Bản tin Y khoa

Cảnh báo: Cúm mùa có thể gây biến chứng lên tim mạch

Ngày đăng: 2 Tháng Mười, 2020
5/5 - (1 bình chọn)

Bên cạnh nỗi lo lắng về đại dịch Covid, nghiên cứu mới được đăng tải ngày 24/08/2020 trên Biên niên sử về Y học nội khoa Hoa Kỳ đã đưa ra lời nhắc nhở về mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh cúm mùa đối với tim mạch.

Bệnh cúm mùa là gì?

Cúm mùa là bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm gây nên. Các triệu chứng của cúm mùa thường bao gồm sốt cao đột ngột kèm rét run, ho, đau đầu, nhức mỏi toàn thân, đau họng, hắt hơi, nghẹt mũi. Hầu hết, bệnh cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai.

Cúm mùa có thể gây biến chứng tim mạch nghiêm trọng

Nghiên cứu của nhóm TS Shikha Garg, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã xem xét 90.000 ca nhập viện vì cúm mùa ở 17 bang của Hoa Kỳ, từ năm 2010 cho đến 2018 và chỉ có khoảng 12% trong số đó bị biến chứng tim mạch.

Cúm mùa có thể gây biến chứng tim nghiêm trọng

Tiến sĩ Kathryn Edwards tại Đại học Y khoa Vanderbilt ở Nashville cho biết: Cúm mùa không chỉ đơn thuần là một cơn cảm lạnh. Mức độ nghiêm trọng của căn bệnh này nhiều khi không được đánh giá chính xác. Việc tiêm phòng cúm hàng năm luôn được khuyến khích, đặc biệt là đối với những người trên 65 tuổi và những người mắc một số bệnh mạn tính như bệnh tim, tiểu đường và hen suyễn, vì những người bệnh này có nguy cơ cao bị biến chứng cúm.

Các phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm – đặc biệt là trong năm nay. Đó là một phần để tránh tình trạng bệnh viện bị quá tải bởi cả bệnh nhân cúm thông thường và bệnh nhân nhiễm COVID.

Tiến sĩ Edwards cho biết thêm, bệnh cúm mùa có thể trực tiếp gây ra các biến chứng về tim, bằng cách thúc đẩy tình trạng viêm nhiễm trên toàn cơ thể.  Trong số các bệnh nhân tham gia nghiên cứu bị biến chứng tim, gần 1/3 số người phải vào phòng chăm sóc tích cực và 7% trong số đó tử vong.

Đồng thời, ông cũng khuyến cáo tất cả trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi trở lên đều cần tiêm chủng phòng ngừa cúm. Mặc dù, tiêm phòng thường chỉ có hiệu quả khoảng 50%, nhưng ngay cả khi nó không ngăn chặn hoàn toàn sự lây nhiễm cúm, tiêm phòng vẫn có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Năm nay có sự xuất hiện của cả virus cúm mùa và SARS-COV-2, bởi vậy, mọi người càng nên tiêm phòng cúm sớm. Có thể những nỗ lực nhằm chống lại COVID – 19 từ các biện pháp cách ly xã hội đến rửa tay, đeo khẩu trang… cũng sẽ giúp giảm nguy cơ lây nhiễm cúm, nhưng những điều đó không thay thế cho việc tiêm chủng. Vắc xin cúm an toàn và là công cụ quan trọng nhất để phòng ngừa, đó cũng chính là điều mà Tiến sĩ Garg của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Phạm Hương

 

Viết bình luận