây truyền từ cầy hương sang người tại Trung Quốc năm 2002 và MERS-CoV từ lạc đà sang người tại Ả Rập Xê Út năm 2012. Và Covid-19 cũng được phán đoán là có nguồn gốc vật chủ là loài dơi. Phân tích cây di truyền này hiện còn đang được nghiên cứu để xác định chính xác nguồn gốc của loại virus mới này.

Virus Corona nguy hiểm như thế nào?

Giống như các bệnh về đường hô hấp khác, nhiễm Covid-19 có thể gây ra các triệu chứng nhẹ bao gồm sổ mũi, đau họng, ho, sốt và khó thở. Bệnh có thể nặng ở một số người và có thể dẫn đến viêm phổi hoặc khó thở, thậm chí dẫn đến tử vong. Người già và những người mắc bệnh mãn tính (như bệnh đái tháo đường và bệnh tim) dễ bị nặng và dẫn đến nguy cơ này.

Dịch bệnh virus Corona lây lan như thế nào?

Virus này ban đầu có nguồn gốc từ động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua qua các giọt dịch bắn ra từ đường hô hấp của người bệnh.

Bởi vậy, những ai có tiếp xúc gần, thường là trong khoảng cách 2m với người có bệnh về hô hấp thì đều có khả năng dính phải các giọt bắn khi họ hắt hơi, ho khạc…. Những người có nguy cơ cao bị lây nhiễm là người thân trong gia đình, đồng nghiệp, tiếp xúc nơi công cộng, đi cùng chuyến xe, hoặc nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc bệnh nhân…

Ngoài ra, virus có thể lây lan gián tiếp khi chạm tay vào đồ vật mà người bệnh từng chạm vào, ví dụ mặt bàn ghế, giường bệnh, tay nắm cửa, sau đó đưa tay lên miệng, mũi và mắt.

Bởi vậy, tất cả mọi người cần thực hành vệ sinh tốt. Ví dụ, hắt hơi hoặc ho thì che vào khuỷu tay áo, hoặc sử dụng khăn giấy che miệng và bỏ khăn giấy vào thùng rác kín. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng với nước hoặc dung dịch rửa tay có cồn cũng rất quan trọng.

Virus corona có thể tồn tại trên các bề mặt trong thời gian bao lâu?

Hiện vẫn chưa biết Covid-19 tồn tại được bao lâu trên các bề mặt, mặc dù thông tin sơ bộ cho thấy virus có thể tồn tại trong vài giờ. Các chất khử trùng đơn giản có thể tiêu diệt virus khiến nó không còn khả năng lây nhiễm cho người.

Sự khác biệt giữa nhiễm Covid-19, cúm hoặc cảm lạnh là gì?

Người nhiễm Covid-19, cúm hoặc cảm lạnh thường có các triệu chứng hô hấp như sốt, ho và sổ mũi. Mặc dù nhiều triệu chứng là giống nhau nhưng nguyên nhân gây bệnh lại là các virus khác nhau. Do vậy, rất khó xác định bệnh nếu chỉ dựa vào triệu chứng. Đó là lý do tại sao cần xét nghiệm đặc hiệu để xác định người nhiễm bệnh gì.

Kỹ thuật xác định chủng Covid-19 gồm kỹ thuật Giải trình tự gene thế hệ mới (Next Generation Sequencing – NGS) và kỹ thuật Real time RT – PCR với bệnh phẩm là dịch đường hô hấp, đờm, dịch nội khí quản được thu thập bằng tăm bông và bảo quản trong môi trường phù hợp. Trong trường hợp người mới nghi nhiễm virus Corona, các cơ sở y tế sẽ làm thủ tục lưu mẫu máu để chuyển đến các đơn vị được Bộ Y tế cho phép khẳng định.

WHO khuyến cáo những người bị ho, sốt và khó thở nên đi khám sớm. Bệnh nhân nên thông báo cho nhân viên y tế nếu họ đã đi du lịch trong 14 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng hoặc nếu họ đã tiếp xúc gần với người bệnh có các triệu chứng đường hô hấp.

Thời gian ủ bệnh của Covid-19 là bao lâu?

Thời gian ủ bệnh là thời gian từ khi bị nhiễm virus đến khi khởi phát các triệu chứng lâm sàng. Ban đầu ước tính thời gian ủ bệnh là từ 2-14 ngày. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới được công bố ngày 9/2 tại Trung quốc cho thấy, thời gian ủ bệnh trung bình của Covid-19 là 3 ngày và dài nhất là 24 ngày.

