Động kinh là một trong những rối loạn thường gặp nhất của hệ thần kinh, có thể ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, chủng tộc và giới tính. Có nhiều loại bệnh động kinh khác nhau tùy theo triệu chứng và khu vực não bộ bị tổn thương, thường được chia làm hai nhóm chính: Động kinh toàn thể và động kinh cục bộ.
Chẩn đoán chính xác loại bệnh động kinh giúp cho việc điều trị và quản lý bệnh trở nên dễ dàng hơn. Dựa theo triệu chứng và đặc điểm của cơn động kinh, người bệnh có thể tự xác định được loại bệnh mà mình đang gặp phải.
Mục lục
Động kinh toàn thể xuất hiện khi đồng thời tất cả các khu vực của não bộ bị tổn thương và có sóng điện não bất thường. Nhiều trường hợp sóng động kinh khởi phát và lan truyền rất nhanh chóng trong não nên không thể xác định được cụ thể vị trí tổn thương ban đầu. Đặc điểm này khiến cho nhiều người bệnh không thể điều trị bằng phẫu thuật não (phẫu thuật loại bỏ một phần não bộ – nơi bắt nguồn cơn động kinh). Động kinh toàn thể bao gồm các loại sau:
Động kinh vắng ý thức rất phổ biến, có thể xuất hiện đột ngột vào bất kỳ lúc nào mà không có dấu hiệu cảnh báo. Khi cơn động kinh xảy ra, người bệnh thường bất động, đánh rơi đồ vật và nhìn chằm chằm vào không gian, nháy mắt, giật cơ miệng… Cơn động kinh vắng ý thức thường kéo dài không quá 15 giây và có thể xảy ra nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân không thể nhớ những gì xảy ra trong quá trình lên cơn động kinh, họ tiếp tục trở lại công việc đang làm dở ngay sau khi cơn động kinh kết thúc. Với các triệu chứng này, bệnh rất khó phát hiện và thường bị nhầm lẫn với trạng thái mơ mộng. Trước đây, động kinh vắng ý thức được biết đến với tên gọi động kinh cơn nhỏ (petit mal seizures).
Lựa chọn điều trị cho bệnh động kinh vắng ý thức bao gồm: Thuốc, kích thích thần kinh phế vị, chế độ ăn ketogenic dành riêng cho người động kinh.
Động kinh múa giật gây co rút ở tay, chân
Động kinh múa giật dẫn đến sự gia tăng trương lực cơ. Người bệnh thường có triệu chứng giống như gặp phải một cú sốc điện đột ngột, co rút nhẹ ở tay và chân. Thông thường những cơn động kinh loại này xảy ra chẳng bao lâu sau khi thức dậy hoặc sắp đi ngủ, lúc người bệnh cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Bệnh nhân có thể bị mất ý thức thoáng qua. Ngủ không đủ giấc có thể làm tăng tần suất và mức độ của bệnh động kinh múa giật.
Động kinh múa giật có thể được điều trị bằng thuốc, kích thích thần kinh phế vị, chế độ ăn đặc biệt cho người bệnh động kinh và phẫu thuật nếu phù hợp.
Động kinh co cứng – co giật trước đây được biết đến với tên gọi “động kinh cơn lớn” (grand mal seizures). Đây là loại bệnh động kinh đáng sợ nhất với các triệu chứng mà hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến nói đến bệnh động kinh. Cơn co cứng – co giật trải qua hai giai đoạn:
– Giai đoạn co cứng (tonic): kéo dài khoảng 20 –30 giây. Hầu hết các bệnh nhân bị mất ý thức ngay khi bắt đầu giai đoạn co cứng, vì vậy họ không được tự chứng kiến cơn động kinh của mình. Trong giai đoạn này, các cơ ở chân tay và toàn thân đột ngột co cứng, người ngã vật xuống đất, mắt mở to, trợn ngược lên trên, đầu quay về một bên, hai hàm răng nghiến chặt. Các cơ ngực cũng bị co thắt dẫn đến ngưng thở vài giây, môi và khuôn mặt tím tái.
Nhiều người quan niệm rằng, người bệnh có thể bị cắn vào lưỡi nên cố gắng đưa một vật gì đó vào miệng. Tuy nhiên, việc cắn vào lưỡi thực sự là điều không thể và bất kỳ nỗ lực nào để mở miệng người bệnh đang cắn chặt có thể sẽ gây hại nhiều hơn là lợi, do vậy, không nên có bất kỳ tác động vào người bệnh, bao gồm việc nhét vật cứng giữa hai hàm răng.
– Giai đoạn co giật (clonic): kéo dài khoảng 30 – 60 giây. Thông thường sau giai đoạn co cứng, các cơ bắp bắt đầu thư giãn và chuyển sang co giật. Người bệnh có thể giật chân tay hoặc cả toàn thân với tốc độ nhanh mạnh lúc đầu và giảm dần khi đến cuối cơn, miệng sùi bọt mép và có thể không tự chủ về tiểu tiện hay đại tiện.
