Bệnh động kinh

5 dạng biểu hiện thường gặp trong bệnh động kinh toàn thể

Ngày đăng: 25 Tháng Mười, 2016
4.6/5 - (5 bình chọn)

 Nếu như động kinh cục bộ chỉ xuất hiện tại một vùng khu trú nhất định thì động kinh toàn thể lại gây ảnh hưởng đến cả hai bên bán cầu của não. Biểu hiện của động kinh toàn thể rất đa dạng, đặc trưng bởi những cơn co cứng, co giật chân tay hoặc toàn thân, kèm theo mất ý thức tạm thời. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu về 5 dạng biểu hiện khác nhau trong bệnh động kinh toàn thể, điều này sẽ giúp mọi người có thể nhận biết sớm ngay từ những dấu hiệu ban đầu của bệnh.

Động kinh co cứng – co giật toàn thể (Tonic-clonic)

 Cơn co cứng co giật là dạng điển hình nhất của động kinh toàn thể, hay còn gọi là động kinh cơn lớn. Khi cơn động kinh xuất hiện, người bệnh thường trải qua 2 giai đoạn là co cứng và co giật

 Trong giai đoạn co cứng, toàn bộ các cơ bắp ở mặt, chân tay và cả toàn thân bị thắt cứng lại, người bệnh có thể chỉ kịp kêu hét hoặc khóc ré lên 1 tiếng rồi ngã xuống đất và mất đi ý thức. Lúc này, người bệnh có thể bị ngưng thở vài giây do cơ hô hấp cũng bị co cứng theo, da mặt, môi trở nên thâm tím, mắt trợn ngược, răng nghiến chặt,..

 Trong giai đoạn co giật, chân tay sẽ bị giật liên tục, người bệnh có thể bị mất khả năng kiểm soát sự co giãn của ruột và bàng quang dẫn đến đại tiện hay tiểu tiện không tự chủ. Giai đoạn này răng vẫn nghiến chặt, sùi bọt mép, những cơn khó thở vẫn tiếp tục xảy ra.

 Sau một cơn động kinh có cứng co giật, người bệnh có thể bị đau đầu và đau nhức các cơ bắp, mệt mỏi và chỉ muốn ngủ thiếp đi ít phút trước khi tỉnh dậy, trở về cuộc sống bình thường. Khi cơn động kinh kết thúc, người bệnh có thể cảm thấy bối rối và chẳng thế nhớ ra được điều gì đã xảy ra với bản thân mình.

Động kinh co cứng – co giật gây mất ý thức

Động kinh co cứng (Tonic seizures)

 Các triệu chứng của một cơn động kinh dạng này thường giống với giai đoạn đầu của cơn động kinh co cứng – co giật. Tuy nhiên, không có sự co giật cơ xảy ra.

Động kinh nhược cơ (Atonic seizures)

 Động kinh nhược cơ còn được gọi là động kinh mất trương lực cơ. Nếu bạn có cơn động kinh mất trương lực, bạn sẽ cảm thấy mất trương lực tất cả các cơ trong cơ thể và bị ngã. Những cơn co giật xuất hiện trong thời gian rất ngắn và người bệnh có thể đứng lên ngay tập tức. Tuy nhiên, động kinh nhược cơ có thể gây chấn thương ở phần đầu, mặt, mũi do bị ngã đột ngột.

Động kinh múa giật (Myoclonic seizures)

 Cơn động kinh múa giật thường xảy ra bất thình lình ở một bộ phận cơ thể trong thời gian ngắn. Vì chỉ diễn ra trong thời gian quá ngắn nên động kinh dạng này không đủ để ảnh hưởng đến ý thức. Các cơn co giật có thể rất nhẹ hoặc rất mạnh, có thể chỉ là một cơn co giật đơn lẻ hoặc chuỗi các cơn co giật bất thình lình.

Động kinh vắng ý thức (Absence seizures)

 Thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Cơn động kinh kiểu này thường được chia thành dạng điển hình và không điển hình.

Cơn động kinh vắng ý thức điển hình

 Có thể gây bất tỉnh trong vài giây, người bệnh thường ngừng mọi hoạt động đang được thực hiện trước đó nhưng không bị ngã. Người bệnh có thể rơi vào trạng thái mơ màng, không biết những gì đang xảy ra xung quanh và những người bên cạnh có thể cũng không nhận ra sự thay đổi này nếu không đặc biệt chú ý. Một số động tác có thể xuất hiện khi cơn động kinh kiểu này xảy ra: Nháy mắt, giật nhẹ chân tay, giật cơ mặt, miệng nhai liên tục mà không có gì trong miệng, đang đi ngừng đi, đánh rơi đồ vật xuống đất không rõ lý do…

 Ở một số người, cơn động kinh vắng ý thức có thể xuất hiện hàng trăm lần mỗi ngày (ít nhất từ 20 lần trở lên). Những cơn động kinh này thường xuất hiện theo từng đợt, nhiều cơn một lúc và tình trạng thường tồi tệ hơn khi họ đang thức dậy hoặc đang ngủ.

Cơn động kinh vắng mặt không điển hình có thể xảy ra ngay cả khi đang ngủ

Cơn động kinh vắng ý thức không điển hình

 Động kinh dạng này có những triệu chứng tương tự như động kinh vắng ý thức điển hình. Tuy nhiên, cơn động kinh vắng ý thức không điển hình thường kéo dài hơn, người bệnh có thể sẽ mất đi ý thức và bị co giật các cơ bắp khác. Người bệnh có thể lặp đi lặp lại một động tác, di chuyển xung quanh theo một vòng tròn với dáng bộ thường vụng về và không định hướng được mình cần phải làm gì, sự hỗ trợ và hướng dẫn từ những người xung quanh là rất cần thiết lúc này. Người bệnh vẫn có khả năng phản ứng lại với một ai đó khi cơn động kinh xảy ra. 

 Những người mắc động kinh vắng ý thức không điển hình thường gặp khó khăn trong học tập, những dạng động kinh khác hoặc những điều kiện khác có thể gây ảnh hưởng đến não bộ.

 Những cơn động kinh qua đi để lại những hậu quả to lớn cho người bệnh. Cơn động kinh xuất hiện khi người bệnh đang thực hiện những công việc như: Nấu ăn, tham gia giao thông có thể gây ra chấn thương do ngã. Bên cạnh đó, nó còn khiến cho người bệnh cảm thấy hoang mang, lo lắng về tình trạng trí nhớ của mình, dẫn đến những rối loạn lo âu, căng thẳng. Bệnh động kinh cần được chẩn đoán và điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo: www.epilepsy.org.uk/info/seizures/generalised-seizures

Viết bình luận