Bệnh mạch vành

Cảnh giác cao độ với hội chứng suy tim mất bù

Ngày đăng: 21 Tháng Mười Hai, 2020
5/5 - (1 bình chọn)

Suy tim mất bù cấp là một trong những nguyên nhân nhập viện phổ biến nhất ở người bệnh trên 65 tuổi.  Hiểu rõ về hội chứng này sẽ giúp người bệnh phòng ngừa và bình tĩnh ứng phó khi biến cố xảy ra.

Suy tim mất bù là gì? 

Suy tim mất bù là tình trạng suy tim đã có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng của tim khiến cho tim không thể đáp ứng đủ nhu cầu máu của cơ thể. Thuật ngữ “mất bù” hay “còn bù” nói đến khả năng tự bù trừ của tim. Trong đó, suy tim còn bù là khi tim vẫn còn có khả năng giãn rộng, tăng nhịp đập… để bù đắp lượng máu bị thiếu hụt do suy tim và người bệnh không gặp phải triệu chứng gì; còn suy tim mất bù là khi mọi cơ chế bù trừ của tim tỏ ra không còn hiệu quả nữa, người bệnh sẽ cảm nhận rõ rệt các triệu chứng suy tim.

Suy tim mất bù là nguyên nhân nhập viện chủ yếu ở người bệnh trên 65 tuổi

Triệu chứng suy tim mất bù

Khi tim đã chuyển sang trạng thái mất bù, các triệu chứng suy tim sẽ trở nên rầm rộ và tiến triển ngày một nặng hơn. Các triệu chứng đó là:

– Khó thở, hụt hơi khi gắng sức, khi nằm hoặc cúi xuống.

– Ho khan hoặc có thể lẫn đờm là dấu hiệu của tích trữ dịch trong phổi.

– Mệt mỏi nhiều hơn, xuất hiện cả khi người bệnh chỉ vận động nhẹ hoặc nghỉ ngơi.

– Trống ngực, tim đập nhanh.

– Lú lẫn, hay quên, giảm sự tập trung.

– Buồn nôn, chán ăn, đầy bụng.

– Phù mềm, ấn lõm ở chân, bụng; dễ nhận thấy nhất là mắt cá chân sưng phù.

Nguyên nhân gây suy tim mất bù

Bệnh mạch vành được coi là nguyên nhân phổ biến nhất của suy tim mất bù. Ngoài ra, suy tim mất bù còn có thể do một số nhóm nguyên nhân gây ra như:

– Do quá tải áp lực: Tăng huyết áp, hẹp eo động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại, suy chức năng van động mạch chủ, thuyên tắc phổi…

– Do quá tải thể tích: Hở van động mạch chủ, suy tim cung lượng cao do nhiễm độc giáp, bệnh Beriberi (thiếu vitamin B1); ngưng thuốc lợi tiểu đột ngột…

– Do giảm đổ đầy thất trái: Hẹp van 2 lá, hội chứng chèn ép tim cấp tính…

– Do bệnh cơ tim: viêm cơ tim, bệnh cơ tim giãn, nhiễm độc cơ tim do thuốc.

– Do rối loạn nhịp tim nhanh hoặc chậm.

Một số yếu tố nguy cơ như béo phì, tuổi cao, hút thuốc lá, lười vận động… cũng góp phần gây ra suy tim mất bù.

Các phương pháp điều trị suy tim mất bù

Điều trị bằng thuốc

– Thuốc giãn mạch, hạ áp: nhóm ức chế men chuyển, chẹn thụ thể Angiotensin II, chẹn kênh canxi…

– Thuốc lợi tiểu: giúp giảm triệu chứng phù, ho khan, khó thở do ứ nước; giảm khối lượng tuần hoàn để giảm bớt gánh nặng cho tim.

– Thuốc chống loạn nhịp tim: giảm nhịp tim nhanh, trống ngực.

– Thuốc chống đông máu: giúp ngăn ngừa cục máu đông xuất hiện gây biến chứng nhồi máu cơ tim, đột quỵ…

– Thuốc trợ tim: để tăng lực co bóp, cải thiện khả năng làm việc của tim.

– Thuốc an thần: giúp giảm bớt căng thẳng, lo lắng cho người bệnh.

Ngoài những thuốc kể trên, các chuyên gia Tim mạch khuyến cáo người bệnh nên kết hợp sử dụng cùng những thảo dược có tác dụng giãn mạch, hoạt huyết và chống đông máu tốt như Bồ hoàng, Hoàng bá, Natto… Giải pháp này sẽ làm tăng hiệu quả kiểm soát triệu chứng đau ngực, khó thở, phù chi… và kéo dài tuổi thọ cho người bệnh suy tim mất bù.

Duy trì thói quen sống khoa học

– Thay đổi chế độ ăn uống: Ăn giảm muối (dưới 1,5g muối/ngày), cắt giảm thực phẩm chứa nhiều chất béo, đường. Tăng cường bổ sung nhiều chất xơ, kali có trong các loại rau củ như cà chua, dưa hấu, bưởi, trái bơ, măng tây, rau họ cải…

– Bỏ hút thuốc lá, đồng thời tránh xa môi trường có nhiều khói thuốc.

– Tập thể dục thường xuyên: Ít nhất 30 phút mỗi ngày, người bệnh nên dành thời gian cho các bài tập vừa sức như đi bộ, đạp xe, yoga, thể dục nhịp điệu… tùy theo khả năng và sở thích của mình.

– Giữ tinh thần thoải mái: Người bệnh suy tim mất bù thường suy nghĩ, lo lắng về bệnh tình của mình, điều này sẽ khiến tình trạng sức khỏe trở nên xấu đi. Do đó, người bệnh cần giải tỏa căng thẳng bằng cách trò chuyện cùng người thân, tham gia câu lạc bộ, xem các chương trình giải trí, tập thể dục…

– Thăm khám sức khỏe tim mạch định kì: Ít nhất mỗi năm 1 lần người bệnh cần đi khám để kiểm tra sức khỏe hoặc đi khám ngay khi thấy các triệu chứng bệnh trở nên xấu đi.

Người bệnh suy tim mất bù cần được khám sức khỏe tim mạch định kì

Phẫu thuật

Một số trường hợp suy tim mất bù nghiêm trọng, người bệnh cần phải thực hiện các can thiệp để giải quyết nguyên nhân gây suy tim. Chẳng hạn như nong mạch, đặt stent, mổ bắc cầu động mạch vành trong trường hợp bệnh mạch vành là nguyên nhân gây ra suy tim; hoặc sửa chữa/thay van tim trong trường hợp bệnh van tim gây suy tim mất bù. Để ổn định nhịp tim, người bệnh có thể được cấy máy khử rung tim hoặc máy tạo nhịp.

Phẫu thuật ghép tim sẽ được tiến hành khi mọi phương pháp điều trị khác không còn hiệu quả và tìm được tim hiến tặng phù hợp với người bệnh. Trong thời gian chờ ghép tim, người bệnh có thể được cấy thiết bị hỗ trợ tâm thất để tim bơm máu được hiệu quả hơn.  

Hiện nay các liệu pháp điều trị tiên tiến ra đời đã giúp người bệnh sống lâu hơn với suy tim mất bù. Song song với đó, người bệnh cũng cần nâng cao ý thức phòng và trị bệnh để đơn giản hóa và nâng cao kết quả điều trị.     

Xem thêm:      

8 dấu hiệu suy tim cần nhận biết sớm để trị kịp thời

Điều trị suy tim – Cập nhật những giải pháp trị phổ biến nhất

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2801958/vd

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4878602/dv

Viết bình luận