Theo thống kê tại nước Anh cho biết, cứ 3 người thì có 1 người bị cận thị và tình trạng này đang ngày càng phổ biến hơn, đặc biệt là ở trẻ em. Cận thị (hay còn gọi là thiển cận) không phải là tên gọi của một bệnh về mắt, mà là tật khúc xạ rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em. Người bị cận thị khi nhìn các vật ở xa sẽ thấy mờ, trong khi các vật ở khoảng cách gần thì hình ảnh lại rõ ràng.
Ánh sáng khi đi qua giác mạc (lớp trong suốt ở phía trước của mắt), thủy tinh thể, dịch kính sẽ được tập trung lên võng mạc (lớp mô nhạy cảm với ánh sáng nằm ở mặt sau của mắt). Tại võng mạc, tia sáng sẽ được chuyển thành tín hiệu qua dây thần kinh thị giác đưa lên não bộ phân tích để chuyển thành hình ảnh.
Để hình ảnh thu được rõ ràng, giác mạc phải có độ cong đều và có độ dài phù hợp. Ở những người có tật cận thị, giác mạc có kích thước dài hơn người bình thường, điều này làm cho các hình ảnh ở phía xa sẽ không rơi đúng vào võng mạc, kết quả là não bộ sẽ trả kết quả “mờ nhạt”. Tật cận thị có xu hướng tiến triển từ mức độ nhẹ trở thành nặng, làm tầm nhìn bị ảnh hưởng đáng kể.
Hình ảnh mô phỏng hình ảnh thu được ở mắt bình thường và mắt bị tật cận thị
Có rất nhiều nguyên nhân gây tật cận thị, ở trẻ em có một số yếu tố nguy cơ dưới đây:
– Gen di truyền: nếu ba hoặc mẹ bị tật cận thị thì con có nguy cơ cao mắc theo.
– Trẻ thường xuyên tiếp xúc, học tập, vui chơi trong môi trường ánh sáng thiếu.
– Mắt phải làm việc thường xuyên liên tục như đọc sách, xem phim, nghịch điện thoại trong thời gian dài.
Trong những trường hợp dưới đây, con bạn sẽ có nguy cơ cao bị tật cận thị:
– Cần phải ngồi gần ti vi.
– Thường xuyên dụi mắt.
– Cảm giác hay đau đầu hoặc mỏi mắt.
– Khó đọc được chữ trên bảng khi đi học và phải ngồi gần lên phía trên.
Đôi mắt là bộ phận quan trọng chính yếu của cơ thể, vì thế cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt định kỳ ít nhất hai năm/lần, đặc biệt ngay khi thấy xuất hiện những biểu hiện trên.
Không có thuốc điều trị cận thị, mà bác sĩ sẽ tư vấn cho gia đình bạn lựa chọn các giải pháp sau:
– Sử dụng kính cận: là giải pháp rẻ nhất và được nhiều cha mẹ lựa chọn. Thay vì kính gọng trẻ có thể sử dụng kính áp tròng.
– Phẫu thuật lasik: sử dụng tia laser để thay đổi hình dạng của giác mạc.
– Ghép thấu kính: một thấu kính được ghép vĩnh viễn vào mắt, giúp tập trung chính xác hình ảnh, nhưng đây cũng là phương pháp có chi phí thực hiện cao.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên khuyến khích trẻ thường xuyên dành thời gian vui chơi ngoài trời, không để mắt phải làm việc quá sức và dành thời gian để mắt thư giãn. Trong bữa ăn của trẻ, nên thêm các thực phẩm tốt cho mắt như cà rốt, cà chua, đu đủ, gấc…
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Theo nguồn: http://www.nhs.uk/
Tin liên quan
Viết bình luận