Bệnh mạch vành

Furosemide – Thuốc lợi tiểu cho người bệnh tim mạch

Ngày đăng: 23 Tháng Mười Một, 2018
5/5 - (1 bình chọn)

Để giải quyết nhanh chóng các triệu chứng phù, tăng huyết áp kịch phát, việc sử dụng những thuốc lợi tiểu mạnh như Furosemide là điều tối cần thiết cho người bệnh. Vậy Furosemide giúp lợi tiểu bằng cách nào? Người bệnh cần lưu ý gì khi được chỉ định dùng thuốc này? Tất cả thông tin từ A – Z về Furosemide sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.

Furosemide hoạt động như thế nào?

Furosemide là một thuốc lợi tiểu mạnh hoạt động theo cơ chế ức chế sự tái hấp thu muối và nước tại thận, đồng thời kích thích tăng bài tiết nước tiểu cùng natri, magiê, kali và canxi ra ngoài. Tác dụng phát huy sau 1 giờ và hiệu quả kéo dài 6 – 8 giờ sau khi uống. Đối với dạng tiêm, thuốc có tác dụng chỉ sau 5 phút và kéo dài 2 giờ.

Với tác dụng này Furosemide được sử dụng để loại bỏ bớt dịch dư thừa trong cơ thể, có hiệu quả cả với người có chức năng thận suy giảm. Hiện nay trên thị trường, Furosemide có 2 loại biệt dược thông dụng nhất là Frusol và Lasix.

Thuốc lợi tiểu Furosemide

Chỉ định của Furosemide

Furosemide được sử dụng nhiều nhất trong những trường hợp sau:

– Phù: Furosemide được dùng để giải quyết triệu chứng phù ở tay, chân, bụng, phổi liên quan đến suy tim sung huyết, bệnh ở gan, thận, phổi…

– Tăng huyết áp: Furosemide được sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với các nhóm thuốc hạ áp khác để kiểm soát huyết áp; dạng tiêm được dùng trong xử trí cơn tăng huyết áp kịch phát.

Chống chỉ định và thận trọng khi dùng Furosemide

Không dùng thuốc trong những trường hợp sau:

– Người bị dị ứng với Furosemide và các thành phần của thuốc.

– Không dùng cho phụ nữ có thai hoặc cho con bú vì có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của thai nhi và quá trình sản xuất sữa mẹ.

– Thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử bệnh gan, thận, gút, lupus ban đỏ…

Tác dụng phụ của Furosemide

Các tác dụng không mong muốn của Furosemide thường liên quan đến tác dụng lợi tiểu và hạ áp quá mức, các biểu hiện cụ thể như sau:

– Hạ kali huyết quá mức: với biểu hiện mệt mỏi, yếu cơ, buồn nôn, ói mửa…

– Hạ huyết áp quá mức: với dấu hiệu chóng mặt, ngất xỉu nhất là khi đứng dậy đột ngột. Nếu gặp phải hiện tượng này, bạn hãy thay đổi tư thế nhẹ nhàng từ tư thế ngồi hoặc nằm dậy.

– Rối loạn chức năng tuyến giáp: Liều cao Furosemide 80mg có thể làm giảm nồng độ hormon tuyến giáp với biểu hiện mệt mỏi, tăng cân, khô da, khô tóc và dễ bị lạnh…

– Viêm tụy: Các triệu chứng có thể gặp phải là đau bụng sau khi ăn, buồn nôn, nôn nhiều, sốt cao…

– Tổn thương gan: với biểu hiện vàng da, vàng mắt…

– Mất thính giác, ù tai

– Vấn đề về thận: Người bệnh tiểu ít hoặc không đi tiểu, sưng phù ở bàn chân và mắt cá chân, người mệt mỏi, khó thở…

– Mất cân bằng điện giải: khô miệng, khát nước, mệt mỏi, hay buồn ngủ, đau cơ, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn mửa…

– Hạ canxi huyết: tê quanh miệng, co cứng cơ…

– Dị ứng thuốc: sốt; đau họng; sưng mặt, lưỡi, cổ họng; phát ban da; khó thở…

Lưu ý khi sử dụng Furosemide để có hiệu quả tốt, tránh tác dụng phụ

– Đồ uống có cồn như rượu bia làm tăng tác dụng phụ của thuốc, do đó khi dùng Furosemide không nên dùng rượu bia.

– Không được tự ý ngừng thuốc đột ngột vì có thể khiến áp tăng cao đột ngột hoặc các vấn đề nghiêm trọng khác như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim

– Dùng thuốc đều đặn vì nếu bạn dùng thuốc không đúng tiến độ, Furosemide sẽ không thể hoạt động tốt hoặc ngừng hoạt động hoàn toàn. Khi bỏ lỡ 1 liều cần dùng ngay khi nhớ ra, nếu chỉ cách liều kế tiếp một vài tiếng thì hãy bỏ qua liều này vì nếu uống 2 liều quá gần nhau sẽ dẫn tới ngộ độc thuốc.

– Furosemide khiến bạn đi tiểu nhiều hơn, do đó cần tránh dùng thuốc trong khoảng 4 tiếng trước khi đi ngủ để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ.

– Hạn chế ăn nhiều muối, tăng cường thực phẩm giàu kali như chuối, bơ, rau lá xanh đậm…

– Da có thể nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời khi bạn dùng Furosemide, do đó khi ra ngoài trời nắng cần được bảo vệ da bằng quần áo bảo hộ, kem chống nắng.

– Nếu có vấn đề về dạ dày, bạn có thể uống Furosemide trong khi ăn để giảm thiểu kích ứng dạ dày.

– Bảo quản Furosemide ở nhiệt độ phòng từ 15 – 30 độ C, tránh để thuốc ở những nơi ẩm ướt.

Bảo vệ da dưới ánh nắng khi sử dụng Furosemide

Tương tác thuốc Furosemide

Thuốc Furosemide có thể gây tương tác với một số loại thuốc khác khi dùng phối hợp, do đó bạn cần thông báo với bác sỹ về tất cả các loại thuốc đang sử dụng:

– Các thuốc Cholestyramine, Sucralfate, Colestipol có thể làm giảm hấp thu Furosemide, do đó nên uống các thuốc cách nhau khoảng 2 giờ.

– Tăng độc tính trên tai, suy giảm chức năng thận… khi dùng kết hợp với kháng sinh nhóm aminoglycoside (Gentamycin, Tobramycin, Streptomycin…), Cisplatin

– Tăng nguy cơ hạ huyết áp nghiêm trọng và suy thận nếu dùng cùng thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển angiotensin II (perindopril, captopril, enalapril…)

– Tăng nguy cơ nhiễm độc thận khi kết hợp với kháng sinh nhóm cephalosporin

– Tăng nguy cơ hạ kali máu quá mức khi kết hợp cùng các thuốc lợi tiểu khác, corticosteroid, amphotericin B…

– Furosemide làm giảm tác dụng của các thuốc giãn cơ như succinylcholine, tubocurarine khi dùng phối hợp.

– Dùng các thuốc chống viêm không steroid như aspirin, indomethacin cùng Furosemide làm tăng độc tính của những loại thuốc này.

Furosemide có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nếu bạn không sử dụng đúng cách. Đừng bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào của cơ thể khi sử dụng Furosemide để đảm bảo an toàn cho chính bạn.

Ds Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.healthline.com/health/furosemide-oral-tablet#side-effects

https://www.webmd.com/drugs/2/drug-5512-8043/furosemide-oral/furosemide-oral/details

Viết bình luận