Bệnh mạch vành

Chụp mạch vành và những thông tin không thể bỏ qua

Ngày đăng: 18 Tháng Năm, 2018
5/5 - (4 bình chọn)

Kể từ những năm 60 của thế kỷ 20, khi ca chụp động mạch đầu tiên được thực hiện thành công, phương pháp này đã trở thành một thủ thuật thường quy trong chẩn đoán bệnh mạch vành. Mặc dù đã có nhiều cải tiến vượt bậc so với trước đây nhưng chụp mạch vành vẫn còn tiềm ẩn một số rủi ro mà người bệnh cần nắm rõ.

Chụp mạch vành là gì?

Chụp mạch vành là thủ thuật sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh X – quang các mạch máu trong tim. Dựa vào đó, bác sỹ có thể tìm ra những đoạn mạch vành bị tắc nghẽn, biến dạng và đánh giá mức độ bệnh để từ đó đưa ra hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.

Tiến hành chụp mạch vành như thế nào?

Trước khi làm thủ thuật chụp mạch vành

Trước khi bắt đầu chụp mạch vành cản quang, bác sỹ sẽ xem xét tiền sử bệnh lý của người bệnh, bao gồm cả dị ứng thuốc; đồng thời kiểm tra huyết áp, nhịp tim…

Trong quá trình can thiệp chụp mạch vành qua da

Chụp mạch vành qua đường mạch máu tại bẹn

Các bước tiến hành như sau:

– Người bệnh được nằm trên một bàn chụp X quang, trên người có gắn các thiết bị để kiểm tra nhịp tim và huyết áp trong suốt quá trình. Máy chụp X – quang sẽ di chuyển xung quanh đầu và ngực để chụp ảnh từ nhiều góc độ.

– Đôi khi người bệnh được truyền thuốc an thần tĩnh mạch, nhưng họ vẫn đủ tỉnh để thực hiện theo bất kỳ hướng dẫn nào trong suốt quá trình.

– Vị trí đặt ống thông tim sẽ được vệ sinh, khử trùng và gây tê tại chỗ. Sau đó, bác sỹ sẽ luồn ống thông tim vào mạch máu của bạn, hãy nói với bác sỹ nếu có bất kỳ sự khó chịu nào.

– Thuốc nhuộm cản quang được tiêm qua ống thông, bạn có thể sẽ thấy cơ thể nóng bừng, đây chỉ là phản ứng bình thường và không có gì đáng lo ngại.

– Sau đó, bác sỹ tiến hành chụp X – quang để xác định mạch máu bị tắc nghẽn. Đôi khi, chụp mạch vành có thể kết hợp cùng những thủ thuật khác như nong động mạch hoặc đặt

stent.

Sau chụp mạch vành, người bệnh cần lưu ý những gì?

Khi kết thúc chụp mạch vành, ống thông được lấy ra khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ được đưa đến khu vực hồi sức để theo dõi thêm. Nếu ống thông được đưa tại bẹn, họ cần nằm yên trong vài giờ để tránh chảy máu.

Người bệnh có thể về nhà trong ngày hoặc ở lại qua đêm tùy theo tình trạng sức khỏe, hãy nhớ uống nhiều nước để đào thải hết thuốc cản quang ra khỏi cơ thể. Nếu thấy cơ thể xuất hiện những điều bất thường sau, hãy liên hệ ngay với bác sỹ:

– Chảy máu, bầm tím hoặc sưng tại vị trí đặt ống thông.

– Có dấu hiệu nhiễm trùng như sưng, nóng, đau, chảy nước, đỏ, sốt…

– Có sự thay đổi về nhiệt độ hoặc màu sắc bất thường ở da chân, tay.

– Yếu mệt hoặc tê ở chân, tay (nơi đặt ống thông).

– Đau ngực, khó thở nhiều.

Người bệnh sau khi chụp mạch vành có thể cần nằm viện để theo dõi thêm

Khi nào cần chụp mạch vành?

Bạn cần được tiến hành chụp mạch vành trong những trường hợp dưới đây:

– Xuất hiện các triệu chứng của bệnh mạch vành, chẳng hạn như đau thắt ngực; tê tay, vai, cổ, hàm trái… không thể giải thích bằng các xét nghiệm khác.

– Đau ngực mới xuất hiện và ngày càng gia tăng (đau thắt ngực không ổn định).

– Khuyết tật tim bẩm sinh.

– Kết quả thử nghiệm gắng sức của tim bất thường.

– Các vấn đề về mạch máu khác hoặc chấn thương ngực.

– Bệnh van tim cần phẫu thuật.

Tuy nhiên, chụp mạch vành vẫn còn tiềm ẩn 1 số rủi ro nên người bệnh thường chỉ được chỉ định thực hiện sau khi tiến hành các xét nghiệm không xâm lấn khác như điện tâm đồ, siêu âm tim, bài kiểm tra căng thẳng tim… và nghi ngờ mắc bệnh mạch vành.

Chụp mạch vành có nguy hiểm không?

Cũng như hầu hết các thủ thuật được thực hiện trên tim và mạch máu, chụp mạch vành qua da có thể gây ra một số rủi ro nhất định và rất may các biến chứng lớn là rất hiếm. Các biến chứng tiềm năng bao gồm:

– Nhồi máu cơ tim.

– Đau tim.

– Tổn thương động mạch trên đường đi của ống thông tim.

– Rối loạn nhịp tim.

– Dị ứng với thuốc nhuộm hoặc thuốc gây tê, gây mê được sử dụng trong suốt quá trình chụp mạch vành tim.

– Tổn thương thận.

– Chảy máu.

– Nhiễm trùng.

Chụp mạch vành ở đâu uy tín?

Hiện nay chụp mạch vành đã được áp dụng khá phổ biến trên cả nước, dưới đây là một số địa chỉ bệnh viện uy tín mà bạn có thể tham khảo để tiến hành thủ thuật này:

Tại miền Bắc

– Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Số 1, đường Trần Thánh Tông, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

– Bệnh viện Việt Đức: Số 14, đường Phủ Doãn, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

– Viện tim Hà Nội: Số 92, đường Trần Hưng Đạo, phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

– Viện tim mạch – Bệnh viện Bạch Mai: Số 78, đường Giải Phóng, phường Phương Đình, quận Đống Đa, Hà Nội.

Tại miền Nam

– Viện tim mạch TP. HCM: Số 86, đường Thành Thái, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh

– Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM: Số 215, đường Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh

– Bệnh viện nhân dân 115: Số 527, đường Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, Tp. Hồ Chí Minh

Chụp mạch vành hết bao nhiêu tiền?

Chi phí chụp mạch vành có thể từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng bao gồm thuốc men, thiết bị y tế, tiền công thủ thuật… Tùy từng bệnh viện nơi người bệnh tiến hành thủ thuật mà chi phí có thể khác nhau đôi chút. Bảo hiểm y tế sẽ hỗ trợ 1 phần chi phí tùy theo mức bảo hiểm của người bệnh là đúng tuyến hay trái tuyến.

Trên đây là toàn bộ những thông tin về chụp mạch vành mà người bệnh cần nắm rõ trước khi tiến hành. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào cần tư vấn giải đáp thêm, hãy gọi ngay đến số điện thoại 024.3775.9051 (trong giờ hành chính) để được hỗ trợ.

Xem thêm:

8 phương pháp chẩn đoán bệnh mạch vành

Đặt ống stent mạch vành hết bao nhiêu tiền?

Đặt stent có nguy hiểm không? – Những rủi ro thường gặp

Ds. Lê Lương

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/coronary-angiogram/about/pac-20384904

Viết bình luận