Bệnh mạch vành

95% người bệnh huyết áp cao bị tăng huyết áp nguyên phát

Ngày đăng: 2 Tháng Mười, 2020
5/5 - (2 bình chọn)

Có tới 95% người bệnh huyết áp cao là tăng huyết áp nguyên phát, bệnh thường tiến triển âm thầm theo thời gian gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vậy tăng huyết áp nguyên phát là gì và  liệu bạn có thuộc đối tượng này không? Hãy cùng hiểu nguyên nhân và cách trị bệnh ngay sau đây.

Tăng huyết áp nguyên phát là gì?    

Tăng huyết áp nguyên phát là trường hợp bị huyết áp cao nhưng không thể xác định được nguyên nhân cụ thể, khác với tăng huyết áp thứ phát là bệnh huyết áp cao đã biết rõ nguyên nhân, chẳng hạn như bệnh thận, bệnh tuyến giáp… Chính vì vậy, việc quản lý điều trị cũng sẽ trở nên khó khăn hơn.  

Đa số các trường hợp cao huyết áp là tăng huyết áp nguyên phát

Các yếu tố nguy cơ liên quan đến tăng huyết áp nguyên phát

Tăng huyết áp có thể liên quan đến rất nhiều yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như:

– Tuổi tác: Tuổi càng cao thì nguy cơ mắc bệnh của bạn càng tăng lên, nhất là sau 65 tuổi.

– Di truyền: Yếu tố di truyền được cho là có vai trò nhất định đối với tăng huyết áp, vì vậy mà nếu trong gia đình có người bị tăng huyết áp thì bạn cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

– Chủng tộc: Người gốc Phi thường phát triển tăng huyết áp sớm hơn và phổ biến hơn so với người da trắng.

– Chế độ ăn: ăn quá nhiều muối, ít kali có thể gây giữ nước, làm tăng huyết áp.

– Thói quen sống thiếu khoa học: lười vận động thể chất, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia…

– Thừa cân, béo phì: Ở người béo phì thì cần nhu cầu máu cũng cao hơn, do đó lượng máu lưu thông qua động mạch cũng tăng lên làm gia tăng áp lực lên thành mạch.

– Căng thẳng: Tăng huyết áp có xu hướng tăng cao ở những người thường xuyên lo lắng. Nhiều người thường tìm đến rượu bia, đồ ăn nhanh để giải tỏa tâm trạng, nhưng điều này lại càng làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp.

Triệu chứng của tăng huyết áp nguyên phát là gì?

Hầu hết những người bị huyết áp cao không có triệu chứng, ngay cả khi kết quả đo huyết áp chạm mốc nguy hiểm. Một số người có thể bị nhức đầu, khó thở, nóng bừng mặt hoặc chảy máu cam; nhưng các triệu chứng này không đặc hiệu và thường không xảy ra cho đến khi huyết áp cao đã đến giai đoạn nặng, đe dọa tính mạng.    

Chẩn đoán tăng huyết áp nguyên phát  

Đo huyết áp là cách tốt nhất để tầm soát bệnh tăng huyết áp nguyên phát. Điều quan trọng là bạn cần biết cách đo và đọc kết quả chính xác. Kết quả đo huyết áp thường đặc trưng bằng 2 chỉ số, ví dụ 120/80mmHg. Trong đó chỉ số đầu tiên là huyết áp tâm thu (120mmHg) và chỉ số dưới là huyết áp tâm trương (80mmHg). Huyết áp tâm thu đo áp lực của máu lên thành động mạch khi tim co bóp, còn huyết áp tâm trương đo áp lực lúc tim nghỉ giữa các nhịp đập.  

Các chỉ số huyết áp của bạn có thể dao động lên hoặc xuống trong ngày, tăng lên sau khi tập thể dục, đau, căng thẳng… Bạn được chẩn đoán bị tăng huyết áp khi có kết quả đo huyết áp vượt ngưỡng từ 140/90mmHg trở lên trong ít nhất 2 – 3 lần đo khác nhau.    

Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm như xét nghiệm máu, siêu âm tim, điện tâm đồ, siêu âm thận… để tìm ra nguyên nhân gây tăng huyết áp. Nếu không tìm thấy nguyên nhân, người bệnh được chẩn đoán là tăng huyết áp nguyên phát.  

