Động kinh co cứng co giật toàn thân còn được gọi là động kinh cơn lớn, đặc trưng bởi các cơn co cứng, sau đó là cơn co giật và hôn mê mất ý thức tạm thời. Cơn co cứng co giật tự đến và tự đi bởi nó chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng đôi khi nó cũng có thể gây nguy hiểm nếu không được xử lý kịp lúc. Bệnh nhân thường sẽ không nhớ gì sau một cơn động kinh cơn lớn.
Động kinh là một bệnh lý xảy ra do rối loạn hoạt động điện của các tế bào thần kinh, dẫn đến những hành vi không kiểm soát, co giật bất thường và mất ý thức. Cơn động kinh co cứng co giật thường kéo dài trong khoảng từ 1 – 3 phút. Nếu cơn động kinh này kéo dài hơn 5 – 10 phút hoặc 3 cơn động kinh nối tiếp nhau, người bệnh cần được đưa tới bệnh viện để điều trị khẩn cấp.
Mục lục
Động kinh cơn lớn ảnh hưởng đến cả trẻ em và người lớn tuổi. Trẻ em chỉ mắc động kinh cơn lớn có thể kiểm soát được cơn động kinh sau một đến hai năm uống thuốc chống động kinh và sau đó dần dần giảm liều và ngưng thuốc. Có một số trường hợp trẻ bị co cứng, co giật nhưng khi kiểm tra trên điện não đồ không có sóng động kinh và không có bất kỳ sự tổn thương thần kinh nào khác thì có khoảng 70% tỷ lệ trẻ tự khỏi bệnh mà không cần dùng thuốc. Nhưng với người lớn tuổi thì khả năng kiểm soát bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và việc điều trị bằng thuốc cần duy trì trong thời gian dài.
Dấu hiệu của cơn động kinh co cứng co giật có thể khiến người bình thường phải sợ hãi khi chứng kiến. Các triệu chứng bao gồm hai giai đoạn: Co cứng và co giật.
– Giai đoạn co cứng: thường kéo dài trong khoảng 30s và không quá 1 phút. Toàn thân người bệnh cứng lại, rơi vào trạng thái mất ý thức và bị ngã xuống. Chân tay cứng đờ, mặt tím tái vì ngưng thở trong vài giây. Rất nhiều người có quan niệm sai lầm rằng, người bệnh thường sẽ bị cắn vào lưỡi nên họ cố gắng tìm cách nhét giẻ hoặc vải vào trong miệng của người bệnh, nhưng chính những thứ này có thể trở thành vật làm tắc nghẽn đường thở, gây hại cho bệnh nhân.
– Giai đoạn co giật: chỉ kéo dài trong khoảng từ 1 đến vài phút. Ngay sau giai đoạn co cứng, các cơ bắp ở cánh tay, chân của bệnh nhân bắt đầu co thắt và rung giật. Tần số của các cơn co giật sẽ giảm dần cho đến khi dừng lại hoàn toàn. Người bệnh có thể đi tiểu tiện hoặc đại tiện không tự chủ. Sau khi cơn co giật qua đi, người bệnh dần bước vào giai đoạn hồi phục, nhịp thở sẽ trở lại bình thường, tuy nhiên họ có thể buồn ngủ, mệt mỏi, đau nhức các cơ bắp… khi tỉnh dậy thường không nhớ những gì đã xảy ra với mình.
Một số co giật không phải do động kinh mặc dù có các triệu chứng khá giống với động kinh co cứng co giật. Để phân biệt, các bác sỹ sẽ đo điện não đồ EEG là phương pháp phân biệt đơn giản và rõ ràng nhất. Không thể loại trừ trường hợp bệnh nhân mắc cả hai cơn động kinh và co giật không do động kinh cùng một lúc. Tuy nhiên, cơn co giật không do động kinh thường có cường độ thấp hơn và thời gian diễn ra ngắn hơn cơn động kinh co cứng co giật.
Cơn động kinh co cứng co giật là dạng động kinh rất điển hình, dễ nhận ra. Các bác sỹ sẽ quan sát các chi tiết của cơn động kinh, đo điện não đồ EEG và một vài xét nghiệm khác nếu cần để xác định nguyên nhân.
Mục tiêu trong điều trị động kinh là kiểm soát tốt các cơn động kinh và ngăn ngừa động kinh tái phát. Các loại thuốc điều trị động kinh hiện nay được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị. Ngoài ra, có một số loại thuốc đặc biệt được chỉ định trong trường hợp khẩn cấp giúp ngăn chặn ngay cơn động kinh co cứng co giật sau khi sử dụng. Cùng với việc điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể sử dụng kết hợp thêm những sản phẩm bổ trợ được bào chế từ thảo dược tự nhiên như Câu đằng, An tức hương. Ngoài khả năng làm giảm tần suất, mức độ các cơn co cứng, co giật động kinh, các nhà khoa học còn nhận thấy, các hoạt chất sinh học từ thảo dược này còn có vai trò như những tiền chất dinh dưỡng, vừa bảo vệ tế bào thần kinh vừa giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi sức khỏe, giảm bớt mệt mỏi, buồn ngủ sau khi cơn xảy ra.
Nếu bạn nghĩ rằng bạn bè, người thân hoặc chính bản thân mình chẳng may mắc phải căn bệnh này, bạn cần khuyên họ hoặc thuyết phục chính bản thân mình đi gặp bác sỹ thần kinh càng sớm càng tốt. Cơn co giật do động kinh gây ra có thể gây các tổn thương cho cơ thể, nhất là các chấn thương, tai nạn không đáng có. Bởi vậy, hãy tin tưởng vào hướng dẫn điều trị của bác sĩ, dù thời gian dùng thuốc có kéo dài trong nhiều năm tháng nhưng nếu đáp ứng tốt, cơn động kinh hoàn toàn có thể kiểm soát được.
Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ
Nguồn tham khảo:
www.hopkinsmedicine.org/neurology_neurosurgery/centers_clinics/epilepsy/seizures/types/tonic-clonic-grand-mal-seizures.html
www.epilepsy.com/learn/types-seizures/tonic-clonic-seizures
Tin liên quan
Viết bình luận