Ông Chung Nam Sơn, người đứng đầu Tổ chuyên gia cấp cao về dịch virus corona của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu y học lâm sàng bệnh hô hấp quốc gia cho biết thêm rằng, người bệnh nhân có thể không sốt, biểu hiện viêm phổi chiếm tới 76%. Đáng chú ý là loại virus này cũng tồn tại trong đường tiêu hóa, quá trình truyền bệnh qua chất thải có thể tăng khả năng lây lan của chúng.

Có thể gây lây truyền Covid-19 từ người không có triệu chứng không?

Biết được thời gian từ khi bệnh nhân bị nhiễm đến khi có thể lây truyền virus sang người khác là rất quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh. Theo các báo cáo gần đây, có thể những người nhiễm Covid-19 gây lây nhiễm trước khi xuất hiện các triệu chứng điển hình. Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu hiện có, phần lớn virus lây lan từ những người đang có triệu chứng.

Có thuốc cụ thể nào để dự phòng hoặc điều trị Covid-19 không?

Cho đến nay, chưa có thuốc cụ thể được khuyến cáo để dự phòng hoặc điều trị chủng mới của virus Corona. Tuy nhiên, những người bị nhiễm Covid-19 nên được chăm sóc thích hợp để điều trị triệu chứng. Người bị bệnh nặng nên được chăm sóc hỗ trợ tích cực. Một số phương pháp điều trị cụ thể đang được điều tra, thử nghiệm thông qua các thử nghiệm lâm sàng. WHO đang phối hợp các đối tác để phát triển thuốc điều trị Covid-19.

Nên chú ý bảo vệ sức khỏe tránh lây nhiễm virus Corona

Hướng dẫn chăm sóc bản thân đúng cách để phòng ngừa dịch virus Corona

Rửa tay đúng cách

Bạn nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn. Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng vì khi tay chạm vào nhiều bề mặt các vật dụng có thể bị nhiễm virus, nếu chạm vào mắt, mũi hoặc miệng bằng bàn tay bị nhiễm bẩn, bạn có thể bị nhiễm bệnh.

Sử dụng khẩu trang đúng cách

Đảm bảo an toàn thực phẩm

Khi đi mua thực phẩm:

– Sử dụng găng tay, khẩu trang khi đi mua thực phẩm. Không dùng thịt bị ôi, hỏng.  Tuyệt đối không tiếp xúc, sử dụng thịt động vật chết do bị bệnh vì đây là những nguồn gây bệnh nguy hiểm.

– Rửa tay sạch bằng xà phòng hoặc các dung dịch sát khuẩn có cồn ngay sau khi tiếp xúc với gia súc, gia cầm và các loại thịt sống để tránh mang mầm bệnh về nhà.

Chế biến thực phẩm tại nhà:

– Sử dụng tạp dề, găng tay, khẩu trang khi chế biến các sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

– Sử dụng dao và thớt riêng khi nấu ăn để tránh nhiễm chéo từ thực phẩm sống vào đồ ăn chín.

–  Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để loại bỏ các mầm bệnh sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống hoặc trước khi tiếp xúc với thực phẩm chín.

– Nấu chín các loại thịt, trứng gia cầm trước khi ăn để đảm bảo tiêu diệt các mầm bệnh (như virus, vi khuẩn…).

Ăn uống đảm bảo vệ sinh:

– Luôn ăn chín, uống sôi để hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm

– Không sử dụng đũa, thìa cá nhân để lấy các món ăn dùng chung nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn qua đường ăn uống. Trên mâm hay bàn ăn, phải có thìa/muỗng/đũa để lấy thức ăn vào bát riêng, sau đó mới sử dụng thìa/muỗng/đũa cá nhân để thưởng thức món ăn của mình. Không uống chung ly nước hoặc đồ đựng các loại thức uống với người khác

Thực hiện dinh dưỡng hợp lý để tăng cường miễn dịch cho cơ thể

– Thực hiện tốt các khuyến cáo về tiêu thụ thực phẩm phù hợp cho mỗi nhóm tuổi (theo Tháp dinh dưỡng dành cho các lứa tuổi khác nhau, do Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế ban hành)

– Cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể, vì đây là nguyên liệu quan trọng để tạo nên các kháng thể. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu protein động vật (như các loại cá, thịt gà, thịt bò, trứng, sữa…) và protein thực vật (từ các loại đậu, đỗ…).

– Cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết, như vitamin A; C; D; E; Sắt; Kẽm; Selen, đây là những chất quan trọng góp phần tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

– Tăng cường sử dụng một số thực phẩm/gia vị chứa các hoạt chất đặc biệt giúp tăng cường miễn dịch như: tỏi, hành, nghệ, sả, nấm, tảo biển… giúp kích thích hệ thống miễn dịch thông qua kích hoạt các cytokin, hoạt hóa đại thực bào để thực hiện chức năng miễn dịch. Ngoài ra, nhóm thực phẩm chứa flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch của cơ thể. Các thực phẩm giàu flavonoid như: các loại rau gia vị, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh…

– Thực hiện bổ sung vi chất dinh dưỡng (viên đa vi chất dinh dưỡng, hoặc sản phẩm dinh dưỡng có chứa vi chất sắt, kẽm, vitamin A, D, E…) nếu khẩu phần ăn không đủ các chất dinh dưỡng nói trên, hoặc khi cơ thể được bác sỹ dinh dưỡng chẩn đoán là bị thiếu vi chất dinh dưỡng.

Thực hiện vệ sinh nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh

– Không dùng chung đồ dùng cá nhân: như khăn mặt, bàn chải răng, cốc uống nước. Giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch, không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà tắm.

– Tránh để tay tiếp xúc với mặt, mắt, miệng: Trong thời gian còn dịch bệnh, nên hạn chế bắt tay hoặc ôm người khác. Nên dùng khăn giấy sạch khi cần dụi mắt hoặc lau vết bẩn. Hãy rửa tay đúng cách với xà phòng và nước ấm hoặc dùng nước rửa tay khô trước khi đeo găng tay.

– Cẩn thận khi chạm vào các đồ vật: nên chú ý đến các vật dụng, hoặc các vị trí hay được mọi người thường xuyên tiếp xúc, sử dụng ở nơi công cộng như: tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, hay bất kỳ đồ vật nào có bề mặt tiếp xúc với tay, vì thế nên đeo găng tay khi đến các nơi công cộng như siêu thị, công viên. Rửa tay ngay sau khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng; sau khi rửa tay, tránh tiếp xúc vào khoá vòi nước, tay nắm cửa (có thể lót tay bằng một chiếc khăn giấy sạch để khoá vòi nước, hoặc để đóng/mở cửa, sau đó vứt khăn vào thùng rác). Tại gia đình, hãy chú ý giữ gìn vệ sinh các vật dụng như bàn phím máy tính, điện thoại để bàn, điện thoại di động, đồ chơi, laptop… , hãy lau sạch các vật dụng này thường xuyên.

Nếu nghi ngờ bị nhiễm Covid-19 có thể liên hệ thông báo thông tin bằng cách nào?

Bộ Y tế công bố 2 số điện thoại đường dây nóng cung cấp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19: 1900 32281900 9095.

Cùng với đó, 21 đường dây nóng của các Bệnh viện có cơ sở theo dõi và điều trị cách ly các bệnh nhân nghi nhiễm và nhiễm Covid-19:

Bệnh viện Bạch Mai: 0969.851.616

Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: 0969.241.616

Bệnh viện E: 0912.168.887

Bệnh viện Nhi trung ương: 0372.884.712

Bệnh viện Phổi trung ương: 0967.941.616

Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí: 0966.681.313

Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên: 0913.394.495

Bệnh viện Trung ương Huế: 0965.301.212

Bệnh viện Chợ Rẫy: 0969.871.010

Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ: 0907.736.736

Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội: 0904.138.502

Bệnh viện Vinmec Hà Nội: 0934.472.768

Bệnh viện Đà Nẵng: 0903.583.881

Bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM: 0967.341.010

Bệnh viện Nhi đồng 1: 0913.117.965

Bệnh viện Nhi đồng 2: 0798.429.841

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai: 0819.634.807

Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa: 0913.464.257

Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa: 0965.371.515

Bệnh viện tỉnh Thái Bình: 0989.506.515

Bệnh viện tỉnh Lạng Sơn: 0396.802.226

Hy vọng những thông tin từ bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về virus corona cũng như có cách phòng ngừa tích cực để bản thân và gia đình vượt qua được đại dịch này. Chúc bạn và gia đình thật nhiều sức khỏe!

Phạm Hương

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.moh.gov.vn/web/guest/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/su-dung-khau-trang-phong-lay-nhiem-ncov

https://www.moh.gov.vn/web/guest/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/5-thoi-iem-phai-ve-sinh-va-quy-trinh-rua-tay-thuong-quy

http://viendinhduong.vn/vi/tin-tuc—su-kien-noi-bat/cham-soc-dinh-duong-va-bao-dam-an-toan-thuc-pham-gop-phan-phong-chong-dich-benh-viem-duong-ho-hap-cap-do-chung-moi-virus-corona-2019-ncov.html

Viết bình luận