Bệnh động kinh

Chế độ ăn ketogenic: Lợi ích và rủi ro đối với trẻ động kinh

Ngày đăng: 25 Tháng Mười, 2016
5/5 - (2 bình chọn)

Động kinh ở trẻ em hiện nay đang được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Trong đó, có một phương pháp điều trị dựa vào chế độ ăn uống có tên là Ketogenic. Phương pháp này là gì và những lợi ích cũng như những rủi ro nó mang lại sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.

Chế độ ăn ketogenic là gì?

 Chế độ ăn Ketogenic là một trong những phương pháp điều trị cho trẻ mắc động kinh khó kiểm soát – khi việc sử dụng thuốc để khống chế cơn động kinh không có hiệu quả hoặc gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sức khỏe của trẻ. Điều trị động kinh bằng chế độ ăn ketogenic đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, phải được theo dõi một cách chặt chẽ, đặc biệt là trong những tháng đầu tiên.

 Chế độ ăn ketogenic chủ yếu gồm các chất béo, lượng carbohydrate thấp và lượng protein vừa đủ. Thuật ngữ “ketogenic” dùng để chỉ sự phân hủy chất béo trong cơ thể và sản sinh ra ketone. Năng lượng sẽ được lấy chủ yếu từ chất béo thay vì đường glucose. Chế độ ăn này đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm các cơn động kinh, co giật.

Chế độ ăn giàu chất béo, ít carbohydrate và lượng vừa đủ protein

Thực hiện chế độ ăn Ketogenic như thế nào?

 Chế độ ăn ketogenic đã được sử dụng trong nhiều năm qua và giúp làm giảm co giật ở hàng ngàn bệnh nhân. Đối với trẻ nhỏ, việc áp dụng chế độ ăn này cần có sự giám sát của một nhóm chuyên gia. Một số nước trên thế giới có cơ sở điều trị bằng chế độ ketogenic dành riêng cho trẻ động kinh. Khi bắt đầu đến cơ sở điều trị, trẻ được cho uống một lượng nhỏ nước hoặc dung dịch không đường, không được phép ăn hoặc uống bất kỳ thứ gì khác khi chưa có sự đồng ý của chuyên gia dinh dưỡng. 

Sau 24h ở cơ sở điều trị, trẻ sẽ được bắt đầu chế độ ăn ketogenic với hàm lượng calorie, protein, carbohydrate và chất béo cố định. Trong mỗi bữa ăn, lượng thức ăn sẽ được cân đo chính xác theo tỷ lệ khuyến cáo. Trẻ được bổ sung thêm vitamin và calcium để đảm bảo cho sự phát triển bình thường.

 Hầu hết trẻ đầu tuân thủ theo chế độ ăn ketogenic khá tốt. Ban đầu, trẻ có thể buồn ngủ, nôn mửa, hoặc không muốn ăn những bữa ăn đầu tiên theo chế độ này. Nhưng tình trạng này sẽ nhanh chóng kết thúc.

 Trẻ có thể thích ứng với chế độ ăn này trong vòng 48h đầu, nhưng để thấy được hiệu quả, chế độ ăn này nên duy trì ít nhất 3 tháng. Nếu sau 3 tháng đầu trẻ nhận được nhưng lợi ích rõ rệt từ chế độ ăn ketogenic, liều lượng thuốc chống động kinh của trẻ sẽ được cân nhắc giảm xuống.

 Trước khi trẻ được xuất viện, phụ huynh hoặc người chăm sóc sẽ được hướng dẫn cách để kiểm tra lượng ketone trong nước tiểu của trẻ. Điều này cần thực hiện ít nhất 1 lần/ngày trong vài tháng đầu tiên. Nếu con của bạn đã hết những cơn co giật, thì việc kiểm tra ketone trong nước tiểu chỉ cần thiết khi cơn co giật xuất hiện trở lại. Khi xuất viện trở về nhà, trẻ cần duy trì chế độ ăn ketogenic theo hướng dẫn của chuyên gia tại trung tâm trị liệu.

 Nếu việc thực hiện chế độ ăn ketogenic giúp trẻ kiểm soát tốt hơn những cơn động kinh, trẻ vẫn nên được tiếp tục theo đuổi chế độ ăn này thêm khoảng 2-3 năm, hoặc có thể lâu hơn.

Để việc tuân thủ chế độ ăn hiệu quả, cần giải thích cho trẻ về chế độ ăn ketogenic

Lợi ích của việc thực hiện chế độ ăn ketogenic cho trẻ bị động kinh

 Chế độ ăn ketogenic đã được chứng minh là có thể làm giảm những cơn co giật do động kinh. Khoảng một nửa số trẻ động kinh giảm được hơn 50% số cơn động kinh và khoảng 20 – 30% trẻ giảm được tới 90% cơn co giật khi áp dụng chế độ ăn này. Chỉ khoảng 25% số trẻ áp dụng chế độ ăn ketogenic vẫn xuất hiện co giật nhưng với mức độ nhẹ hơn so với trẻ không áp dụng.

 Ngoài ra, điều trị bằng chế độ ăn ketogenic còn làm giảm liều lượng thuốc điều trị động kinh nếu người bệnh nhận được hiệu quả tốt từ chế độ ăn này.

Rủi ro nếu áp dụng chế độ ăn ketogenic trong bệnh động kinh dài ngày

 Bên cạnh những lợi ích mang lại, ketogenic đi kèm nhiều rủi ro và nguy cơ đối với sức khỏe của trẻ vì đây không phải là một chế độ ăn lành mạnh (có quá nhiều chất béo). Một số tác dụng phụ có thể xuất hiện như:

– Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, táo bón, buồn nôn và nôn và ợ nóng.

– Cholesterol trong máu cao (một số trường hợp cần dùng đến thuốc hạ mỡ máu để điều trị).

– Sỏi thận.

– Thiếu năng lượng hoạt động. Và cần được dùng thêm Vitamin và khoáng chất dạng viên uống bổ sung.

– Làm trẻ chậm phát triển hơn so với trẻ bình thường khác.

 Chế độ ăn ketogenic đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong điều trị cơn động kinh ở trẻ. Để việc điều trị đạt hiệu quả, quá trình thực hiện chế độ ăn cần được sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia dinh dưỡng và bác sỹ, đồng thời, số lượng thực phẩm cũng cần được cân đo chuẩn xác đến từng mg. Bên cạnh những lợi ích đem lại, những tác dụng phụ của việc thực hiện chế độ ăn này cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến trẻ, hãy cân nhắc thật kỹ, hỏi ý kiến bác sỹ trước khi quyết định thực hiện chế độ ăn này cho trẻ.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo:

http://my.clevelandclinic.org/health/diseases_conditions/hic_Epilepsy_Frequently_Asked_Questions/hic_Introduction_to_the_Ketogenic_Diet

http://www.webmd.com/epilepsy/ketogenic-diet-for-epilepsy

Viết bình luận