Bản tin Y khoa

Chấm đen ở mắt có thể tăng lên nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời

Ngày đăng: 6 Tháng Mười Hai, 2019
5/5 - (2 bình chọn)

Theo một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí Investigative Ophthalmology & Visual Science, ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp vitamin D tốt, nhưng nếu tiếp xúc với ánh mặt trời quá lâu có thể làm tăng nguy cơ phát triển các chấm đen ruồi bay ở mắt

Mặc dù không quá nghiêm trọng nhưng chấm đen trong mắt chính là dấu hiệu đặc trưng của một số bệnh lý nhãn khoa gây giảm hoặc mất thị lực như đục thủy tinh thể, đục dịch kính hay bong rách võng mạc. Trong suốt quá trình nghiên cứu, hơn 600 người tham gia tại các bể bơi công cộng ở Styria, Áo đã được kiểm tra mắt để phát hiện ra các chấm đen, và theo dõi thói quen bảo vệ mắt khỏi ánh nắng mặt trời.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, sự phát triển của các chấm đen trong mắt tỷ lệ thuận với sự gia tăng tuổi tác, số lần tắm nắng và thời gian tắm nắng lâu tới mức gây rộp da. Ngược lại, người có đôi mắt màu tối, người duy trì thói quen bảo vệ khỏi ánh nắng bằng cách đeo kính lại ít có nguy cơ bị chấm đen ở mắt hơn.

Chấm đen ở mắt có thể tăng lên nếu tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời

Nghiên cứu cũng chỉ ra một điều khá thú vị là vị trí các chấm đen xuất hiện không đều ở mắt. Chấm đen thường xuất hiện nhiều nhất ở góc phần tư khóe mắt (vị trí cách xa mũi). Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết điều này có thể do lông mày và mũi đã che chắn phần góc mắt sát mũi khỏi ánh nắng mặt trời, làm giảm tiếp xúc cũng như nguy cơ hình thành chấm đen.

Tác giả nghiên cứu, Christoph Schwab – bác sĩ nhãn khoa tại Đại học Y khoa Graz, Áo khẳng định “Mặc dù hiện tại chúng tôi chưa đánh giá được chính xác tác hại của ánh sáng mặt trời với một số bệnh về mắt nhưng việc xuất hiện chấm đen cho thấy mối tương quan giữa việc tiếp xúc thường xuyên với ánh nắng mặt trời có thể tác động không tốt đến mắt của chúng ta”.

Phạm Hương

 

Viết bình luận