Sau khi ngừng co giật, các cơ bắt đầu giãn mềm, bệnh nhân vẫn mất ý thức, thở dài và dần hồi phục trong trong khoảng 1 phút . Khi tỉnh lại, người bệnh thường bị đau cơ bắp và cảm thấy mệt mỏi hoặc lú lẫn. Một số người chỉ trải qua giai đoạn co giật mà không bị co cứng, và ngược lại.
Các phương pháp điều trị động kinh co cứng – co giật bao gồm: Thuốc, kích thích thần kinh phế vị, chế độ ăn đặc biệt cho người bệnh động kinh và phẫu thuật nếu phù hợp.
Động kinh nhược cơ gây mất trương lực, làm người bệnh bị ngã và có thể bị thương
Ngược lại với động kinh múa giật, loại bệnh này lại làm cho các cơ bắp mềm nhũn, người bệnh bị ngã gục và có thể bị thương. Cơn mất trương lực cơ có thể là dấu hiệu của hội chứng Lennox-Gastaut.
Người bệnh cần kết hợp điều trị hai hoặc nhiều phương pháp sau để kiểm soát động kinh nhược cơ: Dùng thuốc chống động kinh, cấy thiết bị kích thích thần kinh phế vị, áp dụng chế độ ăn ketogenic hoặc phẫu thuật nếu phù hợp.
Động kinh cục bộ bắt nguồn từ sự tổn thương của một khu vực nhất định bên trong não bộ. Bằng cách quan sát các vị trí cơ thể bị ảnh hưởng bởi cơn động kinh, các bác sỹ có thể xác định được khu vực nào trong não bộ gây ra tình trạng này. Động kinh cục bộ được phân loại thành:
Vì người bệnh tỉnh táo trong suốt cơn động kinh nên loại bệnh này còn được gọi là động kinh cục bộ không mất ý thức. Động kinh cục bộ đơn giản bắt nguồn từ một bên não bộ nhưng có thể lan truyền sang bên còn lại. Tùy thuộc vào vị trí khởi phát trong não và các bộ phận bị ảnh hưởng, động kinh cục bộ đơn giản được chia thành các loại sau:
– Cơn cục bộ đơn giản với triệu chứng vận động: Cơn động kinh ảnh hưởng tới hoạt động của cơ bắp, gây ra chuyển động co giật ở bàn chân, mặt, cánh tay hoặc một phần khác trên cơ thể. Bác sỹ có thể chẩn đoán được phía nào của não bị ảnh hưởng dựa trên các triệu chứng lâm sàng (não trái kiểm soát vận động bên phải và ngược lại).
– Cơn cục bộ đơn giản với triệu chứng cảm giác: Các triệu chứng liên quan trực tiếp tới hoạt động của các giác quan (thính giác, thị giác, khứu giác, vị giác, cảm giác cơ thể…).
– Cơn cục bộ đơn giản với triệu chứng tự trị: Ảnh hưởng tới khu vực kiểm soát các chức năng không tự chủ của não bộ (thần kinh tự trị). Loại bệnh này gây ra những thay đổi về huyết áp, nhịp tim, chức năng ruột…
– Cơn cục bộ đơn giản với rối loạn về tâm lý: Ảnh hưởng tới khu vực chịu trách nhiệm về cảm xúc của não bộ, gây ra cảm giác sợ hãi, lo lắng, giận dữ, ảo tưởng, hội chứng déjà vu (cảm giác rằng cái gì đó đã từng trải qua trước đó mà thực tế không phải như vậy)…
Động kinh cục bộ phức tạp gây mất ý thức
Cơn động kinh cục bộ phức tạp có thể bắt nguồn từ một thùy não bất kỳ, gây ra sự thay đổi về nhận thức, thậm chí mất ý thức. Cơn động kinh cục bộ phức tạp thường khởi đầu bằng một cơn động kinh cục bộ đơn giản. Các triệu chứng động kinh cục bộ đơn giản được xem như là dấu hiệu cảnh báo và thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như cảm giác sợ hãi, đột nhiên thấy buồn cười…
Bệnh nhân thường có biểu hiện ngây người, nhìn chằm chằm vào không gian hoặc thực hiện các động tác lặp đi lặp lại không có mục đích. Động kinh cục bộ có thể được điều trị bằng thuốc, phương pháp kích thích thần kinh phế vị, chế độ ăn dành riêng cho người bệnh động kinh hoặc phẫu thuật.
Động kinh là một bệnh rất phức tạp do có liên quan đến bộ phận chứa nhiều bí ẩn nhất của cơ thể con người – não bộ. Mặc dù cơn động kinh có thể làm cho chúng ta cảm thấy hoảng sợ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, cơn động kinh sẽ tự thuyên khi được điều trị bằng thuốc đúng cách.
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo: www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/epilepsy/seizures/types/
Tin liên quan
Viết bình luận