Không giống như đổ mồ hôi bình thường, mồ hôi lạnh xảy ra khi bạn đột nhiên cảm thấy một cơn ớn lạnh trong cơ thể cùng lúc với mồ hôi toát ra bất thường. Tìm hiểu về nguyên nhân và cách trị đổ mồ hôi lạnh tại đây.
Mục lục
Mồ hôi lạnh là một dấu hiệu của sự căng thẳng đột ngột về thể chất hoặc tâm lý, và đôi khi là sự kết hợp của cả 2 yếu tố này. Lo lắng, căng thẳng là những nguyên nhân phổ biến nhất cho chứng mồ hôi lạnh, nhưng triệu chứng này cũng thường gặp trong 1 số bệnh lý, chẳng hạn như:
– Rối loạn lo âu: Lo lắng, hoảng sợ quá mức thường kèm theo triệu chứng đổ mồ lạnh.
– Rối loạn thần kinh thực vật: Bệnh có tính chất di truyền, gây đổ mồ hôi lạnh thường xuyên mà không có dấu hiệu cảnh báo nào khác.
– Đau và sốc: Chấn thương nặng, sốc có thể khiến bạn toát mồ hôi lạnh, đó có thể là dấu hiệu cho thấy máu đang tập trung cho các cơ quan chính như não bộ.
– Nhồi máu cơ tim: Đổ mồ hôi lạnh có thể là dấu hiệu cảnh báo nhồi máu cơ tim nếu kèm theo hiện tượng khó thở, đau thắt lồng ngực thì cần được cấp cứu ngay lập tức.
– Thiếu oxy: Cơ thể không nhận được đủ oxy do tắc nghẽn đường thở, chấn thương hoặc tiếp xúc với chất độc, dị ứng… gây đổ mồ hôi lạnh. Trường hợp này cần được xử trí ngay lập tức.
– Hạ đường huyết: Thường gặp ở người bệnh tiểu đường ăn kiêng quá mức hoặc gặp phải tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết.
– Rối loạn nội tiết tiền mãn kinh: Những thay đổi về nồng độ hormon liên quan đến thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh có thể thúc đẩy đổ mồ hôi lạnh nhiều hơn.
– Nhiễm trùng: Đổ mồ hôi lạnh có thể là phản ứng của cơ thể đối với nhiều bệnh nhiễm trùng như lao, HIV…
Đổ mồ hôi lạnh có thể do bệnh lý tiềm ẩn
Đổ mồ hôi lạnh thường không nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu mồ hôi lạnh xuất phát từ một bệnh lý tiềm ẩn, chẳng hạn như bệnh tim, các biến chứng đe dọa tính mạng có thể phát triển. Ngoài ra, vì da thường xuyên ẩm ướt, nhiễm trùng da có thể là một rủi ro tiềm ẩn mà bạn không thể chủ quan.
Nếu đổ mồ hôi lạnh kèm theo một số triệu chứng bất thường dưới đây, bạn cần đi khám bác sỹ ngay lập tức:
– Móng tay, môi đổi sang màu xanh tím, da nhợt nhạt.
– Đau thắt vùng ngực, nóng rát vùng ngực.
– Chóng mặt, choáng váng.
– Khó thở.
– Gặp khó khăn khi nói.
– Sốt cao.
Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra mồ hôi lạnh của bạn. Chẳng hạn, một người bị đổ mồ hôi lạnh do chấn thương thì điều trị vết thương và sốc do đau sẽ kiểm soát được hiện tượng đổ mồ hôi lạnh.
Ngoài ra, những lời khuyên dưới đây cũng sẽ giúp bạn quản lý và ngăn ngừa biến chứng do đổ mồ hôi lạnh hiệu quả hơn:
– Giữ cho da luôn sạch sẽ, khô ráo: Việc tắm thường xuyên và sử dụng xà phòng kháng khuẩn sẽ giữ cho da luôn sạch sẽ, ngăn vi khuẩn, vi nấm phát triển gây bệnh da liễu và sinh mùi khó chịu.
– Thay đồ thường xuyên: Quần áo, giày tất cần được thay, giặt thường xuyên.
– Chọn trang phục làm từ chất liệu thấm hút mồ hôi: để tránh mồ hôi không thoát được ra ngoài, dễ gây nhiễm lạnh cho cơ thể dẫn tới các vấn đề về hô hấp.
– Tìm cách thư giãn tâm lý: Luyện yoga, thiền, tập hít thở có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng – một trong những yếu tố gây ra mồ hôi lạnh.
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Giảm tiêu thụ một số thực phẩm, đồ uống chẳng hạn như cà phê, nước ngọt có ga, rượu bia, đồ ăn cay nóng, thuốc lá… sẽ làm giảm tần suất đổ mồ hôi lạnh.
Yoga giúp tâm lý bình ổn để kiểm soát đổ mồ hôi lạnh do căng thẳng
Mồ hôi lạnh có thể là hiện tượng sinh lý bình thường hoặc xuất phát từ một vấn đề sức khỏe cần điều trị. Điều quan trọng là bạn cần tìm đúng nguyên nhân và xử trí kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Xem thêm:
Chế độ ăn nào tốt cho người bị đổ nhiều mồ hôi?
Thực phẩm kiêng kỵ với người ra nhiều mồ hôi
Ds. Lê Lương
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/cold-sweats#see-your-doctor
https://www.medicalnewstoday.com/articles/320713.php
Tin liên quan
Viết bình luận