Phẫu thuật đục thủy tinh thể là một phương pháp hiệu quả để lấy lại thị lực cho người bị đục thủy tinh thể – bệnh lý về mắt liên quan đến lão hóa. Phẫu thuật này có tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên, để đạt được những kết quả tốt nhất, người bệnh cần được chăm sóc và theo dõi cẩn thận sau phẫu thuật.
Đục thủy tinh thể là hiện tượng protein – thành phần cấu tạo nên thủy tinh thể tập trung thành đám khiến cho thủy tinh thể bị mờ đục và không cho tia sáng lọt qua. Khi đó, võng mạc sẽ không nhận được hình ảnh từ bên ngoài và cuối cùng dẫn đến suy giảm thị lực.
Bệnh đục thủy tinh thể nặng ảnh hưởng lớn tới tầm nhìn và cuộc sống hàng ngày của người bệnh, vì vậy, việc điều trị là rất cần thiết. Cho tới nay, mổ đục thủy tinh thể là phương pháp nhanh nhất để lấy lại thị lực cho người bệnh.
Mục lục
Mổ thay thủy tinh thể gồm có 2 giai đoạn: Loại bỏ thủy tinh thể bị đục và cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo trong suốt (còn gọi là ống kính nội nhãn – IOL). Phẫu thuật diễn ra trong khoảng thời gian chưa đến 1 giờ đồng hồ và người bệnh có thể xuất viện ngay trong ngày.
Mổ đục thủy tinh thể thường không gây đau và hầu hết người bệnh vẫn tỉnh táo trong quá trình phẫu thuật. Đối với những người bị đục thủy tinh thể cả hai mắt, bác sỹ sẽ chỉ định mổ một bên mắt trước, mắt còn lại sẽ được thay thủy tinh thể sau đó ít nhất một tháng.
Mổ đục thủy tinh thể là một trong những phẫu thuật an toàn nhất hiện nay với tỷ lệ biến chứng rất thấp. Hầu hết các biến chứng xảy ra đều không nghiêm trọng:
Sưng và viêm: Xảy ra trong một vài ngày hoặc một vài tuần sau phẫu thuật. Biến chứng này đặc biệt nguy hiểm với những người bệnh đang mắc kèm viêm màng bồ đào.
Bong võng mạc: Trong trường hợp hy hữu, võng mạc ở phía sau của mắt có thể bị bong ra.
Tăng nhãn áp: Đây là tình trạng áp suất của chất lỏng bên trong mắt tăng lên. Nguy cơ tăng nhãn áp là rất thấp.
Nhiễm trùng: Biến chứng này rất ít khi xảy ra (khoảng 0.2%).
Xuất huyết bên trong mắt.
Đục bao sau (posterior capsular opacification): là một trong những biến chứng phổ biến của phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Kháng sinh tại chỗ giúp phòng ngừa nhiễm trùng ở vị trí phẫu thuật. Bác sỹ có thể yêu cầu người bệnh dùng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ corticosteroid để giảm viêm, tuy nhiên các thuốc này có thể làm tăng áp lực trong mắt.
Sau phẫu thuật, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) để giảm đau. Các thuốc thường được sử dụng bao gồm diclofenac, ketorolac, naproxen, voltaren và thuốc NSAIDs thế hệ mới như bromfenac (Xibrom) và nepafenac (Nevanac).
Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ.
Dùng thuốc kháng sinh tại chỗ phòng ngừa nhiễm trùng tại vị trí phẫu thuật
Sau mổ đục thủy tinh thể, do phần bao sau của thủy tinh thể vẫn được giữ lại nên nguy cơ bị mờ đục lớp màng này có thể xảy ra làm suy giảm thị lực. Để phòng ngừa biến chứng này xảy ra, người bệnh cần bổ sung những sản phẩm bổ mắt có chứa các chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng thấm tốt vào các mô mắt như Alpha lipoic acid kết hợp cùng các dưỡng chất thiết yếu cho mắt như vitamin B2, kẽm…
Người bệnh thường rời khỏi phòng mổ trong vòng một giờ sau phẫu thuật, không phải ở lại bệnh viện qua đêm. Vì mới phẫu thuật mắt nên người bệnh cần có người chăm sóc và hỗ trợ đi lại trong vài ngay sau phẫu thuật hoặc cho đến khi tầm nhìn được cải thiện.
Người bệnh thường được kiểm tra lại thị lực ngay sau khi phẫu thuật và sau đó một tháng. Nếu cần thiết, họ cần thăm khám bổ sung theo lịch hẹn của bác sỹ.
Mắt của người bệnh có thể bị mờ trong một thời gian nhất định nhưng sẽ được cải thiện dần dần, thường là khoảng 2 – 6 tuần (hoặc có thể lâu hơn). Khi tình trạng đã ổn định, họ sẽ được kê một đơn thuốc cùng với kính bảo vệ mắt.
Quá trình bảo vệ mắt sau phẫu thuật bao gồm:
– Vệ sinh mắt và thay băng: Trong thời gian chờ hồi phục, mắt của người bệnh được băng lại để bảo vệ khỏi các tác nhân bên ngoài. Khi thay băng, nên làm sạch mắt bằng một chiếc khăn thấm nước ấm, không dùng xà phòng. Dùng một miếng băng mới để thay thế ngay sau đó.
Mắt cần được băng lại bằng gạc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
– Không được ấn, chà xát hoặc tác động mạnh vào mắt sau phẫu thuật.
– Nên sử dụng một miếng chắn mắt đặt lên trên băng vào ban đêm để tránh mắt bị tổn thương trong khi ngủ.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể đẫn dến tăng nhãn áp – tình trạng áp suất của chất lỏng bên trong mắt tăng lên. Vì thế, người bệnh nên tránh các hoạt động gây tăng nhãn áp, bao gồm:
– Hạn chế các bài tập thể dục mạnh và vận động mạnh.
– Không cúi người. Nếu cần thực hiện các hoạt động dưới thấp, nên ngồi hoặc quỳ hẳn xuống
– Không nâng vật lên cao.
– Hạn chế đọc sách báo.
– Khi ngủ, nên nằm ngửa hoặc nằm nghiêng sang bên mắt không phẫu thuật.
Chăm sóc đúng cách sau mổ đục thủy tinh thể sẽ giúp mắt của bạn mau lành lại và tầm nhìn được khôi phục một cách tốt nhất.
Ds. Mai Linh
Tham khảo: http://umm.edu/health/medical/reports/articles/cataracts
Tin liên quan
Viết bình luận