Huyết áp thấp và thiếu máu não

Các bước thực hiện trong chẩn đoán thiếu máu

Ngày đăng: 8 Tháng Sáu, 2017
5/5 - (1 bình chọn)

Thiếu máu là tình trạng số lượng hồng cầu hoặc khả năng vận chuyển oxy của hồng cầu thấp hơn mức bình thường nên không thể đáp ứng đủ nhu cầu hoạt động của các cơ quan. Một người sẽ được chẩn đoán thiếu máu khi số lượng hồng cầu hay huyết sắc tố thấp hơn mức độ trung bình của những người cùng độ tuổi, giới tính, môi trường sống… Có thể nói rằng chẩn đoán thiếu máu không khó tuy nhiên việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra thiếu máu mới thực sự là vấn đề.

Dưới đây là các bước thường được áp dụng trong việc chẩn đoán tình trạng thiếu máu:

Khai thác, phát hiện các triệu chứng của thiếu máu

Để chẩn đoán bạn có bị thiếu máu hay không, trước hết các bác sĩ sẽ quan sát kỹ lưỡng thể trạng bên ngoài của bạn và đưa ra những câu hỏi nhằm xác định các triệu chứng thiếu máu như: thể trạng gầy yếu, da xanh xao, tái nhợt, cơ thể thường xuyên mệt mỏi, chóng váng… Bước này sẽ giúp các bác sĩ nhận định sơ bộ về tình trạng sức khỏe của bạn.

Khai thác lối sống, tiền sử bệnh và gia đình trong chẩn đoán thiếu máu

Sau khi khai thác các triệu chứng, các bác sĩ sẽ chuyển sang khai thác tiền sử bệnh của gia đình và của chính bản thân bạn. Ngoài việc phải liệt kê tất cả những bệnh mà bạn hay người thân trong gia đình mắc phải trước đây thì những thông tin khác như: bạn đã hoặc đang dùng loại thuốc gì, chế độ ăn uống của bạn như thế nào… cũng rất cần thiết đối với các bác sĩ.

Trong nhiều trường hợp việc khai thác lối sống, tiền sử bệnh và tiền sử gia đình sẽ giúp bác sĩ định hướng về nguyên nhân và biết cần phải làm những xét nghiệm gì sau đó.

Để chẩn đoán thiếu máu, các bác sĩ khai thác về lối sống, tiền sử bệnh

Khám sức khỏe tổng thể nhằm xác định nguyên nhân gây thiếu máu

Bước tiếp theo cần làm, đó là thăm khám sức khỏe tổng thể. Bác sĩ sẽ tiến hành:

– Nghe tiếng tim để đánh giá nhịp tim có bất thường hay không

– Nghe tiếng phổi để xem bạn có thở nhanh hoặc không đều hay không

– Khám vùng bụng để xác định khích thước của gan, lách

Đây cũng là bước quan trọng nhằm xác định nguyên nhân gây thiếu máu

Xét nghiệm công thức máu đóng vai trò chính trong chẩn đoán thiếu máu

Có thể nói rằng xét nghiệm công thức máu (CBC) là xét nghiệm đóng vai trò quan trọng nhất trong chẩn đoán thiếu máu. Xét nghiệm này sẽ giúp đánh giá số lượng hồng cầu và nồng độ hemoglobin trong máu – một loại protein liên kiết với các phân tử sắt nằm bên trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy tới các cơ quan.

Xét nghiệm công thức máu cũng giúp đánh giá các yếu tố như bạch cầu, tiểu cầu… Trong nhiều trường hợp việc đánh giá các yếu tố này có thể giúp xác định nguyên nhân gây thiếu máu hay phát hiện các bệnh lý mắc kèm khác.

Ngoài ra, phương pháp này còn giúp đánh giá kích thước của hồng cầu nhằm xác định nguyên nhân gây thiếu máu, chẳng hạn như bệnh thiếu máu do thiếu sắt thì kích thước của hồng cầu thường nhỏ hơn mức bình thường.

Xét nghiệm công thức máu (CBC) giúp chẩn đoán thiếu máu

Các xét nghiệm khác trong chẩn đoán thiếu máu

Nếu xét nghiệm công thức máu cho thấy bạn bị thiếu máu thì bạn có thể cần phải thực hiện thêm một số xét nghiệm khác bao gồm:

– Điện di hemoglobin: xét nghiệm này giúp đánh giá các loại hemoglobin khác nhau đang có trong máu của bạn từ đó có thể giúp chẩn đoán loại thiếu máu mà bạn mắc phải.

– Test reticulocyte: xét nghiệm này giúp đánh giá số lượng hồng cầu non trong máu, từ đó có thể xác định tình trạng thiếu máu có liên quan tới các vấn đề về tủy xương hay không.

– Đánh giá nồng độ sắt,vitamin B12, acid folic trong máuđể biết chính xác có phải nguyên nhân gây thiếu máu là do thiếu sắt hay thiếu vitamin B12…

– Nếu các bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân gây thiếu máu ở bạn là do chảy máu trong cơ thể thì xét nghiệm phân kết hợp kỹ thuật nội soi sẽ cần thiết phải thực hiện.

DS.Ngọc Hải

Nguồn tham khảo: https://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/anemia/diagnosis

Viết bình luận