Đo huyết áp để chẩn đoán tăng huyết áp vô căn

Biến chứng của tăng huyết áp nguyên phát

Áp lực quá lớn lên thành động mạch có thể làm tổn thương mạch máu và các cơ quan trong cơ thể, dẫn đến các biến chứng như:

Xơ vữa động mạch: Huyết áp cao gây xơ cứng và giảm độ đàn hồi thành mạch, tăng nguy cơ xơ vữa động mạch; có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, bệnh động mạch ngoại biên…

– Phình mạch: Huyết áp tăng cao có thể gây phình tách động mạch, nếu túi phình vỡ sẽ gây chảy máu trong đe dọa tính mạng.  

– Suy tim: Huyết áp cao khiến tim phải tăng cường co bóp để thắng được áp lực trong động mạch, kết quả là thành cơ tim sẽ dày lên, gây khó khăn trong việc bơm máu đi nuôi cơ thể.

– Suy thận: Tổn thương mạch máu thận sẽ làm suy giảm chức năng lọc máu của thận.

– Giảm thị lực: Dưới áp lực tăng cao trong động mạch, những mạch máu nhỏ ở mắt có thể bị vỡ ra gây xuất huyết võng mạc, thậm chí có thể gây mất thị lực hoàn toàn.  

– Giảm trí nhớ: Xơ vữa mạch máu não do tăng huyết áp sẽ làm giảm lưu lượng máu lên não, gây suy giảm trí nhớ, đột quỵ.

Điều trị tăng huyết áp nguyên phát

Thay đổi lối sống

Lối sống khoa học sẽ giúp bạn kiểm soát tăng huyết áp nguyên phát hiệu quả hơn. Dưới đây là một số thói quen sống tích cực mà người bệnh nên áp dụng sớm:

– Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

– Giảm cân nếu bạn bị thừa cân, béo phì.

– Bỏ hút thuốc lá.

– Hạn chế uống nhiều bia rượu: phụ nữ không uống quá 1 ly rượu vang/ngày và nam giới không uống quá 2 ly/ngày.

– Hạn chế căng thẳng: bằng cách tập thể dục, xem các chương trình giải trí, nghe nhạc…

– Ăn nhạt, tăng cường bổ sung kali và chất xơ bằng rau quả tươi, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt khô.

Sử dụng thuốc

Nếu thay đổi lối sống không đủ để hạ huyết áp về mức an toàn, bác sĩ có thể kê cho bạn 1 hoặc nhiều thuốc hạ huyết áp. Các loại thuốc thường dùng là:

– Thuốc chẹn beta: metoprolol, propranolol…

– Thuốc chẹn kênh canxi: amlodipine, nicardipine, diltiazem…

– Thuốc lợi tiểu: hydrochlorothiazide, chlorothiazide, methylchlorothiazide…

– Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: captopril, enalapril, lisinopril…

– Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II: losartan, telmisartan, lobesartan…

– Chất ức chế renin: chẳng hạn như aliskiren (Tekturna).

Ngoài các thuốc điều trị chính, các chuyên gia Tim mạch cũng khuyến cáo người bệnh nên sử dụng kết hợp cùng những thảo dược như Hoàng bá, Sơn tra, Mạch môn. Ngoài công dụng giãn mạch để hỗ trợ cùng thuốc tây hạ áp hiệu quả hơn, những thảo dược này còn làm tăng tính bền thành mạch, chống xơ vữa, từ đó giúp phòng ngừa biến chứng do tăng huyết áp nguyên phát gây ra.

Xem thêm: 

Sản phẩm hỗ trợ hạ áp chứa thảo dược Hoàng bá, Sơn tra, Mạch môn.

Hoàng bá và những ứng dụng trong điều trị bệnh tim mạch  

Tăng huyết áp nguyên phát thường tiến triển trong nhiều năm và ảnh hưởng đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. May mắn thay, nếu được phát hiện và điều trị sớm, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát bệnh và ngăn chặn biến chứng thành công.   

Dược sĩ Mạnh Hùng

Biên tập viên sức khỏe Trung Mỹ

Nguồn tham khảo

https://www.healthline.com/health/essential-hypertension#:~:text=Essential%20hypertension%20is%20high%20blood,pumps%20blood%20through%20your%20body.

Viết bình luận